Thái Lan, Campuchia đồng ý ngừng bắn
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/10/2008 | 12:00:00 AM
Tình hình biên giới Thái Lan - Campuchia tạm lắng dịu khi hai nước hôm qua đã ngồi lại với nhau để đàm phán và đồng ý ngừng bắn.
Binh sĩ Campuchia ngồi bên xác đồng đội tử trận.
|
Tạm thời lắng dịu
Căng thẳng biên giới Thái Lan - Campuchia có thể nói là tạm yên ắng khi trong ngày hôm qua, không có thêm trận đụng độ nào giữa binh sĩ hai nước nữa. Trong khi đó, cuộc gặp giữa tướng lĩnh quân đội cấp cao hai nước đã diễn ra hôm qua tại tỉnh Si Sa Ket (Thái Lan). Sau cuộc họp, đôi bên đã đồng ý ngưng bắn. Trung tướng Sroey Doek của Campuchia cho hay hai nước sẽ tiếp tục tiến trình đàm phán và vấn đề tranh chấp lãnh thổ cần được bàn thảo nhiều hơn.
Cuộc họp cũng đi đến thỏa thuận đôi bên sẽ tuần tra biên giới chung trong khu vực đang bị tranh chấp nhưng binh sĩ hai nước thì vẫn duy trì tại khu vực này. Việc tuần tra chung cũng được cho là sẽ giảm bớt hiểu lầm có thể dẫn đến đụng độ. Ngày 21.10 tới, Ủy ban Biên giới chung hai nước sẽ lại gặp nhau để bàn thảo.
Campuchia trách ASEAN thiên vị
Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat phát biểu rằng Chính phủ Thái sẽ tiếp tục đàm phán và trận đụng độ vừa qua không đến nỗi nghiêm trọng. Phía Thái Lan tự tin rằng tình hình sẽ không vượt ngoài tầm kiểm soát hay leo thang thành một cuộc chiến tranh quy mô lớn. Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong cũng cho hay tình hình dọc biên giới hai nước đã bớt căng thẳng kể từ sau trận đọ súng và các nhà ngoại giao hai nước gặp gỡ ở Bangkok tối 15.10. Theo ông Hor Nam Hong, đôi bên đã có cuộc đối thoại tốt đẹp. Tuy nhiên, trong một diễn biến liên quan, sáng qua, Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong đã trách ASEAN thiên vị Thái Lan trong vụ việc hôm 15.10, Báo Bangkok Post đưa tin. Đáp lại phát biểu này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tharit Charungvat nói ông tin các thành viên ASEAN nắm vững tình hình tranh chấp biên giới Thái Lan - Campuchia, và họ sẽ không thiên vị bên nào. Trước khi cuộc họp của đôi bên diễn ra sáng qua, Thái Lan tiếp tục điều quân lên khu vực tranh chấp gần đền Preah Vihear.
Cần gấp rút giảm nhiệt
Như vậy, có thể thấy tình hình biên giới Thái Lan - Campuchia đã tạm yên ổn. Tuy nhiên, sự lắng dịu này vẫn chỉ được coi là tạm thời cho đến khi hai nước tìm ra giải pháp rốt ráo để chấm dứt căng thẳng. Thái Lan thì cần giải quyết nhanh vấn đề biên giới để chính phủ của ông Somchai còn quay lại đối phó với lực lượng biểu tình chống đối. Campuchia cũng phải tìm cách giảm căng thẳng để còn đón khách du lịch đến đền Preah Vihear, nơi vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hiện các kế hoạch xây cáp treo và đường sá dẫn đến ngôi đền 900 năm tuổi sắp bắt đầu. Mặt khác, tháng 2.2009 cũng là hạn chót để Phnom Penh đệ trình lên Ủy ban Di sản thế giới đề án quản lý đền Preah Vihear. Nếu căng thẳng biên giới kéo dài, Campuchia khó hoàn thành đề án này. Bởi vậy, hai nước ở trong tình thế phải gấp rút đàm phán để giải quyết tranh chấp.
Việt Nam mong muốn Campuchia và Thái Lan giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình
Ngày 16.10, trả lời câu hỏi của báo chí đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về tình hình căng thẳng mới đây tại khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nói: Việt Nam mong muốn hai bên hết sức kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực, giải quyết những vấn đề còn tồn tại bằng biện pháp hòa bình, trên tinh thần hữu nghị và đoàn kết của ASEAN, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Theo TNO
Các tin khác
Theo thăm dò của CNN, nếu bầu cử diễn ra lúc này, ông Obama sẽ giành chiến thắng trước ông McCain với số phiếu bầu của đại cử tri lần lượt là 277-174. Chỉ cần 270 phiếu đại cử tri là ứng viên thắng cử.
Theo thông báo của Bộ Y tế Trung Quốc, hiện vẫn còn gần 6.000 trẻ em Trung Quốc được điều trị tại các bệnh viện do dùng sữa có melamine, trong đó có 6 em trong tình trạng nguy kịch.
Các chỉ huy quân đội hai nước Thái Lan và Campuchia sẽ gặp gỡ trong hôm nay (16/10) để đối thoại về vùng biên giới tranh chấp sau khi hai bên nổ súng vào nhau khiến 2 lính Campuchia thiệt mạng và 10 người Thái bị phía đối phương bắt giữ.
Hội nghị quốc tế thảo luận về cuộc xung đột Nga-Gruzia tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 15/10 đã kết thúc không thành công do hai phái đoàn Nga và Gruzia từ chối tiếp xúc trực tiếp.