Hội nghị G20: Mở màn trong suy thoái

  • Cập nhật: Thứ bảy, 15/11/2008 | 12:00:00 AM

Hôm nay 15-11, lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) nhóm họp tại Washington (Mỹ) để bàn kế hoạch chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, giới quan sát dự đoán có rất ít khả năng hội nghị sẽ đem lại những giải pháp nhanh chóng.

20 nền kinh tế thuộc nhóm G20
20 nền kinh tế thuộc nhóm G20

Los Angeles Times cho biết tại hội nghị, các nhà lãnh đạo dự kiến thông qua năm nguyên tắc có nội dung đơn giản hơn nhiều so với những gì Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi. Trước đó, ông Sarkozy muốn cuộc họp tại Washington phải trở thành một “hội nghị Bretton Woods thứ hai” nhằm tái cấu trúc hệ thống tài chính thế giới. Năm 1944, hội nghị Bretton Woods được tổ chức tại New Hampshire (Mỹ) đã định hình hệ thống tài chính hậu Thế chiến II, dẫn đến sự ra đời của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Không có giải pháp nhanh

AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ George Bush khẳng định tại Washington, các nhà lãnh đạo sẽ “đặt ra nền tảng cải tổ” nhưng thừa nhận kế hoạch này là quá lớn đối với một hội nghị G20 đơn lẻ. “Đây sẽ là hội nghị đầu tiên trong số hàng loạt cuộc họp sắp tới” - ông Bush cho biết. Tổng thống sắp từ nhiệm cũng nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện tại không phải là hậu quả của cơ chế thị trường tự do. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel dự báo thảo luận tại hội nghị G20 sẽ rất khó khăn, nhưng là bước đầu tiên và quan trọng tiến tới việc cải tổ, nâng cấp các quy định tài chính trong thời gian tới.

Có nhiều nguyên nhân khiến các nhà lãnh đạo buộc phải tính toán xa xôi. Thứ nhất, nước Mỹ sắp có tổng thống mới. Bất cứ một thỏa thuận nào không có sự hiện diện của ông Barack Obama cũng vô nghĩa. Ông Obama mới đây khẳng định không tham dự hội nghị. Thứ nữa, các nước phát triển tiếp tục có nhiều khác biệt về chi tiết của một chiến lược chung. Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Anh Gordon Brown đang nỗ lực thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính toàn cầu. Ông Sarkozy thậm chí còn tuyên bố đồng USD không thể tiếp tục là “loại tiền tệ toàn cầu duy nhất” nữa. Tuy nhiên, ngoại trưởng Pháp mới đây cho biết những quyết định lớn liên quan đến việc tái cấu trúc hệ thống tài chính sẽ phải chờ ông Obama.

Sự khác biệt với các nền kinh tế đang phát triển lại càng lớn hơn. Phương Tây đang gây sức ép buộc các nền kinh tế năng động như Trung Quốc, Brazil, Nga và Ấn Độ đóng góp cho IMF. Tuy nhiên, các quốc gia này tỏ ra ngần ngại bởi còn phải lo cho nền kinh tế nội địa, và rõ ràng không muốn trở thành cứu tinh trong một cuộc khủng hoảng bắt đầu ở thế giới phát triển.

Chạm ngưỡng suy thoái

Hội nghị G20 diễn ra đúng thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào khủng hoảng. Cả Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), WB và IMF đều dự báo các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục tụt dốc trong năm 2009.

Hãng tin Reuters cho biết ngày 14-11, Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận đã suy thoái với GDP quý 3 giảm 0,2%, bằng mức giảm quý trước. Trong đó, GDP của Đức - nền kinh tế lớn nhất EU và thứ ba thế giới - sụt giảm 0,5%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 0,2%. Ở Mỹ, tình hình kinh tế chẳng khả quan hơn. Hãng tin Bloomberg cho biết doanh số khu vực bán lẻ của Mỹ giảm 2,1% trong tháng mười, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11-2001. Nhật sẽ công bố số liệu tăng trưởng quý 3 vào tuần tới. Giới chuyên gia dự đoán nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chỉ cách ngưỡng suy thoái một làn ranh mong manh.

Các nền kinh tế mới nổi cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng công nghiệp của Trung Quốc tháng mười vừa qua chỉ đạt 8,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 10-2001. Các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế Hong Kong đã rơi vào suy thoái hoặc sẽ suy thoái vào cuối năm nay. Các quốc gia khác như Ireland, New Zealand, Singapore và Estonia cũng thừa nhận đang suy thoái.

(Theo TTO)

Các tin khác
Bà Hillary Clinton có thể giữ chức Ngoại trưởng dưới chính quyền ông Obama.

Theo nguồn tin cố vấn của tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama, thượng nghị sĩ Hillary Clinton đang được cân nhắc vào chức Ngoại trưởng mới của Mỹ.

Tổ chức tang lễ cho các nạn nhân thiệt mạng trên tàu Nerpa

Ủy ban điều tra quân sự Nga ngày 13-11 cho biết một thủy thủ trên tàu ngầm Nerpa đã tự ý kích hoạt hệ thống cứu hỏa trên tàu, dẫn đến tai nạn làm 20 người chết ngạt và 21 người bị thương.

Biểu ngữ chúc mừng Tổng thống đắc cử Barack Obama tại Chicago, nơi có trụ sở của ông

Theo Reuters sáng nay, Tổng thống Mỹ đắc cử Barack Obama vừa lên tiếng cho biết cần cứu ngành công nghiệp ô tô nước này. Đây là tuyên bố đầu tiên của ông Obama về các chính sách kinh tế từ khi đắc cử tới nay.

Cảnh sát kiểm tra hiện trường sau vụ nổ

Một vụ nổ mới lại vừa diễn ra tại Bangkok lúc rạng sáng nay (13/11) làm 13 người bị thương, trong đó hai người bị thương nặng. Trước đó, tại Bangkok cũng xảy ra hai vụ nổ vào ngày 8 và 11/11, nạn nhân đều là người biểu tình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục