Hôm 26-10-2022, các bị cáo gồm: Demetris Syllouris - cựu Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Cyprus; Christakis Giovanis - cựu nghị sĩ, doanh nhân bất động sản; Andreas Pittadjis - luật sư, và Antonis Antoniou - Giám đốc điều hành Công ty Giovani đã xuất hiện trước Tòa án Nicosia Assize.
Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn đến ngày 30-11-2022. Họ phải đối mặt với 5 cáo buộc, bao gồm âm mưu lừa đảo nhà nước và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật. Tòa án đã đặt ra mức tiền bảo lãnh cho các ông Syllouris, Giovanis và Antoniou ở mức 50.000 euro và 30.000 euro cho luật sư Pittadjis.
Các cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 10-2020 sau một đoạn video bí mật của Al Jazeera cho thấy, các đối tượng được đề nghị giúp đỡ một doanh nhân người Trung Quốc đã có tiền án có được hộ chiếu của Cộng hòa Cyprus thông qua chương trình đầu tư.
Phát lộ "Hồ sơ Cyprus”
Trong phóng sự điều tra có tên "Hồ sơ Cyprus”, phóng viên bí mật đóng giả là đại diện của một người giàu Trung Quốc vốn dính líu với pháp luật. Bốn đối tượng này khi được tiếp cận đã trả lời rằng, họ sẵn sàng giúp khách hàng có được hộ chiếu và trở thành công dân của EU. Theo đó, hộ chiếu có thể được cấp với khoản đầu tư tối thiểu là 2,15 triệu euro (2,5 triệu USD vào thời điểm đó). Tuy nhiên, như luật pháp Cộng hòa Cyprus quy định, các tội phạm bị kết án không nằm trong diện được xét duyệt theo chương trình.
Luật sư Pittadjis cho biết, tên của khách hàng có thể thay đổi trên hộ chiếu, mang lại cho anh ta một danh tính hoàn toàn mới và khiến hồ sơ tội phạm của anh ta không thể bị phát hiện. Điều này sẽ cho phép tội phạm chuyển tiền và đi qua EU mà không sợ bị phát giác. Khi các phóng viên hỏi ông Pittadjis rằng, liệu trước đó từng đổi tên khách hàng để lấy hộ chiếu chưa, ông ta cười đáp: "Tất nhiên! Đây là Cộng hòa Cyprus mà”.
Trong khi đó, ông Syllouris - Chủ tịch Quốc hội nói với các phóng viên rằng, họ sẽ nhận được "sự ủng hộ đầy đủ” của ông. Khi được hỏi liệu người nộp đơn là tội phạm có được cấp hộ chiếu không, ông ta nói: "Tôi không thể nói 100%, nhưng tôi khẳng định khả năng tới 99%”.
Về phần mình, doanh nhân Giovanis cho biết, ông ta sẽ làm mọi cách để có được hộ chiếu cho khách hàng người Trung Quốc. "Nó không dễ. Nhưng tôi có thể hứa là chúng tôi sẽ làm điều tốt nhất. Và tôi tin rằng chúng tôi có kinh nghiệm” - ông này nói. Còn Giám đốc Antoniou cho biết, ứng viên người Trung Quốc nên đầu tư tới 20 triệu euro (20,2 triệu USD) vào Cộng hòa Cyprus để hưởng lợi từ các điều khoản "có lợi hơn”, không cần phải nằm trong "danh sách chờ”.
Hàng loạt thông tin chấn động
Tài liệu điều tra đã gây chấn động hòn đảo trên Địa Trung Hải. Trong vòng vài ngày, chương trình cấp hộ chiếu thông qua đầu tư của Cộng hòa Cyprus đã bị hủy bỏ. Chủ tịch Quốc hội Syllouris và Giám đốc Giovanis từ chức, đồng thời cảnh sát Liên minh châu Âu và Chính phủ Cyprus vào cuộc điều tra.
Những thông tin tiết lộ trong "Hồ sơ Cyprus” của Al Jazeera sau đó cho thấy nhiều hành vi sai trái hơn. Hộ chiếu EU vốn rất được ưa chuộng đối với những người từ châu Á, Trung Đông và các quốc gia như Nga và Ukraine. Là công dân EU, người mang hộ chiếu Cộng hòa Cyprus có thể tự do sinh sống, làm việc và đi lại tại 27 quốc gia thành viên EU và được miễn thị thực vào hơn 170 quốc gia.
Các tài liệu đó cho thấy từ năm 2017 - 2019, Cộng hòa Cyprus đã phê duyệt hộ chiếu cho hơn 30 người đang bị điều tra hình sự, nằm trong diện trừng phạt quốc tế hoặc đang thi hành án tù. Hơn 40 người nộp đơn giữ các vị trí chính trị hoặc nhà nước nhạy cảm, có nghĩa là họ được coi là một nguy cơ nghiêm trọng cho nạn hối lộ hoặc rửa tiền.
