Thủ tướng Haiti từ chức trước áp lực băng đảng

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/3/2024 | 2:21:13 PM

Thủ tướng Haiti Ariel Henry chấp nhận từ chức sau nhiều tuần các băng đảng trên quốc đảo phát động chiến dịch bạo lực để tìm cách hạ bệ ông.

Thủ tướng Haiti Ariel Henry phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Port-au-Prince tháng 10/2023.
Thủ tướng Haiti Ariel Henry phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Port-au-Prince tháng 10/2023.

"Chúng tôi xác nhận Thủ tướng Henry từ chức vào thời điểm thành lập hội đồng tổng thống chuyển tiếp và bổ nhiệm thủ tướng lâm thời", Irfaan Ali, Tổng thống Guyana, nước đang giữ chức Chủ tịch Cộng đồng Caribe, ngày 11/3 cho biết.

Ông Henry, 74 tuổi, nắm giữ vai trò thủ tướng và quyền tổng thống Haiti sau khi tổng thống Jovenel Moise bị ám sát năm 2021.

Thông báo về việc ông Henry từ chức được đưa ra sau khi các lãnh đạo khu vực Caribe họp bàn cùng thành viên các đảng phái chính trị, đại diện lĩnh vực tư nhân, xã hội dân sự và các nhóm tôn giáo Haiti ở Jamaica hôm 11/3 để thảo luận việc thành lập hội đồng chuyển tiếp nhằm mở đường cho cuộc bầu cử đầu tiên kể từ năm 2016.

Mỹ tuần trước cũng kêu gọi "đẩy nhanh" việc thành lập hội đồng tổng thống ở Haiti.

Haiti gặp khủng hoảng nhiều năm qua và vụ ám sát tổng thống Moise càng khiến đất nước thêm hỗn loạn. Theo thỏa thuận chính trị được ký kết sau vụ ám sát ông Moise, Haiti sẽ tổ chức bầu cử và Thủ tướng Henry chuyển giao quyền lực cho người được bầu trước ngày 7/2/2024.

Tuy nhiên, ông Henry đã trì hoãn vô thời hạn cuộc bầu cử với lý do cần thiết lập lại an ninh để đảm bảo cử tri được đi bỏ phiếu tự do và công bằng.

Bạo lực leo thang ở thủ đô Port-au-Prince từ ngày 29/2, sau khi Jimmy Cherizier, cựu cảnh sát và hiện là thủ lĩnh băng đảng khét tiếng ở Haiti, kêu gọi các nhóm vũ trang mở chiến dịch phối hợp tấn công lật đổ Thủ tướng Henry.

Lợi dụng thời điểm ông Henry công du tới Kenya, các băng đảng phát động tấn công khắp thủ đô Port-au-Prince. Sau khi rời Kenya, ông Henry gặp khó khăn trong việc về nước và mắc kẹt ở vùng lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ từ hôm 5/3.

Sau thông báo từ chức của ông Henry, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết ông được tự do ở lại Puerto Rico hoặc có thể đến nơi khác. Theo quan chức này, ông Henry bày tỏ mong muốn về nước khi tình hình an ninh ở Haiti được cải thiện.

Cũng theo quan chức Mỹ, quyết định từ chức của ông Henry được đưa ra lần đầu hôm 8/3.

* Các nước Caribe họp khẩn về tình hình Haiti

Ngày 12-3, theo AP, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố bổ sung 100 triệu USD để tài trợ cho việc triển khai lực lượng đa quốc gia tới Haiti sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Caribe ở Jamaica nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng bạo lực ở nước này.

Ngoại trưởng Antony Blinken cũng công bố thêm 33 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Haiti, đồng thời đưa ra một đề xuất chung được các nhà lãnh đạo Caribe và tất cả các bên liên quan của Haiti nhất trí nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi chính trị cũng như thành lập "trường đại học tổng thống”. Ông cho biết, trường đại học sẽ thực hiện "các bước cụ thể” để đáp ứng nhu cầu của người dân Haiti.

Đề xuất chung nhận được sự ủng hộ của Khối cộng đồng và thị trường chung Caribe (Caricom) trong cuộc họp khẩn cấp được tổ chức ngày 11-3.

Tổng thống Guyana Irfaan Ali nhấn mạnh: "Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng: Haiti đang trên bờ vực thảm họa. Chúng ta phải hành động nhanh chóng và quyết đoán”. Ông tin rằng, các quốc gia Caribe đã tìm thấy điểm chung để hỗ trợ cho Haiti.

Thủ tướng Haiti Ariel Henry, người phải đối mặt với áp lực từ chức hoặc đồng ý với một hội đồng chuyển tiếp, đã không tham dự cuộc họp. Hiện ông vẫn ở Puerto Rico và chưa thể về nước do tình trạng bất ổn, bạo lực gia tăng. Các băng nhóm tội phạm đã kiểm soát phần lớn thủ đô Port-au-Prince và đóng cửa các sân bay quốc tế chính của nước này.

Hàng chục người đã thiệt mạng và hơn 15.000 người mất nhà cửa sau khi chạy trốn khỏi các khu dân cư bị các băng nhóm đột kích. Thực phẩm và nước uống đang cạn kiệt khi các cửa hàng bán đồ cho người dân Haiti nghèo khổ không còn gì. Cảng chính ở Port-au-Prince vẫn đóng cửa, khiến hàng chục container chở hàng hóa quan trọng bị mắc kẹt.

Trong khi đó, Jimmy Chérizier, thủ lĩnh G9 Family and Allies - băng đảng quyền lực nhất Haiti - đã tuyên bố với các phóng viên rằng, nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục đi theo con đường hiện tại, điều đó sẽ khiến Haiti rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa.

"Người Haiti chúng tôi phải quyết định xem ai sẽ là người đứng đầu đất nước và mô hình chính phủ nào mà chúng tôi muốn”, Jimmy Chérizier khẳng định. 

(Theo VnExpress - HNMO)

Các tin khác
Giáo hoàng Francis.

Ukraine, Nga và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều đã lên tiếng về lời kêu gọi Kiev “dũng cảm giương cờ trắng và đàm phán” của Giáo hoàng Francis.

Một tàu container chuẩn bị đi qua kênh đào Suez.

Theo hãng nghiên cứu EIU, căng thẳng tại Biển Đỏ có thể làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế của châu Á, đồng thời thổi bùng lạm phát tại đây.

Hàng viện trợ nhân đạo được thả từ máy bay xuống Dải Gaza, ngày 5/3/2024.

Ngày 11/3 - ngày đầu tiên của tháng lễ Ramadan linh thiêng của các tín đồ Hồi giáo, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tiến hành đợt thả hàng viện trợ nhân đạo mới xuống khu vực phía Bắc Gaza.

Lực lượng cứu hộ tại một tòa nhà bị phá hủy do cuộc tập kích của Nga ở Kharkov ngày 23/1.

Moscow cho rằng, lời kêu gọi của Giáo hoàng Francis về việc đàm phán với Nga nhằm chấm dứt xung đột là thông điệp gửi đến các đồng minh của Ukraine ở phương Tây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục