Thế giới loay hoay đối phó khủng hoảng tài chính

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/10/2008 | 12:00:00 AM

Gói giải cứu 700 tỷ USD, IMF, Ngân hàng Thế giới, nhóm G7… đều chưa tỏ ra hiệu quả trước cuộc khủng hoảng tài chính.

Khủng hoảng tài chính đang đẩy kinh tế thế giới tới nguy cơ suy thoái
Khủng hoảng tài chính đang đẩy kinh tế thế giới tới nguy cơ suy thoái

Liều thuốc tạm thời

Cách đây 2 tuần, khi kế hoạch 700 tỷ USD nhằm giải cứu thị trường tài chính được Chính phủ Mỹ vạch ra, quy mô khổng lồ của kế hoạch nhằm mục đích xoa dịu sự căng thẳng của hệ thống tài chính toàn cầu và phục hồi niềm tin của thị trường. Nhưng chỉ ít ngày sau khi này được thông qua, kế hoạch này được các nhà phân tích ví như "một hòn đá nhỏ ném xuống mặt biển đang nổi sóng dữ dội".

Cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn “made in USA” này đang lan rộng với tốc độ khó kiểm soát trên khắp trên thế giới, tuy “tâm bão” vẫn là nước Mỹ.

Mặc dù đạo luật giải cứu của Chính phủ Mỹ có dành cho các ngân hàng nước ngoài sự giúp đỡ, kế hoạch này dường như không có tác động gì nhiều trong việc trấn an giới đầu tư, đặc biệt là ở châu Âu, nơi nhiều ngân hàng có thể đã đổ vỡ nếu không có sự can thiệp của chính phủ. Ban đầu, châu Âu cho là mình “miễn nhiễm” hoặc ít chịu tác động của khủng hoảng, tuy nhiên, những đợt ồ ạt rút tiền gửi của người dân khỏi ngân hàng mà các nhà chức trách đang nỗ lực ngăn chặn đã chứng minh một thực tế hoàn toàn ngược lại.

Theo các nhà kinh tế học, kế hoạch giải cứu thị trường 700 tỷ USD không thể là phương thuốc chữa trị hoàn toàn cho “trận ốm” hiện nay của thế giới, mà có thể chỉ là một liều thuốc tạm thời cho nước Mỹ mà thôi. Về phần mình, châu Âu gần như chưa phát đi dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một kế hoạch hành động tập thể chống khủng hoảng, do đó, các nhà đầu tư gần như không biết bấu víu vào đâu để tự trấn an mình. Phiên giao dịch có thể gọi là hoảng loạn diễn ra trên cả hai bờ của Đại Tây Dương trong ngày đầu tuần (6/10) phản ánh nỗi lo sợ này.

Trên thực tế, những tác động tiêu cực của diễn biến khủng hoảng tại châu Âu và Mỹ đã được khuếch đại khi lan tới các thị trường chứng khoán Nga, Brazil, Indonesia và Trung Đông.

Những quốc gia này không có liên quan gì tới cuộc khủng hoảng dưới chuẩn ở Mỹ, nhưng lại rất dễ tổn thương trước sự bất ngờ sụt giảm của dòng vốn chảy vào. Đồng thời, các thị trường này còn thiếu sự “đánh bóng” với những kế hoạch bảo vệ cấp quốc gia hay khu vực như ở Mỹ hay châu Âu.

Do đó, thị trường chứng khoán của các nền kinh tế đang nổi lên đã có ngày sụt giảm mạnh nhất trong 21 năm trong ngày đầu tuần. Giao dịch chứng khoán ở Nga và Brazil thậm chí còn bị các nhà chức trách tạm dừng.

IMF, WB và G7 “bó tay”?

Theo kinh tế gia Simon Johnson thuộc Viện Công nghệ Massachusetss, nguyên kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bản chất toàn cầu của cuộc khủng hoảng hiện nay và mức độ thiệt hại ngày càng tăng của khủng hoảng nên được coi là những lý do đưa các nước hợp tác chặt chẽ với nhau để đi tới một giải pháp đồng bộ.

Tuần này, bộ trưởng tài chính và quan chức ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới sẽ nhóm họp tại cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB). Và đây được coi là một cơ hội để đi tới một giải pháp như vậy. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là, IMF và WB hiện đã không còn những nguồn lực hay thẩm quyền để dẫn đầu những nỗ lực giải quyết khủng hoảng.

Trước đây, IMF đã đóng một vai trò trung tâm trong việc giải quyết khủng hoảng ở châu Á, nhưng hiện vị trí của tổ chức này đã suy giảm mạnh do đánh mất niềm tin của các nước, đồng thời, các kỹ năng giải quyết khủng hoảng của IMF cũng không phù hợp với một cuộc khủng hoảng xảy ra ở các nền kinh tế phát triển.

Việc mà IMF có thể làm hiện nay chỉ là đưa ra các cảnh báo về tác động của khủng hoảng đối với các nước đang phát triển.

Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) từng một thời được coi là một dạng “bộ chỉ huy trung tâm” của kinh tế toàn cầu, nay cũng không còn giữ được vai trò đó nữa. Các nhà phê bình cho rằng, nhóm này không còn đại diện cho những nguồn động lực chính của kinh tế thế giới và cần phải được mở rộng để có sự tham gia của các cường quốc đang nổi lên như Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuần này, thế giới sẽ dành sự chú ý lớn cho cuộc họp của bộ trưởng bộ tài chính các nước G7 tại Washington vào ngày thứ Sáu.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Henry Paulson công bố kế hoạch 700 tỷ USD cách đây 2 tuần, G7 đã ra một tuyên bố chung chung rằng nhóm sẽ hỗ trợ nước Mỹ. Tuy nhiên, các bộ trưởng bộ tài chính của châu Âu, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Peer Steinbruck, cho rằng, cuộc khủng hoảng bắt đầu ở Mỹ và không cần tới giải pháp có tính hệ thống của châu Âu.

Chủ tịch WB Robert Zoellick cũng đã “nói trắng” rằng G7 “chẳng hoạt động gì”.

Châu Âu khó đi tới hành động tập thể

“Quá trình toàn cầu hóa của khủng hoảng đồng nghĩa với việc thế giới cần tới những giải pháp toàn cầu”, Giám đốc C. Fred Bergsten của Viện Kinh tế quốc tế Peterson nhận xét. “Tuy nhiên, phần lớn các giải pháp sẽ chỉ dừng ở cấp độ quốc gia. Với các định chế mà chúng ta có hiện nay, không một định chế nào có đủ lực để thực hiện những giải pháp toàn cầu”.

Điều này đặc biệt đúng ở châu Âu. Châu lục này có một ngân hàng trung ương chung là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hoạt động rất hiệu quả, nhưng lại thiếu quy định pháp lý chung và một ngân khố chung để điều phối hoặc cấp vốn cho một kế hoạch giải cứu dành cho hệ thống ngân hàng. Các nhà kinh tế cho rằng, cho tới thời điểm này, phản ứng của châu Âu về một kế hoạch đối phó chung vẫn chủ yếu là phủ nhận và bất đồng.

Từ London tới Berlin, các chính phủ đang áp dụng các giải pháp hết sức rời rạc. Chính phủ Anh và Đức đã phản đối một giải pháp rộng hơn vì họ lo ngại họ sẽ phải ra tay giải cứu những người láng giềng của mình. Điều này cũng dễ hiểu, vì việc giải cứu các ngân hàng là rất tốn kém và là một hành động mà những người đóng thuế ở châu lục cho là xa lạ, đồng thời, việc chia sẻ gánh nặng ở châu lục này luôn bị coi là một điều khó chấp nhận.

“Người nộp thuế sẽ không chấp nhận việc giải cứu hệ thống ngân hàng ở nước khác. Kêu gọi người dân châu Âu làm điều này là không thể”, kinh tế gia trưởng tài châu Âu của Deutsche Bank, ông Thomas Mayer, nhận xét.

Tới giờ phút này, khủng hoảng gần như đã không “buông tha” một quốc gia châu Âu nào. Khi Ireland thiết lập một chương trình đảm bảo cho tất cả các tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng cách đây ít ngày, các quốc gia láng giềng của Ireland đã nổi giận vì lo ngại dòng vốn từ nước họ sẽ đổ sang Ireland. Hiện Đức, Thụy Điển, Đan Mạch và Áo đều đã cam kết sẽ bảo vệ tiền gửi của người dân.

“Nếu biện pháp bảo vệ tiền gửi được công bố ở từng quốc gia một, hệ thống tiền gửi của nước khác sẽ gặp rắc rối. Thật khó hiểu là châu Âu không phối hợp hành động với nhau ở điểm này”, ông Johnson nhận xét.

Tác động tới các nước đang phát triển

Các nhà kinh tế học cho rằng, trong bối cảnh Mỹ và châu Âu ngập sâu trong khủng hoảng, phần còn lại của thế giới sẽ không thể hỗ trợ được gì, mà chỉ có thể chịu những tác động xấu. Chủ tịch WB Zoellick cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng có thể là một “điểm rơi” của thế giới đang phát triển.

“Sự sụt giảm trong xuất khẩu cũng như dòng vốn chảy vào sẽ dẫn tới sự sụt giảm trong đầu tư. Tăng trưởng giảm tốc, tình hình tài chính xấu đi, cùng với sự thắt chặt tiền tệ có thể dẫn tới tình trạng phá sản ở các doanh nghiệp và những tình huống khẩn cấp trong hệ thống ngân hàng”, ông Zoellick nhận xét.

Giới phân tích cho rằng, mối nguy trước mắt là việc các nước ở Đông và Trung Âu như Bulgaria và Estonia với mức thâm hụt thương mại khổng lồ đang biệt dễ bị tổn thương trong trường hợp vốn ngoại đột ngột chảy mạnh ra khỏi các quốc gia này.

Iceland, quốc gia với một nền kinh tế phát triển nóng và nặng nợ nước ngoài, có thể sẽ là “nạn nhân cấp quốc gia” đầu tiên của cuộc khủng hoảng. Ngày 6/10, do lo ngại về sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống tài chính, Chính phủ nước này đã can thiệp mạnh vào hệ thống ngân hàng của nước này. “Chúng ta đang phải đối mặt với thực tế rằng nền kinh tế quốc gia có thể rơi sâu vào cuộc khủng hoảng và kết thúc có thể là tình trạng vỡ nợ của Chính phủ”, Thủ tướng Iceland Geir Haarde nói.

Với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh, rắc rối có thể lan rộng sang các nền kinh tế đang nổi lên, thậm chí là Trung Quốc - một nước có thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối khổng lồ. “Cả thế giới cùng suy thoái thì Trung Quốc biết xuất khẩu hàng đi đâu”, chuyên gia Johnson của Viện Công nghệ Massachusetts nói.

Theo Vneconomy

Các tin khác

Theo Ria Novosti, ngày 6/10 Hy Lạp đã tiến hành thoả thuận với Nga về một hợp đồng mua 420 xe chiến đấu do Nga sản xuất.

Những người biểu tình ném chai nước về phía cảnh sát chống bạo động.

Một xe hơi chứa bom đã nổ tung tại thủ đô của Thái Lan ngay sau khi cảnh sát xô xát với những người biểu tình tại trụ sở quốc hội.

Ngày 6/10, tại kỳ họp Hội đồng Bộ trưởng Nhà nước liên minh Nga/Belarus ở Minsk, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Thủ tướng Sergey Sidorsky đã khẳng định quyết tâm xây dựng Nhà nước liên minh của hai quốc gia này.

Ông Saeed Jalili.

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, ông Saeed Jalili đã gửi một bức thư cho Người phụ trách chính sách đối ngoại EU, Javier Solana khẳng định áp lực quốc tế đối với Tehran sẽ không giải quyết được những tranh cãi về chương trình hạt nhân của nước này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục