Giá dầu lửa, lương thực hâm nóng hội nghị G8
- Cập nhật: Thứ hai, 7/7/2008 | 12:00:00 AM
Lãnh đạo 8 nước giàu nhất thế giới (G8) gặp nhau tại Sapporo (Nhật Bản) trong 3 ngày (7-9/7) nhằm tìm giải pháp cho những vấn đề nóng bỏng của thế giới, đặc biệt là việc giá dầu và lương thực tăng cao đang làm “chệch bánh” nền kinh tế toàn cầu.
Cảnh sát bắt giữ người biểu tình tại hội nghị G8.
|
Cách đây 1 năm, khi hội nghị G8 diễn ra ở Đức, giá dầu chỉ bằng ½ hiện nay và không nhà lãnh đạo nào nghĩ tới cuộc khủng hoảng lương thực đang khiến toàn thế giới lao đao.
Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda cho biết hội nghị năm nay sẽ tập trung thảo luận những hiểm họa của lạm phát do giá dầu, lương thực tăng quá cao và sự biến đổi của khí hậu toàn cầu.
Cam kết hỗ trợ phát triển cho châu Phi, chống khủng bố và mối đe dọa của vũ khí hủy diệt đối với hoà bình thế giới... cũng được đưa lên bàn nghị sự.
Quá nhiều vấn đề được nêu ra, nhưng thế giới không kỳ vọng nhiều vào kết quả đạt được trong cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo đến từ Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Italia và Canada. Như thường lệ, hội nghị năm nay cũng bị phủ bóng đen bởi các cuộc biểu tình phản đối của hàng ngàn người dân và nhà hoạt động từ khắp thế giới.
Với vấn đề dầu lửa, thực tế cho thấy lãnh đạo G8 gần như không thể đạt được một thỏa thuận về việc gây sức ép, mà dường như sẽ chỉ dừng lại ở việc tiếp tục kêu gọi các nước sản xuất dầu lửa gia tăng sản lượng. Giữa các nước G8 vẫn có cách nhìn nhận khác nhau về nguyên nhân tăng giá xăng dầu nên khó có thể đạt được sự đồng thuận về giải pháp.
Về cuộc khủng hoảng lương thực, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cho biết lãnh đạo G8 sẽ thông qua hàng loạt thỏa thuận để đảm bảo nguồn cung trong tương lai. Các nước giàu nhiều khả năng sẽ đồng ý thông qua kế hoạch viện trợ trong ngắn hạn và sẽ giúp gia tăng sản lượng nông nghiệp trên toàn thế giới trong chiến lược dài hạn.
Báo chí Nhật Bản cho biết, lãnh đạo các nước giàu cũng thống nhất sẽ tạo ra một hệ thống dự trữ lương thực như dầu lửa để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực.
Là nước chủ trì hội nghị, Nhật Bản tuyên bố vấn đề Trái đất nóng lên sẽ được quan tâm đặc biệt trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, một số quan chức cảnh báo sẽ không có bước tiến nổi bật nào trong hội nghị khi Tổng thống Mỹ George Bush tuyên bố đây không phải là diễn đàn thích hợp để đưa ra quyết định về vấn đề biến đổi khí hậu.
Ngay trong các nhà lãnh đạo G8 cũng chưa tìm được tiếng nói chung về việc cắt giảm hiệu ứng nhà kính. Trong khi đó, quan điểm giữa lãnh đạo G8 và các nước đang phát triển trên vấn đề này lại càng khác biệt.
Hội nghị G8 năm nay còn có sự tham dự của lãnh đạo 8 nước đang phát triển khác, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và các nước châu Phi. Nhật Bản cho biết với sự hiện diện của 22 nhà lãnh đạo trên toàn thế giới, đây là hội nghị G8 có quy mô lớn nhất kể từ cuộc gặp ở Paris tháng 11/1975 để thảo luận về cuộc khủng hoảng dầu lửa và sự suy thoái của kinh tế thế giới.
(Theo TPO)
Các tin khác
Nhà đàm phán Palestine Saeb Erekat, hôm 6/7, cho biết Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Ehud Olmert sẽ gặp nhau tại Paris vào ngày 13/7 tới.
Theo các ủy viên châu Âu về phát triển và nông nghiệp, Liên minh châu Âu (EU) sẽ dành 1 tỷ euro (khoảng 2 tỷ USD) trợ cấp nông nghiệp cho nông dân ở những nước đang phát triển để đối phó với tình trạng thiếu lương thực hiện nay.
Ngày 6/7, ít nhất 11 cảnh sát Pakistan đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom nhằm vào lực lượng an ninh được triển khai giữ gìn trật tự tại cuộc biểu tình của hàng nghìn người Hồi giáo gần Nhà thờ Đỏ ở thủ đô Islamabad.
Đêm 5/7, Tổng thống Mông Cổ Nambaryn Enkhbayar tuyên bố bãi bỏ tình trạng khẩn cấp kéo dài 4 ngày qua tại thủ đô Ulan Bator, bắt đầu từ 0h00 ngày 6/7.