Mỹ và Anh đã thực hiện hàng chục cuộc không kích vào các mục tiêu quân sự của Houthi tại Yemen trong đêm 12-1, mở rộng làn sóng xung đột khu vực do cuộc chiến của Israel ở Gaza gây ra.
Abdel Azim Ali, một trong những người biểu tình, nói với AFP: "Nếu Mỹ và các đồng minh quyết định tuyên chiến mở rộng với chúng tôi, chúng tôi đã sẵn sàng cho điều đó và không có lựa chọn nào khác ngoài việc mang lại chiến thắng hoặc gục ngã như những kẻ tử vì đạo”.
Hội đồng Chính trị Tối cao của lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn đe dọa trả đũa sau các cuộc tấn công đêm 12-1 nhằm vào hàng chục mục tiêu quân sự trên lãnh thổ do Houthi nắm giữ.
Trong một tuyên bố trên phương tiện truyền thông chính thức, Hội đồng Chính trị Tối cao của Houthi nêu rõ: "Người Mỹ và người Anh không nên tin rằng họ sẽ thoát khỏi sự trừng phạt của các lực lượng vũ trang Yemen. Tất cả các lợi ích của Mỹ - Anh đã trở thành mục tiêu hợp pháp của lực lượng vũ trang Yemen nhằm đáp trả hành động gây hấn trực tiếp”.
Phiến quân Houthi đã kiểm soát phần lớn Yemen kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra năm 2014 và là một phần của "trục kháng chiến" trong khu vực do Iran hậu thuẫn chống lại Israel và các đồng minh của nước này.
Trong khi đó, Mỹ, Anh và 8 đồng minh khác cho biết cuộc tấn công nhằm mục đích "xuống thang căng thẳng". Nhưng Iran và nhiều quốc gia khác trong khu vực và quốc tế đã lên án hành động của phương Tây hoặc bày tỏ lo ngại rằng tình trạng bất ổn có thể trở nên tồi tệ hơn.
Truyền thông nhà nước Iran ngày 12-1 đưa tin Tehran lên án cuộc tấn công của Mỹ và Anh vào lực lượng Houthi ở Yemen, cảnh báo rằng nó sẽ gây ra sự bất ổn trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết : "Những cuộc tấn công này rõ ràng là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Yemen cũng như vi phạm luật pháp quốc tế”.
Ngày 12-1, phát biểu với các phóng viên trong chuyến đi vận động tranh cử ở bang Pennsylvania, Tổng thống Mỹ J. Biden nói rõ: "Chúng tôi đảm bảo là sẽ đáp trả Houthi nếu họ còn tiếp tục các hành động thái quá”. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói ông không tin các cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào các tay súng Houthi đã gây ra bất kỳ thương vong nào cho dân thường ở Yemen.
Cùng ngày, Ai Cập và Saudi Arabia đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang các hoạt động quân sự ở Biển Đỏ sau các cuộc không kích của Mỹ và Anh nhằm vào các mục tiêu của Houthi.
Tin tức về các cuộc không kích đã đẩy giá dầu tăng 4%. Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa trưởng tại ngân hàng SEB, trích dẫn lo ngại của thị trường rằng "khu vực đang trong trạng thái căng thẳng leo thang khó lường”.
Houthi đã thực hiện ngày càng nhiều cuộc tấn công vào các tàu vận tải mà họ cho là có liên kết với Israel trên tuyến thương mại quốc tế quan trọng ở Biển Đỏ kể từ ngày 7-10, khi cuộc tấn công chưa từng có của Hamas vào Israel gây ra cuộc xung đột ở Dải Gaza.
Theo các chuyên gia hàng hải, khoảng 12% thương mại hàng hải toàn cầu thường đi qua eo biển Bab al-Mandeb, nhưng kể từ giữa tháng 11-2023, lượng container vận chuyển đã giảm 70%.
Các cuộc không kích làm gia tăng lo ngại về xung đột rộng hơn trong khu vực, nơi bạo lực liên quan đến các nhóm liên kết với Tehran ở Yemen cũng như ở Lebanon, Iraq và Syria đã gia tăng kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas bắt đầu vào đầu tháng 10 năm ngoái.
(Theo HNMO)