Israel bị phản đối khắp nơi

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/1/2009 | 12:00:00 AM

Quan điểm của EU: Quốc gia có một quyền không thể tranh cãi là tự vệ nhưng không được phép có những hành động ảnh hưởng rộng rãi đến thường dân

Các sinh viên nước ngoài tập trung trước văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Tehran (Iran) ngày 5-1 để phản đối Israel tấn công Dải Gaza.
Các sinh viên nước ngoài tập trung trước văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Tehran (Iran) ngày 5-1 để phản đối Israel tấn công Dải Gaza.

Với hy vọng tái lập lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, một phái đoàn của Liên hiệp châu Âu (EU), do Ngoại trưởng Cộng hòa Czech Karel Schwarzenberg đứng đầu, đã lên đường đến khu vực này. Chuyến đi còn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza. Theo CNN, phái đoàn này đến Ai Cập trước, sau đó tiếp tục đến Israel và lãnh thổ của người Palestine.

Quốc tế quan tâm khía cạnh nhân đạo

Theo AP, quan điểm của EU là: Quốc gia có một quyền không thể tranh cãi là tự vệ nhưng không được phép có những hành động ảnh hưởng rộng rãi đến thường dân. Ngoại trưởng Schwarzenberg tuyên bố: “Nhiệm vụ của chúng tôi hiện nay là bảo đảm hàng viện trợ của EU đến tay người dân ở Dải Gaza, các hành lang biên giới được mở ra và việc viện trợ không bị gián đoạn trên lộ trình này”. Ngoài ra, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon nhấn mạnh rằng LHQ thúc ép chính quyền Israel mở các hành lang biên giới vào Dải Gaza để có thể đưa vào đây ngũ cốc, nhiên liệu cùng các nhu yếu phẩm khác”.

Ông Tony Blair, cựu thủ tướng Anh, hiện là phái viên của bộ tứ về hòa bình Trung Đông, đã gặp riêng Thủ tướng Israel Ehud Olmert và Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak, nhấn mạnh đến một lệnh ngừng bắn ổn định. Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Ông nói người Palestine cần được viện trợ nhân đạo, nhưng người Israel cũng phải được bảo đảm không bị tấn công bằng tên lửa nữa.

Đáng chú ý là, các nhà lãnh đạo Ai Cập và Jordan – hai quốc gia Ả Rập ở Trung Đông ký hiệp ước với Israel và duy trì mối quan hệ ngoại giao với nước này – đã lên án cuộc tấn công trên bộ và kêu gọi Israel chấm dứt tấn công Dải Gaza.

Theo RIA Novosti, ngày 5-1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexandr Saltanov, đặc sứ của Tổng thống Nga ở vùng Cận Đông, đã thảo luận ở Jerusalem với Ngoại trưởng Israel Tsipi Livni về tình hình căng thẳng ở Dải Gaza. Ông đặc biệt chú ý đến khía cạnh nhân đạo ở đây.

Hàng chục ngàn người biểu tình

Trong khi đó, theo AP, hàng ngàn người phản đối cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza đã đổ về Beirut (Lebanon) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Cảnh sát Lebanon đã phải dùng hơi cay mới có thể buộc khoảng 250 người biểu tình rời khỏi sứ quán Mỹ ở thủ đô nước này. Cuộc phản đối thứ hai ở Beirut là một cuộc biểu tình ngồi bên ngoài tòa nhà của LHQ, với hàng ngàn người ủng hộ Hamas và tổ chức Hồi giáo của Lebanon tham gia. Ở Istanbul, hơn 5.000 người xuống đường phản đối Israel, vẫy cờ Palestine, đốt hình nộm Thủ tướng Israel Ehud Olmert và Tổng thống Mỹ George W. Bush.

Tại Yemen, các viên chức an ninh cho biết những người chống Israel đã đập phá và ném đá tấn công một số căn nhà của người Do Thái ở tỉnh Omran khiến ít nhất một người Do Thái bị thương. Ở Morocco, hàng chục ngàn người tham gia cuộc tuần hành ôn hòa ở thủ đô Rabat để phản đối cuộc tấn công Dải Gaza. Hàng ngàn người ở Tehran, Damacus cũng xuống đường phản đối cuộc tấn công của Israel. Trong lúc đó, hàng trăm người Jordan hô vang khẩu hiệu “Israel phải chết” trong các cuộc biểu tình ở thủ đô Amman.

Tuy vậy, theo Reuters, ngay cả khi Israel và người Palestine đang chìm sâu vào xung đột và làn sóng phản đối lan rộng, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama vẫn giữ im lặng.

100 trẻ em chết tại bệnh viện

Theo hãng tin Rosbalt (Nga) ngày 5-1, quân đội Israel bắt đầu giai đoạn tiếp theo của chiến dịch trên bộ, đó là tiêu diệt sạch các chiến binh Palestine và các cơ sở hạ tầng của khủng bố. Các trận đánh chủ yếu hiện nay diễn ra ở phía Bắc. Bộ binh và xe tăng Israel được không quân, pháo binh và hải quân yểm trợ. Theo báo Yediot Ahronot (Israel), các trận oanh kích đêm 4-1 của Israel đã tiêu diệt 30 mục tiêu có liên quan đến phong trào Hamas. Nhưng theo AFP, có đến 130 mục tiêu bị loại trừ.

Theo CNN, các bác sĩ tại Bệnh viện Shifa ở Gaza cho biết khoảng 20% trong số hơn 500 người chết tại bệnh viện là trẻ em. Ngoài ra, còn có 2.600 người Palestine bị thương trong chiến dịch quân sự của Israel.

(Theo NLĐ)

Các tin khác
Lũ lụt hoành hành tại khu vực Đông Bắc Malaysia.

Ngày 5-1, lũ lụt tiếp tục hoành hành tại khu vực Đông Bắc Malaysia làm ảnh hưởng đến cuộc sống của 5.000 người dân. Trong đó tại quận Prahang, khoảng 3.800 người bị mắc kẹt trong các trận mưa lũ, còn tại Đông Bắc Kelantan là 800 người. Nhiều con đường đã bị ngập, hệ thống giao thông bị ngưng trệ. Nhiều trường học buộc phải đóng cửa khiến hàng ngàn trẻ em tại Malaysia không thể đến trường.

Một phụ nữ cầm cờ Palestine trong một cuộc biểu tình chống Israel ở Toronto.

Làn sóng biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza đang nổ ra ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, trong khi hàng nghìn binh sĩ Do Thái với sự yểm trợ của xe tăng và máy bay chiến đấu vẫn đang bao vây thành phố lớn nhất của Gaza.

Nhiều nhà cửa bị phá hủy sau loạt chấn động

Một trận động đất mạnh 7,6 độ richter kéo theo hàng loạt dư chấn đã xảy ra rạng sáng qua tại Indonesia khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Theo AFP, trận động đất trên xảy ra tại tỉnh Tây Papua ở miền cực đông Indonesia. Khoảng 10 dư chấn xảy ra sau đó với trận mạnh nhất là 7,5 độ richter.

Bộ binh Israel đã vào sâu trong lãnh thổ Gaza.

Theo thông tấn Mỹ AP, trong ngày 4/1 lực lượng bộ binh của quân đội Israel dưới dự yểm trợ của xe tăng đã tiếp tục tấn công thọc sâu cắt ngang lãnh thổ dải Gaza, với lợi thế về sức mạnh quân sự lực lượng quân đội Israel đã chuyển sang giai đoạn chiến đấu bao vây thành phố lớn nhất của dải Gaza (Gaza City).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục