Lũ lụt lịch sử tại Ý, hơn 36.000 dân phải sơ tán

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/5/2023 | 8:45:38 AM

Thủ tướng Ý cam kết hỗ trợ vùng bị lũ lụt nặng khiến 14 người chết, hơn 36.000 người phải sơ tán ở đất nước này.

Thủ tướng Ý Giorgia Meloni (áo xanh) xúc động khi gặp người dân vùng bị lũ lụt lịch sử Emilia-Romagna
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni (áo xanh) xúc động khi gặp người dân vùng bị lũ lụt lịch sử Emilia-Romagna

Thủ tướng Ý thị sát vùng lũ lụt

Ngày 21-5, sau khi cắt ngắn lịch trình tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản để trở về giải quyết tình hình lũ lụt, Thủ tướng Giorgia Meloni cam kết hỗ trợ khắc phục khó khăn với các khu vực bị thiên tại ở miền bắc đất nước.

Bà Meloni đã lập tức đi thăm các thị trấn ở vùng Emilia-Romagna, nơi lũ lụt đã làm chết 14 người. Hiện Emilia-Romagna vẫn đang bị đặt trong tình trạng báo động đỏ.

Phó chủ tịch kiêm giám đốc bảo vệ dân sự vùng Emilia-Romagna, bà Irene Priolo cho biết khoảng 100 thành phố và thị trấn trong vùng đã bị thiệt hại do lũ lụt, gấp 3 lần số lượng bị ảnh hưởng do trận động đất kinh hoàng xảy ra ở khu vực này vào năm 2012.

Lũ lụt đã gây ra hơn 305 vụ lở đất và làm hư hỏng hoặc đóng cửa hơn 500 con đường, với mức thiệt hại lên tới nhiều tỉ euro. Tình trạng sạt lở đất chưa dừng lại, đặc biệt là ở các khu vực thuộc vùng núi Apennines.

Theo chính quyền vùng Emilia-Romagna, ngoài ít nhất 14 người thiệt mạng, số người phải sơ tán vì lũ lụt đã tăng lên hơn 36.600 người. Khoảng 10.000 người trong số này đã có thể về nhà vào tối 21-5. Nhiều người bị cô lập ở các vùng lũ lụt sống trong cảnh không có điện.

"Đây là một thảm kịch nhưng chúng ta luôn có thể phục hồi mạnh mẽ sau các khủng hoảng", bà Meloni nói với các phóng viên tại thành phố Ravenna, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Bà thừa nhận mình đã rất xúc động khi gặp những người dân phải trải qua trận đại hồng thủy.

"Chúng tôi sẽ tìm các nguồn lực cần thiết", bà cho biết và để ngỏ khả năng kêu gọi Quỹ Đoàn kết của Liên minh châu Âu để ứng phó với hậu quả của thảm họa này.

Thiệt hại khó ước tính

Dự kiến nhiều con đường sẽ phải xây dựng lại, thay đổi hoàn toàn hình dạng của mạng lưới đường bộ, sẽ phải mất hàng tháng và ở một số nơi có thể hàng năm để sửa chữa đường sá và cơ sở hạ tầng.

Chứng kiến mức độ thiệt hại, bà Meloni cho biết mình sẽ dành cả ngày 22-5 để xem xét các kế hoạch hỗ trợ các nỗ lực phục hồi.

Chính phủ Ý sẽ họp vào ngày 23-5 để quyết định các biện pháp ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

Một số vùng nông nghiệp của Ý đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các vùng trồng trái cây như đào, kiwi, mơ, các vùng trồng bắp, ngũ cốc.

Trận lũ lụt kinh hoàng do hai đợt mưa, diễn ra cách nhau 15 ngày, khiến Emilia-Romagna đã nhận lượng nước mưa bằng mức trung bình của cả năm. 

Sau 2 năm hạn hán khiến mặt đất nơi đây bị khô nứt trở nên không thấm nước, nước mưa cuốn trôi lớp đất bề mặt, gây sạt lở, phá hủy các vườn cây ăn quả, vườn nho và nhiều loại cây trồng đã sẵn sàng thu hoạch. Hiện hàng ngàn trang trại vẫn chìm trong biển nước, vô số gia súc bị chết đuối hoặc có nguy cơ chết đói.

Tổng liên đoàn Nông nghiệp Ý (Confagricontura) ước tính mức thiệt hại kinh tế của mỗi ha đất là 6.000 euro (6.500 USD) với các loại cây trồng như lúa mì, lúa mạch, ngô, đậu tương, hoa hướng dương, cỏ linh lăng và các loại cây lấy hạt khác. Thiệt hại của các vườn cây ăn trái, vườn nho và vườn ô liu cao gấp 5 lần, ở mức 32.000 euro (35.000 USD)/ha.

(Theo TTO)

Các tin khác
Thủ tướng Kishida Fumio họp báo công bố kết quả của hội nghị.

14h chiều 21/5 (giờ Nhật Bản) Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, Nhật Bản đã bế mạc sau phiên thảo luận cuối với chủ đề Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và phồn vinh.

(Từ trái sang) Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima (Nhật Bản) ngày 21/5/2023.

Lời mời được Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra tại cuộc gặp ngắn với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ở Hiroshima.

Biểu tình phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ tại Tel Aviv, Israel, ngày 15/4/2023.

Ngoài việc phản đối kế hoạch cải cách tư pháp vốn đang tạm hoãn từ cuối tháng 3, người biểu tình cũng phản đối kế hoạch phân bổ 3,83 tỷ USD cho các đảng cực hữu trong chính phủ liên minh.

Thành phố New York là nơi sinh sống của 8 triệu người.

Trọng lượng của những tòa nhà chọc trời tại New York, Mỹ đang khiến thành phố được mệnh danh là "Big Apple" này chìm dần xuống biển, các nhà nghiên cứu Mỹ công bố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục