“Cỗ máy” mới đã chuyển động
- Cập nhật: Thứ tư, 14/1/2009 | 12:00:00 AM
Ngày 12-1 (giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Ba-rắc Ô-ba-ma đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mê-hi-cô Phê-li-pê Can-đê-rôn tại Oa-sinh-tơn, Mỹ. Trong cuộc hội đàm, ông B. Ô-ba-ma cam kết tiếp tục thắt chặt quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Đây là cuộc hội đàm với một nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên của ông Ô-ba-ma kể từ tháng 11 năm ngoái, khi ông đắc cử Tổng thống.
Tổng thống đắc cử Ô-ba-ma đang rất bận rộn trước lễ nhậm chức vào ngày 20-1.
|
Cùng ngày, trong buổi họp báo được cho là cuối cùng tại Nhà Trắng, Tổng thống G.Bu-sơ đã ca ngợi Tổng thống đắc cử B. Ô-ba-ma là "thông minh và quyết đoán".
Ngày 20-1 tới, ông G. Bu-sơ sẽ giã biệt Nhà Trắng và Tổng thống đắc cử B. Ô-ba-ma sẽ tuyên thệ nhậm chức để trở thành Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ. "Tiếp quản" từ người tiền nhiệm hai cuộc chiến tranh và một nền kinh tế suy thoái trầm trọng, trong thời điểm này, B. Ô-ba-ma vô cùng bận rộn với hàng núi công việc và đã có những bước đi đầu tiên.
Nóng lòng giải cứu nền kinh tế Mỹ đang suy thoái trầm trọng, ngày 12-1, B. Ô-ba-ma đã bày tỏ "thất vọng" với những tiến triển của Chương trình cứu trợ các tài sản xấu (TARP) mà Quốc hội thông qua tháng 10-2008. Ông chỉ trích chính quyền đương nhiệm G. Bu-sơ đã thiếu giám sát việc triển khai gói cứu trợ 700 tỷ USD và kêu gọi kiểm soát chặt hơn với số tiền còn lại của gói cứu trợ này. Ông B. Ô-ba-ma cũng đã lên tiếng thúc giục các Thượng nghị sỹ còn lưỡng lự từ cả hai đảng hãy phê chuẩn khoản tiền 350 tỷ USD còn lại trong gói cứu trợ Phố Uôn được thông qua hồi năm ngoái. Tổng thống đắc cử B. Ô-ba-ma cam kết số tiền còn lại của gói cứu trợ tài chính sẽ được huy động để trợ giúp các hộ gia đình có nguy cơ bị tịch biên nhà ở và các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn vì thiếu tín dụng. B. Ô-ba-ma cho biết, ông sẽ yêu cầu nhóm kinh tế của ông vừa được thành lập xây dựng một bộ quy tắc để bảo đảm sự cởi mở hơn về khoản tiền được chi. Tuyên bố trên được đưa ra trong lúc các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ yêu cầu phải có những điều kiện chặt chẽ hơn trước khi rót thêm tiền để vực dậy nền kinh tế.
Nhìn vào chính quyền mới đang định hình của B. Ô-ba-ma và những tuyên bố gần đây của ông, người ta đã hình dung được những nét chủ đạo trong chính sách đối ngoại mà vị Tổng thống mới này sẽ thực thi khi lên cầm quyền. Nó được xem là sẽ đánh dấu sự đột phá lớn, mở ra một kỷ nguyên đối thoại mới với các "kẻ thù" của Mỹ; chấm dứt xu hướng đối đầu từng được theo đuổi dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm G. Bu-sơ. Trên nền kinh nghiệm của thời cựu Tổng thống Bin Clin-tơn, đội ngũ then chốt trong chính sách đối ngoại của Ô-ba-ma đang sẵn sàng tăng cường đối thoại với các nhà nước bị coi là "thù địch", từ Xy-ri, I-ran đến CHDCND Triều Tiên, Cu-ba và Vê-nê-xu-ê-la...
Sử dụng phương pháp mới để tiếp cận I-ran là tuyên bố của B. Ô-ba-ma trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất trên kênh truyền hình ABC ngày 11-1. Cách tiếp cận mới của B. Ô-ba-ma là cả Oa-sinh-tơn và Tê-hê-ran đều đề cao và tôn trọng người dân hai nước; đồng thời bày tỏ hy vọng nhà lãnh đạo I-ran sẽ không ủng hộ phong trào Hồi giáo Héc-bô-la ở Li-băng và ngừng hoạt động làm giàu hạt nhân. Khác với chính sách của người tiền nhiệm, ông B. Ô-ba-ma tuyên bố sẽ tìm cách can dự nhiều hơn với I-ran.
Về "điểm nóng" Trung Đông hiện nay, B. Ô-ba-ma đã lên tiếng sau nhiều ngày im lặng - như một sự tôn trọng dành cho vị Tổng thống đương nhiệm G. Bu-sơ trong những ngày cuối - rằng sẽ thiết lập nhóm đặc biệt để xử lý triệt để cuộc xung đột giữa I-xra-en và Phong trào Ha-mát tại Dải Ga-da ngay sau khi nhậm chức. Nhóm này sẽ "can dự với tất cả các bên tại Trung Đông và sẽ nỗ lực xây dựng một cách tiếp cận mang tính chiến lược nhằm bảo đảm cả người I-xra-en lẫn người Pa-le-xtin đều thỏa mãn những mong muốn của họ".
Từng hứa hẹn sẽ đóng cửa nhà tù gây tai tiếng tại Vịnh Goan-ta-na-mô - vùng lãnh thổ của Cu-ba bị Mỹ chiếm đóng trái phép - trong buổi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC ngày 11-1, ông Ô-ba-ma khẳng định sẽ đóng cửa nhà tù này. Đây cũng sẽ là một ưu tiên ngay trong những ngày đầu tại vị của tân Tổng thống B. Ô-ba-ma, một hành động đầy tính biểu tượng sẽ được nhiều đồng minh của Mỹ hoan nghênh.
Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu vì Mỹ đã có chính sách rõ ràng. Về cơ bản, chính sách Triều Tiên của chính quyền mới sẽ không mấy thay đổi. Trong những ngày đầu tháng 1-2009, cựu Trưởng nhóm hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ Mi-sen Rây-xơ cho biết chính quyền mới sẽ hoàn tất quá trình rà soát các chính sách với Triều Tiên vào cuối tháng 2-2009 và nối lại đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng, chủ trương vẫn là giải quyết thông qua đàm phán 6 bên; đồng thời xây dựng cơ cấu kiểm chứng hạt nhân chặt chẽ. Không có dấu hiệu từ bỏ kế hoạch tăng quân tới Áp-ga-ni-xtan, chính quyền Ô-ba-ma chắc chắn sẽ đẩy mạnh vai trò chủ động trong quá trình liên kết các đồng minh tại đất nước này. Cùng với những tuyên bố rất đáng chú ý của Tổng thống đắc cử B. Ô-ba-ma, chưa đầy một tuần lễ trước khi nhậm chức, cấp phó của B. Ô-ba-ma đã có chuyến thăm bất ngờ tới I-rắc. Hiển nhiên đây là một khẳng định ưu tiên của B.
Ô-ba-ma với I-rắc cũng như tỏ rõ ông là người giữ lời hứa với cử tri khi tranh cử là sẽ tìm lối thoát cho nước Mỹ tại I-rắc...
"Cỗ máy" mới mang tên B. Ô-ba-ma ở Oa-sinh-tơn đã chuyển động. Nhưng tất cả vẫn chỉ là bắt đầu, mọi sự sẽ rõ ràng hơn sau khi B. Ô-ba-ma chính thức làm chủ Nhà Trắng vào ngày 20-1 tới.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Ngày 13-1, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã có cuộc họp báo cuối cùng tại Nhà Trắng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, trong đó ông ôn lại tám năm ở cương vị một người nhiều quyền lực trên thế giới và đưa ra những lời khuyên cho người kế nhiệm Barack Obama
CHDCND Triều Tiên muốn cử Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của nước này, Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye Gwan, tới dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Barack Obama nhưng đề nghị này đã bị Washington từ chối.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, đã có hai giáo đường Do Thái tại Pháp bị tấn công. Các vụ tấn công được cho là để phản đối cuộc chiến của Israel tại dải Gaza.
Ngày 11-1, Tổ chức Ân xá quốc tế đã tổ chức một cuộc biểu tình trước sứ quán Mỹ tại Montreal (Canada) nhằm yêu cầu chính quyền Mỹ đóng cửa nhà tù trên vịnh Guantanamo.