Hawaii (Mỹ) trải qua trận cháy rừng tồi tệ, 67 người thiệt mạng
Theo hãng tin Reuters, tính đến sáng 12/8 (theo giờ Việt Nam), số người thiệt mạng trong thảm họa cháy rừng tại đảo Maui (bang Hawaii của Mỹ) đã tăng lên 67. Con số này khả năng cao vẫn chưa dừng lại khi đám cháy chỉ mới được kiểm soát 80%.
Thống đốc bang Hawaii Josh Green cho biết hỏa hoạn đã biến phần lớn thị trấn Lahaina, trung tâm du lịch và kinh tế phía Tây đảo Maui, thành đống đổ nát và trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử bang. Các ngọn lửa lớn đã san bằng 1.000 tòa nhà. Ước tính, việc tái thiết sau thảm họa có thể mất nhiều năm và tốn tới hàng tỉ USD.
Nhiều người dân đã quay trở về ngôi nhà bị đổ nát để đánh giá thiệt hại. Ngoài việc tìm kiếm những người mất tích, chính quyền thị trấn Lahaina đang lên kế hoạch cho những người vô gia cư vào ở trong các khách sạn và nhà cho thuê dành cho khách du lịch. Hòn đảo hiện có 4 nơi trú ẩn đang hoạt động cho những người đi sơ tán.
Hàng nghìn khách du lịch và người dân địa phương đã được sơ tán khỏi khu vực phía Tây quận Maui, nơi có dân số quanh năm khoảng 166.000 người, một số trú ẩn trên đảo và số khác sơ tán sang đảo Oahu lân cận. Khách du lịch cắm trại ở sân bay Kahului, chờ chuyến bay trở về nhà.
Hawaii sau trận cháy rừng tồi tệ.
Giới chức địa phương cũng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề về cung cấp điện và nước trên diện rộng trong cộng đồng. Hiện hàng chục nghìn ngôi nhà và doanh nghiệp vẫn bị mất điện.
Ngày 10/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố tình trạng thảm họa ở Hawaii. Trong thông cáo báo chí, Nhà Trắng cho biết ông Biden chỉ thị chính quyền liên bang hỗ trợ bổ sung cho công tác phục hồi của bang và địa phương tại những khu vực bị ảnh hưởng.
Slovenia trải qua thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất từ năm 1991
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Savinjska, Slovenia, ngày 8/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Mưa lớn gây lũ quét và sạt lở đất ở nhiều khu vực tại Slovenia đã khiến giao thông bị ách tắc, nhiều tòa nhà bị ngập lụt và buộc người dân nước này phải di tản trong ngày 4/8.
Cơ quan môi trường của Slovenia (ARSO) đã nâng cảnh báo thời tiết lên mức cao nhất sau khi lượng mưa tương đương với một tháng trút xuống trong vòng 24 giờ ở các khu vực phía Bắc, Tây Bắc và trung tâm của nước này.
Các binh sĩ quân đội đã được triển khai để hỗ trợ các nhân viên cứu hộ đối phó với tình trạng khẩn cấp. Bộ trưởng Quốc phòng Marjan Sarec đã kêu gọi tất cả những ai không có việc gì khẩn cấp hãy ở nhà và không lái xe ra đường. Hình ảnh trên các phương tiện truyền thông địa phương cho thấy nhiều ô tô chìm trong nước, đường sá bị đứt gãy và các ngôi làng ngập lụt.
Hãng thông tấn STA của Slovenia đã phát đi thông báo về yêu cầu sơ tán ở một số vùng của đất nước, bao gồm cả các địa điểm cắm trại. Hiện có khoảng 16.000 hộ gia đình rơi vào cảnh mất điện. Cục Bảo vệ Dân sự và Cứu trợ Thiên tai đã ghi nhận hơn 1.000 sự cố liên quan đến thời tiết trong vòng 12 giờ trên cả nước. Thời tiết xấu cũng làm gián đoạn các dịch vụ đường sắt và hoạt động của ngân hàng lớn nhất nước này NLB.
Theo STA, lở đất đã xảy ra ở vùng Gorenjska, nằm phía Tây Bắc của Slovenia. Hơn 100 tòa nhà bao gồm một nhà thi đấu thể thao đã bị ngập lụt ở thị trấn Skofja Loka, nơi các con đường bị phong tỏa và lở đất có nguy cơ gây thêm thiệt hại. Nhà chức trách cũng kêu gọi người dân ở thị trấn Idrija ở phía Tây Slovenia không rời khỏi nhà trừ khi thực sự cần thiết.
