Thông tấn xã Triều Tiên KCNA hôm qua (20.2) thông báo nước này vừa tiến hành phóng thử tên lửa vào khu vực vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên. KCNA dẫn lời quan chức cấp cao của Triều Tiên là Kim Yo-jong, em gái của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố: "Tần suất chúng tôi sử dụng Thái Bình Dương làm "trường bắn" phụ thuộc vào hành vi của quân đội Mỹ".
Ăn miếng trả miếng
Liên quan vụ phóng thử trên, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa vào khoảng 7 giờ sáng cùng ngày 20.2 (theo giờ địa phương). Trong đó, tên lửa thứ nhất bay khoảng 400 km và đạt độ cao lên đến 100 km, tên lửa thứ hai bay được khoảng 350 km và đạt độ cao cao nhất là 50 km.
Động thái này diễn ra sau khi Mỹ và Hàn Quốc ngày 19.2 tập trận chung trên không. Reuters dẫn thông báo từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho hay cuộc tập trận có các chiến đấu cơ F-35A và F-15K của Hàn Quốc cùng chiến đấu cơ F-16 hộ tống máy bay ném bom B-1B của Mỹ. JCS nhấn mạnh cuộc tập trận thể hiện khả năng phòng thủ "áp đảo" và tư thế sẵn sàng chiến đấu của Washington và Seoul.
Cuộc tập trận được xem là sự đáp trả của 2 đồng minh này khi Triều Tiên ngày 18.2 đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được cho là loại Hwasong-15 đủ sức vươn đến thủ đô Washington D.C của Mỹ. Tên lửa đã bay 989 km và đạt độ cao tối đa lên đến 5.768 km. Cùng ngày 18.2, Nhật Bản thông báo tên lửa vừa nêu đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Mỹ - Hàn Quốc tổ chức tập trận, Triều Tiên phản ứng gay gắt
Trả lời Thanh Niên ngày 20.2, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: "Triều Tiên đã phóng thử ICBM (KN-22 hoặc Hwasong-15) - loại có thể vươn tới thủ đô Washington D.C của Mỹ. Hwasong-15 được gắn trên các phương tiện di động nên dễ dàng lẩn trốn rồi bất ngờ phóng tên lửa, nhưng nếu vẫn còn dùng nhiên liệu lỏng thì cần thời gian tương đối dài để tiếp nhiên liệu cho tên lửa".
"Nếu Triều Tiên có khả năng tấn công Washington D.C bằng ICBM, Nhật Bản và Hàn Quốc đang lo ngại tình trạng Mỹ sẽ ngần ngại can thiệp khi Triều Tiên tấn công Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Mặc dù Bình Nhưỡng thử ICBM, nhưng HĐBA LHQ có thể sẽ không thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên vì Trung Quốc và Nga phủ quyết động thái đó", TS Nagao nhận định.
Có thể còn nhiều lần thử
GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản; Học giả cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore) nhận định: "Tên lửa mà Triều Tiên phóng vào ngày 18.2 dường như đã bay theo quỹ đạo lệch. Nhưng vụ thử đã chứng minh khả năng cải tiến của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên. Có suy đoán cho rằng Triều Tiên có thể đã giới thiệu tên lửa mới sử dụng nhiên liệu rắn vốn cho phép thời gian chuẩn bị phóng ngắn hơn, giúp tên lửa ít bị tấn công phủ đầu hoặc bị phản công hơn".
"Bên cạnh đó, việc Bình Nhưỡng nâng cao phô diễn về khả năng đe dọa và tấn công lục địa Mỹ nhằm đạt được sự răn đe đủ mạnh đáng tin cậy chống lại các cuộc tấn công của Washington và đạt được ưu thế trong chính sách ngoại giao song phương giữa Bình Nhưỡng với Seoul và Tokyo. Triều Tiên đã và đang thử nghiệm các tên lửa mới có quỹ đạo phức tạp khó đánh chặn hơn", GS Sato đánh giá.
GS Ryo Hinata-Yamaguchi (Đại học Tokyo, Nhật Bản) phân tích: "Dù Triều Tiên thường xuyên phóng tên lửa nhằm đe dọa năng lực phòng thủ của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng mục đích thực sự của Bình Nhưỡng là để kiểm tra khả năng của tên lửa đang trong quá trình phát triển hoặc tập trận nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng của các đơn vị tên lửa. Đặc biệt, Triều Tiên đang đẩy nhanh kế hoạch 5 năm nhằm tăng cường khả năng quân sự, nên nỗ lực nhiều hơn vào việc phát triển và vận hành cả kho vũ khí chiến lược và chiến thuật mới".
Qua đó, ông dự báo: "Như thế, Bình Nhưỡng sẽ còn tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm và tập trận tên lửa hơn trong năm nay và năm tới, đặc biệt là với các ICBM".
(Theo TNO)