Khủng hoảng lương thực khiến 33 nước đối mặt nguy cơ bất ổn xã hội
- Cập nhật: Thứ hai, 7/4/2008 | 12:00:00 AM
Sự thay đổi chu kỳ của những đợt gió mùa khiến sản lượng lúa ở Ấn Độ trong vụ tới giảm tới 20% và 1,1 tỷ dân nước này sẽ thiếu khoảng 30 triệu tấn lương thực.
Ấn Độ không phải là khu vực duy nhất đối mặt với nguy hiểm. Bão sẽ tiếp tục tàn phá Philippines, Bangladesh, dịch bệnh ở Việt Nam và lụt lội ở Trung Quốc, Australia...sẽ khiến tình trạng thiếu hụt lương thực ngày càng trầm trọng hơn.
Gạo là loại lương thực chủ yếu của hơn nửa dân số trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đây là năm thứ hai liên tiếp, tốc độ gia tăng sản lượng gạo không theo kịp đà tăng dân số (có thêm 70 triệu người mỗi năm).
Hậu quả rõ ràng nhất của việc thiếu lương thực là sự bất ổn xã hội đang lan rộng khi người dân tại nhiều nước biểu tình phản đối chính quyền để giá cả leo thang khiến cuộc sống của họ bị đe dọa. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), có 33 nước trên toàn thế giới đối mặt với nguy cơ bất ổn xã hội do giá lương thực, năng lượng tăng vọt.
Những ngày cuối tuần qua, tại Haiti có 4 người chết, gần 20 người bị thương trong các buộc biểu tình phản đối Chính phủ khi giá lương thực liên tục lập kỷ lục mới. Vấn đề lương thực và an ninh xã hội đã trở nên nóng bỏng ở Indonesia, Philippines, Bangladesh và nhiều nước ở châu Phi.
Trong những tháng qua, giá gạo, mỳ và ngô đã tăng trên 50%, mức tăng cao nhất trong gần 30 năm qua, khiến các nước xuất khẩu phải giảm hoặc ngừng bán mặt hàng này ra nước ngoài để đối phó với sức ép lạm phát trong nước.
Trong những tháng tới, giá lương thực được dự báo sẽ tăng thêm 40% nữa. Ngày 20/3, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) phải đưa ra yêu cầu khẩn cấp trong việc tăng kinh phí để có thể tiếp tục trợ giúp cho những nước nghèo nhất thế giới.
Nếu không được nhận thêm tiền, WFP sẽ phải cắt viện trợ cho khoảng 73 triệu người nghèo đói, hầu hết ở các nước châu Phi. Tuần trước, Chủ tịch WB, ông Robert Zoellick kêu gọi các nước giàu hành động khẩn cấp, không để có thêm người chết đói trên thế giới.
Tại những nước có thu nhập bình quân đầu người thấp, lương thực thường chiếm phần lớn chi tiêu trong hộ gia đình: Lên tới 80% so với chỉ 15% trong các gia đình ở Mỹ và Tây Âu.
Dựa trên nhu cầu nhập khẩu lương thực, Liên Hợp Quốc vừa đưa ra danh sách những nước bị tổn hại nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng lương thực. Indonesia, Philippines, Bangladesh đứng đầu danh sách; trong khi hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ cũng nằm trong Top 10.
Ông Lester Brown, người sáng lập Viện Nghiên cứu Trái đất tại Washington (Mỹ), cho rằng Pakistan, Afghanistan và Iraq cũng đối mặt với khủng hoảng lương thực. Theo ông Brown, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các nước thuộc Bắc Phi, nơi nhập khẩu hầu hết các loại lương thực thiết yếu.
(Theo TPO)
Các tin khác
Tổ chức này thông báo công ước về người khuyết tật sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 3-5 nhằm đảm bảo quyền bình đẳng hơn nữa cho 650 triệu người khuyết tật trên toàn cầu.
Sáng 4.4, Tổng thống Nga V.Putin đã đến dự và có bài phát biểu với tư cách khách mời danh dự tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest (Romania).
Một chiếc phi cơ ném bom tầm xa B-1 của không quân Mỹ tối qua bốc cháy tại Qatar do gặp sự cố dưới mặt đất, nhưng toàn bộ phi hành đoàn may mắn thoát chết.
Ngày 4-4, Tổng thống Philippines Gloria Arroyo đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp với các quan chức và chuyên gia nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng gạo ở nước này.