Quốc gia nằm trên dãy Alps này đã hứng chịu một số cơn bão cường độ mạnh hồi đầu mùa Hè làm tốc mái nhà, quật ngã hàng nghìn cây cối và làm một người ở Slovenia và 4 người ở các nước láng giềng thiệt mạng.
Đây là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất mà Slovenia từng trải qua kể từ khi độc lập năm 1991. Thủ tướng Robert Golob ước tính thiệt hại khoảng 550 triệu USD.
Bão Khanun hoành hành Hàn Quốc
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau bão Khanun tại Daegu, Hàn Quốc, ngày 10/8/2023. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Hàn Quốc đã ghi nhận 11.361 trường hợp thiệt hại về cơ sở vật chất trên toàn quốc do cơn bão Khanun tính đến 6h sáng 11/8 (giờ địa phương), khi cơn bão này đã tan tại khu vực gần thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên.
Ủy ban Ứng phó thiên tai và an toàn trung ương Hàn Quốc cho biết tính trên toàn quốc, số người phải tạm sơ tán do bão là 15.862 người thuộc 17 tỉnh, 125 thành phố, quận, huyện.
Hiện vẫn còn 676 tuyến đường bộ trên toàn đất nước Hàn Quốc bị phong tỏa do lũ lụt hoặc sạt lở đất. Ngoài ra, chính quyền các tỉnh cũng tạm dừng hoạt động 28 tàu hỏa trên 24 tuyến đường sắt.
Bão Khanun đã gây ra mưa lớn trên toàn quốc. Tỉnh Bắc Gyeongsang ghi nhận lượng mưa lớn nhất lên tới 147 mm.
Mưa lớn đã gây thiệt hại về nhà cửa và các công trình xây dựng. Trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc đã ghi nhận 184 trường hợp thiệt hại đối với các cơ sở công cộng và 177 trường hợp đối với các cơ sở tư nhân. Có 64 khu vực báo cáo ngập lụt, 6 trường hợp bị sạt lở đất, 10 khu vực sạt lở đường dốc, sụt lún kè đường…
Tại các thành phố Busan, Ulsan, Daegu và Gyeongnam, 40.358 hộ gia đình bị mất điện và 94,2% trong số đó đã được khôi phục. Thiệt hại do ngập úng hoa màu, cây ăn trái được ghi nhận phần lớn ở tỉnh Nam Gyeongsang và Nam Jeonlla với khoảng 1.019 ha.
Bão Khanun là cơn bão di chuyển chậm, nhưng có hành trình đặc biệt quét dọc theo Bán đảo Triều Tiên từ phía Nam lên phía Bắc, nên gây thiệt hại lớn. Các thống kê về thiệt hại do cơn bão này gây ra đang tiếp tục được cập nhật. Theo KMA, đây là cơn bão đầu tiên đi xuyên qua bán đảo Triều Tiên theo trục dọc kể từ khi cơ quan này lưu giữ thông tin về bão hồi năm 1951.
Lở đất tại Trung Quốc khiến hàng chục người mất tích
Nhân viên vệ sinh dọn dẹp sau những trận mưa lũ trên một tuyến đường ở tỉnh Hắc Long Giang, ngày 11/8/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Sau khi trải qua trận mưa lũ lớn nhất 140 năm, Trung Quốc lại xảy ra lở đất ở Thiểm Tây. Cụ thể, do ảnh hưởng của mưa lớn, chiều tối 11/8, một vụ lở đất đã xảy ra tại khu vực ngoại ô của Tây An - thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Bắc Trung Quốc, khiến 2 người thiệt mạng và 16 người mất tích.
Theo giới chức địa phương, vụ sát lở đất xảy ra vào lúc 18h ngày 11/8 (giờ địa phương) tại thị trấn Luanzhen. Đá và bùn đất lở đã làm hư hại 2 nhà dân cùng nhiều cơ sở hạ tầng cầu đường và trạm phát điện.
Cuối tháng 7 và đầu tháng 8, Trung Quốc liên tục hứng chịu mưa lũ do ảnh hưởng của bão. Mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng xảy ra tại thủ đô Bắc Kinh cuối tháng 7 vừa qua cũng đã khiến ít nhất 33 người thiệt mạng, trong đó có 2 nhân viên cứu hộ. Tuần trước, mưa lớn kéo dài gây ra những thảm họa khiến hơn 10 người thiệt mạng tại tỉnh Cát Linh, ở miền Đông Bắc Trung Quốc.
Các hình thái thời tiết cực đoan và các đợt sóng nhiệt kéo dài trên toàn cầu trong những tuần gần đây đã ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Giới khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là yếu tố làm trầm trọng thêm những hình thái thời tiết cực đoan này.
(Theo Tin Tức)