Vào thời kỳ đó, Cộng hòa Cyprus đã phê duyệt hơn 1.400 hộ chiếu theo chương trình đầu tư, với nhiều hộ chiếu bao gồm các thành viên gia đình, nâng tổng số lên gần 2.500 người. Cuộc điều tra của Cộng hòa Cyprus năm 2021 về chương trình quốc tịch cho thấy, trong số 6.779 quốc tịch được cấp từ năm 2007 - 2020 có 53% (phần lớn dành cho người Nga) là bất hợp pháp.
"Hồ sơ Cyprus” là một phần của cuộc điều tra rộng hơn cho thấy, nếu có tiền, một tên tội phạm cũng có thể mua một câu lạc bộ bóng đá Anh và sử dụng nó để rửa tiền. Các phóng viên trong khi xâm nhập đường dây đã được Keith Hunter (cựu cảnh sát London chuyển sang làm điều tra viên tư nhân) móc nối với các mắt xích để có thể giúp khách hàng tội phạm có được hộ chiếu EU.
Bộ phim tài liệu về cuộc điều tra này phát hành vào tháng 8-2021 đã giành được một loạt giải thưởng của Vương quốc Anh và quốc tế cũng như đề cử Giải thưởng Điện ảnh Viện Hàn lâm Anh quốc (BAFTA) vào năm 2022.
Cảnh báo với Liên minh châu Âu
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Tổ chức Minh bạch quốc tế cho biết, Ủy ban châu Âu phải có hành động quyết liệt chống lại các chương trình "thị thực vàng” đầy tai tiếng của các quốc gia thành viên. Loạt bài điều tra của Al Jazeera cho thấy, EU khó có khả năng tự vệ trước hành vi bán quyền công dân và cư trú cho tội phạm hay những kẻ tham nhũng.
"Chính phủ Cộng hòa Cyprus trước đó đã thừa nhận sai lầm, cam kết sửa chữa những sơ hở và tước quyền công dân của những người đáng lẽ không được cấp quyền đó ngay từ đầu. Nhưng "Hồ sơ Cyprus” cho thấy, vấn đề còn lớn hơn nhiều so với việc giám sát không thường xuyên. Đó là một chương trình dễ bị lạm dụng và phản ứng thích hợp duy nhất là đình chỉ nó” - ông Laure Brillaud, cán bộ chính sách cấp cao tại Tổ chức Minh bạch quốc tế cho biết.
Theo trang Transparency.org, các cuộc điều tra này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy, các quốc gia thành viên EU không muốn cải cách triệt để nhằm ngăn chặn việc lạm dụng chương trình "thị thực vàng”. Các cơ quan của EU đã lên tiếng ủng hộ việc loại bỏ hoàn toàn các kế hoạch cấp thị thực cho nhà đầu tư do rủi ro không thể chấp nhận được đối với toàn bộ EU.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thúc đẩy các nỗ lực của EU nhằm bịt các lỗ hổng cho phép tham nhũng xuyên quốc gia và rửa tiền. "Đã 2 năm kể từ khi vụ bê bối "thị thực vàng” ở Cộng hòa Cyprus nổ ra, chúng tôi vẫn đang chờ Ủy ban châu Âu thực hiện cam kết của mình và ngăn EU trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ tham nhũng và tội phạm” - ông Brillaud nói thêm.
Có khá nhiều quốc gia EU khác cung cấp chương trình cấp quyền cư trú qua hình thức đầu tư như Italia, Bulgaria, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Latvia và Luxembourg… Cuối tháng 3-2022, Ủy ban châu Âu đưa ra khuyến nghị kêu gọi các nước thành viên hành động chống lại các kế hoạch cấp hộ chiếu và "thị thực vàng”, đồng thời thực hiện các bước ngay lập tức trong bối cảnh xảy ra xung đột tại Ukraine. Tới nay, Malta, Cyprus và Bulgaria đã cam kết kết thúc chương trình "thị thực vàng”.
Tuần qua, Bồ Đào Nha (một trong những điểm đến được người nước ngoài giàu có tìm kiếm nhiều nhất) đã công bố chương trình này sắp chấm dứt. Ông Antonio Costa - Thủ tướng Bồ Đào Nha cho biết, nước này đang xem xét bãi bỏ chương trình "thị thực vàng” kéo dài 10 năm nhưng bị chỉ trích nhiều. "Có những chương trình mà chúng tôi hiện đang đánh giá lại và một trong số đó là "thị thực vàng”. Nó đã hoàn thành chức năng và thời điểm này việc duy trì không còn hợp lý nữa” - Thủ tướng Antonio Costa nói.
(Theo ANTD)