“Canh bạc nghìn tỉ” của Obama
- Cập nhật: Chủ nhật, 1/2/2009 | 12:00:00 AM
Tân tổng thống Mỹ đang đặt cược sự nổi tiếng của ông và cả một khối tiền khổng lồ với mục tiêu kéo nước Mỹ ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời kỳ đại suy thoái. Hãng tin CNN gọi đó là “canh bạc nghìn tỉ” của Barack Obama.
Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa mở họp báo phản đối kế hoạch kích thích kinh tế của ông Obama ngày 29-1.
|
Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 825 tỉ USD do ông Obama đưa ra. Cộng với số tiền 350 tỉ USD tiền quỹ giải cứu từ thời ông Bush mà quốc hội đã đồng ý trao cho ông Obama, con số đã lên đến hơn 1.000 tỉ USD. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu kế hoạch giải cứu của ông Obama có hiệu quả? Và bao giờ?
Theo bình luận của CNN, nền kinh tế Mỹ quá lớn đến mức hơn 1.000 tỉ USD cũng là chưa đủ để vực nó dậy. Hiện ở Washington đã có nhiều chính trị gia lên tiếng đề nghị tăng thêm số tiền giải cứu. Và kể cả khi chính quyền Obama có thể chi đủ tiền để tạo ra một tác động thật sự thì phải mất ít nhất hơn một năm tác động đó mới phát huy hiệu quả. Dù vậy theo CNN, ông Obama cũng có lợi thế về thời gian. Các khảo sát cho thấy phần lớn người dân Mỹ tin tưởng vào các kế hoạch kinh tế của ông và đã chuẩn bị tinh thần chờ đợi ít nhất hai năm trước khi nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng.
Nợ chồng nợ
Kể cả khi lạc quan thì phần còn lại của thế giới vẫn tự hỏi Washington sẽ lấy tiền ở đâu để thực hiện kế hoạch giải cứu kinh tế. Báo International Herald Tribune (IHT) cho biết tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), rất nhiều quan chức và chuyên gia lo ngại Mỹ đi vay tiền để phục hồi kinh tế sẽ đẩy lạm phát và tỉ lệ lãi suất trên toàn thế giới tăng cao.
“Mỹ cần chứng minh rằng họ có kế hoạch thoát ra khỏi các vấn đề tài chính” - IHT dẫn lời ông Ernesto Zedillo, cựu tổng thống Mexico, nhận định. Chuyên gia Niall Ferguson thuộc ĐH Harvard dự tính nếu các gói kích thích của Washington được thông qua, Mỹ sẽ nợ thêm 2.200 tỉ USD trong năm nay. “Hoặc bạn đẩy các nước đi vay khác ra khỏi thị trường vốn hoặc phải in thêm tiền - ông Ferguson nhận định - Bạn không thể vay 2.200 tỉ USD mà không gây ảnh hưởng đến lãi suất và lạm phát về lâu dài”.
Theo ông Ferguson, món nợ mới là cực kỳ nguy hiểm bởi gốc rễ của khủng hoảng Mỹ xuất phát từ các khoản nợ quá mức ở mọi cấp độ, từ người vay tiền mua nhà đến các ngân hàng Phố Wall. “Đây là cuộc khủng hoảng do nợ quá mức, đã lên đến 355% tổng sản phẩm quốc nội Mỹ - ông Ferguson cảnh báo - Không thể giải quyết khủng hoảng bằng các món nợ mới”.
Ông Stephen Roach, chủ tịch Morgan Stanley khu vực châu Á, cùng ông Zedillo và nhiều chuyên gia khác tại Davos đề nghị Nhà Trắng nhanh chóng công khai phương thức trả tiền cho các gói kích thích. Theo IHT, hầu như chắc chắn các gói kích thích Washington đưa ra sẽ được quốc hội thông qua, và khi đó ông Roach cho rằng trọng tâm vấn đề sẽ là “ai sẽ thanh toán hóa đơn” và “kế hoạch rút lui” là gì. “Chúng tôi không có câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên”.
Sẽ có hội đồng kinh tế Liên Hiệp Quốc?
Hãng tin AP cho biết tại Davos, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi thành lập một hội đồng kinh tế Liên Hiệp Quốc có mô hình tương tự Hội đồng Bảo an. Hội đồng kinh tế này sẽ hoạt động như một “la bàn” giúp thế giới tránh những cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại.
Bà Merkel kêu gọi Liên Hiệp Quốc xây dựng một bản hiến chương về trật tự kinh tế toàn cầu, dựa trên những nguyên tắc kinh tế bền vững và cho phép hội đồng kinh tế giám sát các thị trường. Tại Davos, nhiều quan chức và chuyên gia cũng khẳng định chỉ có sự giám sát quốc tế là con đường duy nhất có thể quản lý hiệu quả các hệ thống tài chính toàn cầu và ngăn chặn các yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Ngày 31-1 tại diễn đàn, Nhật đã cam kết hỗ trợ phát triển 17 tỉ USD cho các nước châu Á.
Theo TTXVN, tại Davos, đoàn đại biểu Việt Nam do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã tham dự tám phiên họp của hội nghị, 14 hoạt động song phương và tham gia đối thoại với các doanh nghiệp quan tâm tới Việt Nam. Trong các cuộc trao đổi, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện đầy đủ các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và quan tâm đặc biệt đến đào tạo nhân lực. Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề.
Trong cuộc tiếp xúc với giám đốc điều hành WEF Borge Brende, Phó thủ tướng khẳng định Việt Nam có đầy đủ điều kiện và sẵn sàng phối hợp với WEF tổ chức hội nghị WEF Đông Á tại Việt Nam vào năm 2010. Kết thúc chương trình làm việc tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn Việt Nam thăm, làm việc tại Thụy Sĩ và Phần Lan.
(Theo TTO)
Các tin khác
Ngày 31-1, hàng chục ngàn người trong “Đội quân áo đỏ” thuộc lực lượng ủng hộ cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra kéo về biểu tình trước tòa nhà chính phủ, nơi có văn phòng Thủ tướng Abhisit Vejjajiva ở thủ đô Bangkok (ảnh).
CHDCND Triều Tiên ngày 30/1 đã tuyên bố hủy bỏ tất cả các thỏa thuận chính trị, quân sự đã ký với Hàn Quốc, cáo buộc Seoul thi hành các chính sách thù địch với Bình Nhưỡng.
Tại diễn đàn Davos, Thủ tướng Nga Putin chỉ ra rằng sự tác động xấu của cuộc khủng hoảng tài chính đã vượt ra ngoài phố Wall. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay.
Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông George Mitchell, ngày 29/01 đã kêu gọi thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, đồng thời cam kết thúc đẩy các nỗ lực nhằm đem lại hòa bình lâu dài cho khu vực Trung Đông. Tuyên bố này được đưa ra trong chuyến công du Trung Đông của ông Mitchell, trong bối cảnh bạo lực lại bùng phát tại Gaza sau hơn 10 ngày ngừng bắn.