Tại diễn đàn thường niên này, các nhà lãnh đạo thế giới, các doanh nhân, chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu… hàng đầu thế giới sẽ cùng nhau thảo luận về "các nguyên tắc cơ bản của sự tin cậy” - tính minh bạch, mạch lạc và trách nhiệm; chia sẻ ý kiến, trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp phù hợp nhất cho nền kinh tế thế giới vốn đang chịu tác động từ nhiều vấn đề hóc búa của thế giới hiện nay.
Sự bất công ngày càng lớn
Ngay trước ngày khai mạc WEF 2024, liên minh xóa bỏ nạn đói thế giới Oxfam đã tung ra một báo cáo khiến nhiều người quan tâm. Điểm nổi bật nhất của báo cáo là một đúc kết sâu sắc rằng 5 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi tài sản lên 869 tỷ USD kể từ năm 2020, trong khi 60% người nghèo nhất thế giới - gần 5 tỷ người - chịu thiệt thòi, ngày càng nghèo thêm.
Được tổng hợp bằng cách sử dụng dữ liệu từ công ty nghiên cứu Wealth X, báo cáo cho biết tổng tài sản của 5 người giàu nhất thế giới - gồm Elon Musk, Bernard Arnault, Jeff Bezos, Larry Ellison và Mark Zuckerberg - đã tăng 464 tỷ USD, tương đương 114%. Trong cùng thời gian đó, tổng tài sản của 4,77 tỷ người nghèo nhất - chiếm 60% dân số thế giới - đã giảm 0,2% theo giá trị thực.
Báo cáo mang tên Inequality Inc. cho biết khoảng cách ngày càng lớn giữa giàu và nghèo có khả năng gia tăng và sẽ dẫn đến việc thế giới có được tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trong vòng một thập kỷ. Đồng thời, báo cáo cũng cảnh báo nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, tình trạng nghèo đói trên thế giới sẽ không được xóa bỏ trong 229 năm nữa.
Nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể về tình trạng bất bình đẳng kể từ đại dịch COVID, Oxfam cho biết các tỷ phú trên thế giới giàu hơn 3,3 nghìn tỷ USD so với năm 2020 và tài sản của họ đã tăng nhanh gấp ba lần so với tỷ lệ lạm phát. 7 trong số 10 tập đoàn lớn nhất thế giới có tỷ phú làm giám đốc điều hành hoặc cổ đông chính, bất chấp mức sống trì trệ của hàng triệu công nhân trên toàn thế giới.
Báo cáo cho biết: "Mọi người trên toàn thế giới đang làm việc chăm chỉ hơn và nhiều giờ hơn, thường với mức lương thấp trong những công việc bấp bênh và không an toàn. Tại 52 quốc gia, mức lương thực tế trung bình của gần 800 triệu công nhân đã giảm. Những công nhân này đã mất tổng cộng 1,5 nghìn tỷ USD trong hai năm qua, tương đương với 25 ngày lương bị mất đối với mỗi công nhân”.
Phản ánh sự giàu có của những người siêu giàu, báo cáo cũng cho biết lợi nhuận kinh doanh đã tăng mạnh bất chấp áp lực lên các hộ gia đình trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt. 148 tập đoàn lớn nhất thế giới đã cùng nhau thu về tổng lợi nhuận ròng 1,8 nghìn tỷ USD trong năm tính đến tháng 6/2023, tăng 52% so với lợi nhuận ròng trung bình trong năm 2018-2021.
Kêu gọi đánh thuế tài sản để khắc phục sự cân bằng giữa người lao động với ông chủ và chủ sở hữu công ty siêu giàu, báo cáo cho biết mức thuế như vậy đối với các triệu phú và tỷ phú người Anh có thể mang lại 22 tỷ bảng Anh cho ngân khố mỗi năm, nếu được áp dụng ở mức từ 1 % đến 2% đối với tài sản ròng trên 10 triệu bảng. Julia Davies, nhà đầu tư và thành viên sáng lập của Patriotic Millionaires UK, một tổ chức phi đảng phái gồm các triệu phú người Anh vận động đánh thuế tài sản nhà giàu, cho biết thuế đánh vào tài sản nhà giàu là "rất nhỏ” so với thuế đánh vào thu nhập từ công việc.
Oxfam cho biết chỉ số đo lường sự bất bình đẳng (Gini) gần đây nhất cho thấy bất bình đẳng thu nhập toàn cầu hiện đang rất cao. 1% người giàu nhất thế giới sở hữu 59% tổng tài sản tài chính toàn cầu - bao gồm cổ phiếu và trái phiếu, cộng với cổ phần trong doanh nghiệp tư nhân. Ở Anh, 1% người giàu nhất sở hữu 36,5% tổng tài sản tài chính, với giá trị 1,8 nghìn tỷ bảng Anh.
