Quá trình chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn nhất thế giới thường rất căng thẳng đối với các quốc gia đăng cai, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn vào tháng trước khi bất ngờ kêu gọi bầu cử quốc hội sớm.
"Quốc hội treo" và ai sẽ điều hành Olympic?
Vòng bầu cử thứ hai diễn ra vào Chủ Nhật đã dẫn đến tình trạng "quốc hội treo”, khiến việc tổ chức kỳ Olympic sẽ khai mạc vào ngày 26/7 tới trở nên rất khó khăn, do chưa biết ai sẽ giữ các vị trí chủ chốt trong chính phủ.
Kết quả bầu cử đã khiến Quốc hội Pháp bị chia làm 3 nhóm chính, mà trong đó không phe nào chiếm đa số và rất khó có thể hợp tác với nhau để thành lập chính phủ mới.
Cụ thể, liên minh cánh tả giành được 182 ghế, phe trung dung của Tổng thống Macron giành được 168 ghế và 143 ghế cho Đảng Mặt trận Quốc gia (RN) trong tổng số 577 ghế của Quốc hội Pháp.
"Đất nước chúng ta đang phải đối mặt với tình hình chính trị chưa từng có và đang chuẩn bị đón tiếp thế giới trong vài tuần nữa", Thủ tướng 35 tuổi Gabriel Attal nói vào tối Chủ nhật khi ông đệ đơn từ chức, nhưng sau đó đã bị Tổng thống Macron từ chối vì "để đảm bảo sự ổn định của đất nước trong thời điểm hiện tại".
Người ta không rõ liệu người đứng đầu nhà nước có muốn duy trì chính phủ lâm thời cho đến khi Olympic Paris kết thúc vào ngày 11/8 hay không, nhưng liên minh cánh tả dẫn đầu cuộc bầu cử đã thúc đẩy việc chỉ định ứng cử viên thay thế ông Attal.
Tương lai của Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin, người giám sát công tác chuẩn bị an ninh cho Thế vận hội, cũng đang bị đe dọa. Paul Dietschy, giáo sư lịch sử và thể thao tại Đại học Franche-Comte ở Pháp, chia sẻ với AFP: "Những điều mà ban tổ chức lo lắng nhất là tình trạng tội phạm, và tất nhiên là cả khủng bố, cũng như tình trạng giao thông... thì Bộ trưởng Nội vụ là vị trí quan trọng nhất".
Đình công ở sân bay trước thềm Olympic
Ở một diễn biến khác vào thứ Hai, các công đoàn đại diện cho công nhân tại ADP, đơn vị điều hành hai sân bay chính của thủ đô Paris, cho biết họ đã kêu gọi đình công vào tuần tới để yêu cầu tiền thưởng Olympic cho toàn bộ nhân viên.
Các sân bay của Paris sẽ là cửa ngõ chính vào Pháp cho du khách nước ngoài đến tham dự Thế vận hội, với dự kiến có tới 350.000 người quá cảnh tại đây mỗi ngày, cũng như hầu hết các vận động viên và thiết bị của họ.
Cuộc đình công dự kiến vào ngày 17 tháng 7 sẽ diễn ra ngay trước khi các vận động viên chuẩn bị đến cư trú tại Làng Olympic mới xây dựng ở phía bắc Paris.
Cảnh sát, kiểm soát viên không lưu, người thu gom rác, nhân viên nhà nước, tài xế tàu điện ngầm và tàu hỏa cũng như lính cứu hỏa đều đã đưa ra yêu cầu tăng lương trước Thế vận hội, nhằm tận dụng đòn bẩy này.
Trước thềm World Cup 1998 tại Pháp, lần cuối cùng quốc gia này đăng cai một sự kiện thể thao lớn, các phi công của hãng hàng không quốc gia Air France đã đình công vào đêm trước giờ bóng lăn cùng với các tài xế taxi và nhân viên vận tải khác.
Tại Pháp, cuộc bầu cử đã hoàn toàn làm lu mờ sự kiện thể thao danh giá này, khi truyền thông địa phương chú ý nhiều hơn đến các động thái chính trị hơn là các cơ sở thể thao mới sắp hoàn thành xung quanh thủ đô Paris.
"Nếu Macron không giải tán quốc hội, thì sẽ có thêm một chút đam mê cho Thế vận hội", giáo sư Dietschy nói. "Bạn không thực sự cảm thấy sự phấn khích đang tăng lên. Hầu hết người Pháp đã tập trung vào cuộc bầu cử".
(Theo CLO)