Chính trường Thái Lan: Nguy cơ bất ổn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/2/2009 | 12:00:00 AM

Điều khiến dư luận Thái Lan đặc biệt quan ngại sau khi Thủ tướng A-bị-xịt Vây-gia-gi-va lên nắm quyền đã trở thành hiện thực. Cuộc biểu tình đường phố chống chính phủ của 30.000 người "áo đỏ" thuộc Mặt trận Dân chủ Thống nhất chống độc tài (UDD) cuối tuần qua đang đẩy chính trường đất nước Chùa vàng vào vòng xoáy bất ổn mới.

Những người biểu tình chiếm giữ lối vào Tòa nhà Chính phủ ở Thủ đô Băng Cốc.
Những người biểu tình chiếm giữ lối vào Tòa nhà Chính phủ ở Thủ đô Băng Cốc.

Những người biểu tình "áo đỏ" đã đưa ra bản tối hậu thư yêu sách 4 điểm (Chính phủ phải trừng phạt Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) theo pháp luật; sa thải Ngoại trưởng Ca-xít Pi-rô-mi-a; khôi phục Hiến pháp năm 1997 và giải tán Hạ viện mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử mới).

 

Làn sóng biểu tình của UDD tại thủ đô Băng Cốc diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14, dự kiến vào cuối tháng 2. Vì thế, lực lượng "áo đỏ" muốn tận dụng thời điểm quan trọng này để gây áp lực với chính phủ. Trong tuyên bố mới nhất, lãnh đạo UDD đã đặt thời hạn chót trong vòng 15 ngày tới nếu bản yêu sách 4 điểm trên không được chính phủ đáp ứng, các hành động phản đối sẽ tiếp tục.

 

Những gì đang diễn ra cho thấy, biểu tình gây sức ép với chính phủ mới dường như là "chiêu độc" của phe đối lập trên chính trường Thái Lan. Hơn ai hết, người dân Thái Lan đã nhận thấy những tổn hại lớn về kinh tế - xã hội cũng như hình ảnh đất nước bị ảnh hưởng sau hàng loạt cuộc biểu tình hồi cuối năm ngoái do PAD phát động. Trong một tuyên bố được coi là phản ứng đầu tiên của chính phủ, Phó Thủ tướng Thái Lan Xu-thép Thau-xu-ban đã bác bỏ yêu sách 4 điểm của UDD và khẳng định rằng chính phủ sẽ không để xảy ra tình trạng bất ổn như cuối năm ngoái làm đất nước chao đảo.

 

Giữa lúc chính trường Thái Lan đang đứng trước thách thức đáng quan ngại, cựu Thủ tướng lưu vong Thặc-xỉn Xin-vắt ngày 2-2, trong phát biểu dài 20 phút qua điện thoại khi tham gia cuộc hội thảo của đảng Vì nước Thái đã tuyên bố "sẵn sàng trở lại chức Thủ tướng nếu nhân dân tán thành việc đó"; khẳng định ông đủ sức khỏe và sự sáng suốt để thực hiện chức trách của người đứng đầu chính phủ nếu người dân Thái Lan cần ông. Tuyên bố trên của ông Thặc-xỉn như lời thách đố với các đối thủ chính trị trong nước, cho thấy cuộc chiến giành quyền lực ở Thái Lan hiện nay chưa thể kết thúc. Thực tế cho thấy, tuy lưu vong ở nước ngoài và bị kết án tù, nhưng cựu Thủ tướng Thặc-xỉn vẫn có ảnh hưởng tới đời sống chính trị tại Thái Lan.

 

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 3-2, Bộ trưởng Bộ Phát triển xã hội và An sinh Thái Lan Vi-tun Nam-bụt đã từ chức do vụ bê bối liên quan vấn đề cứu trợ người dân bị thiên tai ở miền Nam. Ông Vi-tun là thành viên đầu tiên của nội các mới của Thủ tướng A-bị-xịt phải từ chức. Giới phân tích cho rằng, vụ bê bối của ông Vi-tun chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của cử tri đối với đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng A-bị-xịt, vì chống tham nhũng là mũi nhọn quan trọng nhất mà mấy năm qua đảng này khi còn ở vị trí đối lập đã sử dụng để tấn công lực lượng cầm quyền. Vụ việc trên đã cho thấy, một trong những khó khăn lớn nhất của Thủ tướng A-bị-xịt hiện nay xuất phát từ bê bối của một số thành viên nội các.

 

Một lần nữa chính trường Thái Lan lại khiến dư luận khu vực không khỏi lo ngại trước những cuộc biểu tình đường phố và mâu thuẫn phe phái. Trong một phát biểu mới nhất đáp lại những yêu sách của UDD sau các cuộc biểu tình vừa qua, Thủ tướng A-bị-xịt cho rằng, người dân Thái Lan đã quá chán ngán với các cuộc biểu tình đường phố gây bất ổn của phe đối lập. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lan rộng, trong khi tình hình kinh tế trong nước suy giảm, thêm vào đó là những cơ chế chi ngân sách của chính phủ cũ bị đình trệ, những cuộc biểu tình của UDD cũng như mọi hành động gây chia rẽ trong lòng dân tộc hiện nay đều không có lợi. Đây là một trong những thách thức lớn của Thủ tướng A-bị-xịt hiện nay, bởi một khi tình hình kinh tế trong nước chưa được bảo đảm, mọi rắc rối chính trị sẽ tiếp tục bùng phát. Vì thế Thủ tướng A-bị-xịt đang đặt ưu tiên hàng đầu nhanh chóng đưa đất nước Chùa vàng đi vào ổn định và phát triển.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 3/2 cho biết, người đứng đầu cơ quan này, Sergei Lavrov, và người đồng nhiệm Mỹ Hillary Clinton đã nhất trí hợp tác chặt chẽ với nhau hơn về các vấn đề chiến lược quan trọng.

Người biểu tình áo vàng tập trung ở Kanchanburi.

Trong gần như suốt năm ngoái, các tin tức từ Thái Lan tràn ngập thông tin về phong trào biểu tình của những người áo vàng - lực lượng Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), nhóm đã khiến hai thủ tướng nước này liên tiếp mất chức. Tuy nhiên, kể từ tháng 12, PAD đã biến mất khỏi chính trường. Vậy họ đang ở đâu?

Báo chí Hàn Quốc và Nhật Bản hôm nay 3/2 đưa tin có khả năng CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị phóng thử một loại tên lửa tầm xa nhất của nước này, làm gia tăng thêm căng thẳng tại khu vực chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo bán đảo Triều Tiên đang trên bờ vực chiến tranh.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra hồi tháng 3/2008.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, hôm 2/2, tuyên bố ông đã sẵn sàng trở lại Thái Lan và đấu tranh để trở thành lãnh đạo đất nước một lần nữa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục