Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sky News (Anh) hôm 2/7, khi được hỏi liệu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đàm phán giải quyết xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ hay không, Đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin nói rằng: "Khó lắm".
"Trước hết, ông ấy cần trở thành tổng thống. Thứ hai, cần phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện điều này và điều đó phụ thuộc vào loại điều khoản nào sẽ được thực hiện", ông Kelin nói thêm.
"Các bạn biết rằng hiện nay rất nhiều sự chú ý đang đổ dồn vào dự thảo thỏa thuận gần như đã được ký kết giữa Nga và Ukraine vào đầu năm 2022 tại Istanbul và đó có lẽ là một nền tảng tốt. Tuy nhiên, tất cả mọi người, kể cả Donald Trump, nên suy nghĩ thực tế về tình hình thực địa", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Ông Kelin lưu ý rằng Nga "sẽ không ngừng các hành động tấn công" ngay cả khi các cuộc đàm phán về việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine được tiến hành.
"Chúng tôi đang tiến công… Thật sai lầm khi nghĩ rằng có sự bế tắc trong khu vực (chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine). Không có sự đóng băng (xung đột). Bây giờ chúng tôi đang tiến công và chúng tôi đang giành được địa thế", ông Kelin nhấn mạnh.
"Bây giờ (chiến dịch quân sự đặc biệt) đang diễn ra, tôi có thể nói là mang tính chiến thuật và tác chiến, nhưng sẽ sớm tiến triển thành những hành động nghiêm trọng hơn", đại sứ Nga cho biết thêm.
Ông Trump nhiều lần khẳng định có thể chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay. Ông cho biết, ông sẽ buộc lãnh đạo Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với những nhượng bộ nhất định.
Cụ thể, Washington sẽ cắt viện trợ cho Ukraine nếu nước này từ chối đàm phán. Ngược lại, nếu Nga từ chối đàm phán, Washington sẽ cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Ukraine.
Một số nguồn tin cho hay, ông Trump dường như sẽ buộc Kiev phải nhượng bộ về lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.
Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump, Steven Cheung, cũng nói với Reuters rằng: "Cựu Tổng thống Trump là chính khách và nhà đàm phán hiệu quả nhất trong lịch sử, ông ấy sẽ giải quyết xung đột này khi đắc cử".
Tuy nhiên, giới chức Ukraine tuyên bố sẽ không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình. Do vậy, Kiev bác bỏ đề xuất hòa bình mới đây do Tổng thống Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước đưa ra đề xuất hòa bình, trong đó đề nghị Ukraine công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, Lugansk, vùng Kherson và Zaporizhia thuộc Nga. Chủ nhân Điện Kremlin cũng đề nghị Ukraine thiết lập quy chế phi hạt nhân, đồng ý phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, duy trì vị thế trung lập, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.
(Theo NDO)