Aleema Shivji, giám đốc điều hành lâm thời của Oxfam, cho biết: "Những thái cực này không thể được chấp nhận như một chuẩn mực mới. Thế giới không thể chấp nhận thêm một thập kỷ chia rẽ nữa. Tỷ lệ nghèo cùng cực ở các quốc gia nghèo nhất vẫn cao hơn so với trước đại dịch. Thế nhưng, một số ít người siêu giàu lại đang chạy đua để trở thành tỷ phú nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới trong vòng 10 năm tới.
"Khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và phần còn lại không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải là điều không thể tránh khỏi. Các chính phủ trên toàn thế giới đang đưa ra những lựa chọn chính trị có chủ ý nhằm tạo điều kiện và khuyến khích sự tập trung tài sản một cách méo mó này, trong khi hàng trăm triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói. Một nền kinh tế công bằng hơn, một nền kinh tế phù hợp với tất cả chúng ta là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Điều cần thiết là các chính sách phối hợp nhằm mang lại mức thuế công bằng hơn và hỗ trợ cho tất cả mọi người, không chỉ những người có đặc quyền”.
Xây dựng lại niềm tin bằng cách nào?
Diễn đàn WEF 2024 diễn ra tại thị trấn Davos thuộc quận Prttigau/Davos, bang Graubnden, Thụy Sĩ. Diễn đàn quy tụ hơn 2.800 đại biểu, trong đó có 60 người đứng đầu nhà nước và chính phủ các quốc gia trên thế giới, cùng hàng ngàn chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế, doanh nhân, chính trị gia. Nhiều người đến diễn đàn với tâm trạng hăm hở đi tìm cơ hội cho tương lai chính mình. Nhưng cũng không ít người mang theo tâm trạng của "người trong cuộc” từ những cuộc xung đột, chiến tranh, nghèo đói, bất công.
Diễn đàn WEF được coi là cơ hội để giảm thiểu các yếu tố dẫn đến xung đột toàn cầu.
Klaus Schwab đã được gọi là "Ông Davos” kể từ khi ông thành lập WEF vào đầu những năm 1970 và hiện vẫn là Chủ tịch điều hành của tổ chức này. Ông phát biểu trước ngày khai mạc WEF: "Chúng ta phải đối mặt với một thế giới rạn nứt và sự chia rẽ xã hội ngày càng gia tăng, dẫn đến sự bất ổn và bi quan lan rộng. Chúng ta phải xây dựng lại niềm tin vào tương lai bằng cách vượt ra ngoài việc quản lý khủng hoảng, xem xét nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề hiện tại và cùng nhau xây dựng một tương lai hứa hẹn hơn”. Nhưng, xây dựng lại niềm tin bằng cách nào?
Giới bình luận cho rằng thống trị diễn đàn năm nay là bốn chữ "C”: xung đột (conflict); chiến tranh lạnh mới (new cold war); khí hậu (climate); và hỗn loạn (chaos) - hoặc khả năng xảy ra hỗn loạn, phát sinh do việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo của các quốc gia thù địch và tội phạm. Khoảng 200 cuộc hội nghị, hội thảo, cuộc họp sẽ được tổ chức trong 5 ngày diễn ra diễn đàn, mỗi cuộc hội nghị, tùy theo quy mô và tính chất, sẽ do một hoặc vài quốc gia đồng chủ trì. Ngoài ra, như thường lệ, sẽ có rất nhiều tiệc tùng và thỏa thuận kinh doanh diễn ra sau cánh cửa đóng kín, nhưng giấc mơ của WEF về một thế giới hòa bình, thịnh vượng và toàn cầu hóa đã tan vỡ bởi những diễn biến gần đây.
Hẳn ai cũng biết, những diễn biến căng thẳng từ cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài gần 2 năm cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, đánh dấu một trạng thái chiến tranh lạnh mới giữa Nga và phương Tây trong cuộc xung đột địa chính trị dai dẳng. Trong khi đó, cuộc chiến mới giữa Israel và Hamas-Palestine đã qua 100 ngày vẫn còn tiếp diễn, thậm chí còn có nguy cơ biến thành cuộc xung đột lan rộng toàn khu vực Trung Đông.
Hành động tàn sát hàng chục ngàn dân thường ở Gaza cũng như hành động ám sát các thủ lĩnh Hamas, Hezbollah và ném bom Syria, Liban của Israel đã khiến cho cuộc chiến có nguy cơ bùng nổ lan rộng. Sự tham gia ngày càng sâu của lực lượng Houthi ở Yemen với các cuộc tấn công tàu chở hàng đi qua biển Đỏ đã khiến Anh, Mỹ và một số đồng minh trong khu vực Trung Đông và phương Tây tham gia trong một liên minh 10 nước chống Houthi.
