Theo phóng viên TTXVN tại Bruseels, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được đồng thuận về việc cần ban hành một luật mới về di cư nhằm đẩy nhanh quá trình trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp.
|
Người di cư chờ tại Canakkale, Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách vượt biển tới Hy Lạp. Ảnh tư liệu
|
Theo kết luận được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh tại Brussels hôm 17/10, Hội đồng châu Âu đã kêu gọi hành động quyết liệt ở mọi cấp độ để tạo điều kiện, tăng cường và đẩy nhanh quá trình hồi hương của người nhập cư bất hợp pháp. Cơ quan này đồng thời yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) khẩn trương đưa ra đề xuất pháp lý mới về vấn đề này.
Quyết định này cho thấy sự thống nhất của các nước thành viên EU trong việc giải quyết vấn đề di cư vốn đã gây nhiều tranh cãi trong những năm gần đây. Việc đẩy nhanh quá trình trục xuất được kỳ vọng sẽ giúp các quốc gia thành viên kiểm soát tốt hơn dòng người nhập cư và giảm áp lực lên hệ thống phúc lợi xã hội.
Theo thống kê, hiện chưa đến 20% số người bị yêu cầu rời khỏi EU được trở về quê nhà. Những bất đồng xung quanh vấn đề này đã khiến nỗ lực trước đó nhằm cải tổ các quy tắc hồi hương người di cư của EU thất bại vào năm 2018. Một số quốc gia đã thể hiện sự hoài nghi đối với các ý tưởng mang tính khá cực đoan về vấn đề di cư. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng các kế hoạch như vậy tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết. Ông nhấn mạnh cần thiết lập các tuyến di cư hợp pháp để đối phó với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động và dân số đang già hóa ở châu Âu.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ủng hộ việc sớm triển khai một thỏa thuận di cư quan trọng được ký kết trong năm nay, nhằm siết chặt các thủ tục biên giới và yêu cầu các nước EU tiếp nhận người tị nạn từ các quốc gia "tuyến đầu” hoặc cung cấp tài chính và nguồn lực.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết các ý tưởng khác cũng đã được thảo luận tại hội nghị, trong đó có việc xem xét lại khái niệm "quốc gia thứ ba an toàn”, chỉ các nước mà người xin tị nạn có thể được gửi trở lại một cách hợp pháp, cũng như việc hợp tác với các cơ quan của Liên hợp quốc để giúp đỡ những người di cư "bị mắc kẹt” trở về quê hương.
Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh chính thức, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã chủ trì một cuộc họp về vấn đề di cư với sự tham gia của bà von der Leyen và đại diện 10 quốc gia có cùng quan điểm cứng rắn với vấn đề di cư, bao gồm Đan Mạch, Hà Lan, Hungary và Hy Lạp. Văn bản cuối cùng của cuộc họp không đưa ra bất cứ kế hoạch cụ thể nào do các bên còn tồn tại nhiều chia rẽ.
(Theo Vietnam+)
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã ký một thỏa thuận an ninh song phương tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu tại Brussels.
Theo AFP, hàng chục quốc gia đã cam kết giúp Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá giải quyết số lượng lớn mìn và chất nổ, làm ô nhiễm gần 1/4 lãnh thổ của nước này.
Quân đội Israel (IDF) và Cơ quan An ninh Israel (ISA) ngày 17/10 cùng xác nhận thủ lĩnh của phong trào Hồi giáo Hamas Yahya Sinwar đã bị binh sĩ nước này tiêu diệt ở Dải Gaza một ngày trước đó.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Quốc hội nước này đã sửa đổi Hiến pháp, trong đó xác định Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”.