Tổng thống Mông Cổ bãi bỏ tình trạng khẩn cấp
- Cập nhật: Thứ hai, 7/7/2008 | 12:00:00 AM
Đêm 5/7, Tổng thống Mông Cổ Nambaryn Enkhbayar tuyên bố bãi bỏ tình trạng khẩn cấp kéo dài 4 ngày qua tại thủ đô Ulan Bator, bắt đầu từ 0h00 ngày 6/7.
Trong tuyên bố bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, Tổng thống Enkhbayar nêu rõ: Tình hình ở Ulan Bator đã trở lại yên tĩnh, và ông kêu gọi các chính đảng giải quyết vụ bạo loạn và vấn đề tranh cãi về kết quả bầu cử bằng thương lượng hòa bình theo đúng pháp luật.
Tình trạng khẩn cấp được ban bố ngày 2/7 sau khi bạo lực do những người ủng hộ Đảng Dân chủ và một số đảng khác bùng phát ngày 1/7 để phản đối kết quả bầu cử Quốc hội, theo đó, Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (MPRP) giành thắng lợi. Vụ bạo lực đã khiến 5 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương.
Ngay sau khi Tổng thống Enkhbayar tuyên bố bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, ngày 6/7, các chính đảng ở Mông Cổ đã khởi động một tiến trình thương lượng nhằm tháo gỡ bế tắc chính trị hiện nay - nguyên nhân làm bùng phát các cuộc bạo động đầu tuần trước.
Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ Sanjaasuren Oyun cho rằng việc các bên chấp thuận ngồi vào bàn thương lượng là "một dấu hiệu tốt" và tại cuộc thương lượng, các bên tham gia, trong đó có đại diện của Đảng Dân chủ và đối thủ của họ - Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ (MPRP) vừa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 29/6, đã đưa ra danh sách một số khu vực bầu cử mà một số chính đảng muốn tổ chức kiểm phiếu lại hoặc bầu cử lại, và một số khiếu nại liên quan tới cuộc bầu cử trên.
Bộ trưởng Oyun cho biết việc kiểm phiếu lại hoặc bầu cử lại diễn ra trước ngày 15/7, bởi theo Hiến pháp Mông Cổ, kết quả bầu cử, sau khi giải quyết khiếu nại, sẽ phải được công bố trong vòng 15 ngày kể từ khi kết thúc bầu cử.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Sau khi tòa tháp đôi sụp đổ đến lượt Tháp 7 gần đó cũng sập xuống dù không bị máy bay đâm. Các nhà điều tra đang chuẩn bị đưa ra giải thích chính thức cho một trong những bí ẩn lớn nhất của vụ khủng bố năm 2001.
Sri Lanka đang "đau đầu" về vấn nạn đào ngũ trong quân đội. 7 tháng trước, có khoảng 20.000 lính đào ngũ đã được ghi nhận tại quốc gia có phần lớn người dân theo đạo Phật này.
Ngày 4/7, CHDCND Triều Tiên đã tuyên bố họ sẽ tạm ngưng thực hiện thoả thuận quốc tế về việc yêu cầu nước này ngừng chương trình hạt nhân cho tới khi các bên liên quan hoàn tất trách nhiệm của mình như đã cam kết.
Ngày 4/7, Liên minh Châu Âu (EU) và Nga đã bắt đầu vòng đàm phán về Hiệp định hợp tác mới giữa hai bên trong lĩnh vực chính trị và kinh tế.