Căng thẳng trên biển Đỏ chính là tâm điểm gây lo lắng nhiều nhất cho các chuyên gia kinh tế, giới doanh nghiệp hàng đầu thế giới bởi nó đe dọa làm gián đoạn tuyến vận chuyển hàng hóa từ Đông sang Tây; để bảo đảm an toàn, các hãng tàu buộc phải chuyển hướng vận chuyển đi qua mũi Hảo Vọng ở cực Nam châu Phi, do đó làm gia tăng chi phí và đẩy giá hàng hóa tiêu dùng lên cao, tác động tiêu cực lên nền kinh tế các nước và kinh tế thế giới nói chung.
Những vấn đề về khí hậu khắc nghiệt, cực đoan, với những làn sóng nhiệt, nắng nóng bất thường quét qua các châu lục trong mùa hè vừa qua; những trận cháy rừng ở Hawaii, Bắc Mỹ; lũ lụt ở Trung Quốc, châu Âu; bão tuyết ở Mỹ,… vẫn chưa đủ cảnh tỉnh đối với những quốc gia, ngành công nghiệp phát thải khí nhà kính, làm Trái đất nóng lên. Hội nghị khí hậu COP28 vừa qua là sơ hội rõ nhất để đưa ra giải pháp kiềm chế đà tăng nhiệt độ toàn cầu, nhưng ít ra cũng đã đề cập lộ trình giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch…
Với phương châm "Xây dựng lại niềm tin”, diễn đàn thường niên lần thứ 54 của WEF sẽ thảo luận về "các nguyên tắc cơ bản của lòng tin” - tính minh bạch, mạch lạc và trách nhiệm. Nhưng hậu quả kéo dài từ đại dịch COVID-19 cũng như từ các cuộc xung đột mới trên toàn cầu có thể gây khó khăn cho việc xây dựng lại niềm tin vào các thể chế.
Và ngày nay, người ta thường tranh luận về sự liên quan của chính WEF. Những người tham dự cấp cao tại sự kiện thường niên này đã thưa dần trong những năm gần đây với những cái tên chủ chốt như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không còn thấy xuất hiện nữa. Năm 2023, Thủ tướng Đức Olaf Scholz là lãnh đạo duy nhất của một nước G7 tham dự. Còn năm nay, không có ai. Trung Quốc thì cử một phái đoàn do Thủ tướng Lý Cường dẫn đầu. Peter Willetts, giáo sư danh dự về chính trị toàn cầu tại Đại học London, cho biết: "Các nhà lãnh đạo không mất hứng thú với các diễn đàn như WEF, nhưng họ đưa ra những quyết định chiến lược về việc liệu việc tham dự cuộc họp hàng năm có mang lại lợi ích hay không”.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù không đưa ra giải pháp chắc chắn cho các vấn đề, Davos vẫn có thể được coi là cơ hội để giảm thiểu các yếu tố dẫn đến xung đột toàn cầu. Jack Copley, trợ lý giáo sư về kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Durham, cho biết: "Cách tiếp cận giải quyết các vấn đề của WEF được hướng dẫn bởi mô hình "quản trị có nhiều bên liên quan”, có nghĩa là các vấn đề của thế giới được giải quyết tốt nhất bởi các bên liên quan đa dạng bị ảnh hưởng bởi chúng”.
Do đó, cơ sở hoạt động của WEF là cung cấp một diễn đàn để liên lạc và thảo luận giữa một số nhà hoạch định chính sách quan trọng nhất trên thế giới. Jan Aart Scholte, giáo sư về chuyển đổi toàn cầu và thách thức quản trị tại Đại học Leiden, phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera: "WEF chắc chắn là một lực lượng chính thúc đẩy các ý tưởng về quan hệ đối tác công tư và hợp tác nhiều bên liên quan nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”.
Giá trị thực sự của sự kiện nằm ở sự tập trung vào mạng lưới và tích lũy kiến thức, điều này đã giúp tạo điều kiện thuận lợi, mặc dù có lẽ không đạt được các tiêu chuẩn mà nó thường tuyên bố. Willetts lưu ý: "Giống như tất cả các diễn đàn chính trị, Diễn đàn Kinh tế thế giới nêu mục tiêu của mình bằng những thuật ngữ chung chung, quá lạc quan”. Điều đó nói lên rằng, đây là một diễn đàn hữu ích để một số nhà lãnh đạo toàn cầu có những cuộc thảo luận trực tiếp, không chính thức bên ngoài các cuộc họp”.
"Điều hữu ích nhất là sự đa dạng của những người tham dự - từ các chính trị gia hàng đầu quốc gia và các quan chức Liên hợp quốc đến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên của các tổ chức phi chính phủ lớn”.
(Theo CAND)