Theo trang web europa.eu, ngày 21-9, tại buổi khởi động đợt mua chung khí đốt lần thứ ba, Phó chủ tịch EC Maros Sefcovic cho biết, năm nay, các nước thành viên EU đang bước vào mùa đông với triển vọng tốt hơn nhiều về an ninh năng lượng khi kho khí đốt gần đầy, nguồn cung đa dạng hơn và năng lượng tái tạo đang đóng một vai trò nổi bật hơn trong cơ cấu năng lượng của khu vực.
ÚiTuy nhiên, ông Sefcovic cho rằng tình hình thị trường khí đốt vẫn diễn biến căng thẳng. Trong bối cảnh này, ông Sefcovic kêu gọi các nước thành viên EU cần thận trọng và tiếp tục triển khai việc mua chung khí đốt nhằm bảo đảm nguồn cung ổn định, giá cả phải chăng. "Tôi mời các công ty châu Âu một lần nữa hợp lực và làm việc cùng nhau để bảo đảm chúng ta sẽ vượt qua mùa đông này một cách an toàn và bắt đầu chuẩn bị cho mùa đông tiếp theo”, Phó chủ tịch EC Sefcovic nhấn mạnh.
EC hiện đang kêu gọi các công ty châu Âu đến ngày 27-9 cần gửi yêu cầu về tổng lượng khí đốt. Sau đó, cơ quan này sẽ tìm kiếm các công ty chào hàng trên thị trường quốc tế từ ngày 3 đến 4-10. Nếu giao dịch được ký kết thì các đợt giao hàng dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 12-2023 đến tháng 3-2025.
Trước đó, EU đã lần lượt tiến hành hai lần đấu thầu quốc tế để mua chung khí đốt vào tháng 5 và tháng 7 năm nay. Trong hai lần này, các công ty châu Âu tham gia kế hoạch mua chung đã gửi yêu cầu về tổng lượng khí đốt khoảng 27,5 tỷ mét khối. Tuy nhiên, các hồ sơ dự thầu quốc tế đáp ứng được những yêu cầu gọi thầu của EU mới đáp ứng được 22,9 tỷ mét khối khí đốt. Con số này chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng nhu cầu khí đốt khoảng 360 tỷ mét khối của EU.
Tổng hợp nhu cầu và mua chung khí đốt là một sáng kiến hàng đầu trong nền tảng năng lượng EU. Đây là cơ chế thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt của khối sau khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra và EU quyết định giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga. Việc mua chung khí đốt giúp các nước thành viên EU có đủ lượng khí đốt dự trữ để chuẩn bị cho mùa đông khi nhu cầu của châu Âu về khí đốt sưởi ấm lên đến đỉnh điểm.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết, việc mua chung khí đốt đang tiến triển tốt và ngày càng có nhiều công ty tham gia. Theo Reuters, các công ty châu Âu tham gia mua chung khí đốt trên tinh thần tự nguyện. Chính sách mua chung khí đốt dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 12 tới. Vì vậy, EC đã đề xuất đưa chính sách này thành một kế hoạch lâu dài như một phần của nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cải tổ các quy tắc thị trường khí đốt của EU.
Hãng tin CNN nhận định, EU đã nỗ lực rất nhiều để giải quyết vấn đề phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Dù vậy, dân số đông và ngày càng già của châu Âu kết hợp với nền kinh tế trì trệ vẫn đòi hỏi một lượng năng lượng khổng lồ nếu họ muốn duy trì mức sống hiện tại.
Theo số liệu của EC, trong năm 2022, EU đã giảm nhập khẩu khí đốt của Nga từ 150 tỷ mét khối xuống dưới 80 tỷ mét khối. Trong năm nay, con số này dự kiến là 40 tỷ mét khối. Các quan chức châu Âu cho rằng từ bỏ hoàn toàn khí đốt của Nga là nhiệm vụ khó khăn.
(Theo QĐND)