Hạ viện chất vấn giới chức tài chính Mỹ về vụ AIG

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/3/2009 | 12:00:00 AM

Tối 24/3, Ủy ban Tài chính của Hạ viện Mỹ đang chất vấn Bộ trưởng Tài chính Geithner, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Ben Bernanke và Chủ tịch Fed của New York William Dudley về việc cứu tập đoàn AIG cũng như về khoản tiền 168 triệu USD mà công ty này thưởng cho các giám đốc khi đứng bên bờ vực phá sản.

Ông Ben Bernanke (CNBC).
Ông Ben Bernanke (CNBC).

Các nghị sĩ đã gay gắt chất vấn ba quan chức trên, rõ ràng thể hiện sự bất bình về cách chính quyền Obama xử lý vụ AIG.

Phiên điều trần diễn ra một ngày sau khi Fed tiết lộ một kế hoạch giải cứu ngân hàng mới, theo đó, chính phủ sẽ mua 1 nghìn tỷ USD các tài sản thế chấp xấu với sự trợ giúp của các nhà đầu tư tư nhân.

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Bernanke nói rằng hành động cứu AIG - tập đoàn bảo hiểm và các sản phẩm tài chính - vào tháng 9/2008 được tiến hành nhằm tránh cuộc khủng hoảng tiềm năng kiểu năm 1930.

"Ở viễn cảnh tốt nhất, hậu quả sụp đổ của AIG sẽ khiến cho cuộc khủng hoảng tài chính vốn đã nghiêm trọng càng trở nên tồi tệ hơn và làm xấu đi hơn nữa tình hình kinh tế toàn cầu. Có thể hình dung được nếu AIG sụp đổ, sự sụp đổ đó có lẽ đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu kiểu năm 1930, gây ra những thảm họa đối với sản xuất, thu nhập và việc làm", ông nói.

AIG là một công ty có quan hệ kinh doanh toàn cầu, với 74 triệu khách hàng trên toàn thế giới và hoạt động kinh doanh ở hơn 130 quốc gia. Chính phủ Mỹ đã quyết định rằng công ty này quá lớn nên không thể để nó sụp đổ.

Muốn kiện nhưng sợ thua

Kể từ ngày 16/9 tới nay, chính phủ Mỹ đã bơm khoảng 180 tỷ USD vào AIG. Sự tức giận bùng nổ trong công chúng Mỹ khi họ biết vào ngày 15/3 rằng AIG đã thưởng cho các nhân viên 168 triệu USD trong bối cảnh phải nhận sự trợ giúp của chính quyền liên bang để khỏi bị sụp đổ.

Ông Bernanke nói rằng ông không biết về khoản thưởng trên cho tới ngày 10/3. Sau đó, ông đã tìm cách kiện để ngăn chặn hành động trên song đã được luật sư cảnh báo nếu vụ kiện thất bại, những người được thưởng tiền trong AIG sẽ nhận được gấp 2-3 lần số tiền thưởng ban đầu.

Nguyên nhân là các khoản tiền thưởng này đã được quy định trong những hợp đồng của AIG trước khi chính phủ kiểm soát công ty này vào ngày 16/9. Hiện chính phủ liên bang nắm 80% quyền kiểm soát AIG.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng thông báo với Ủy ban của Hạ viện rằng đã yêu cầu Chủ tịch, đồng thời là Giám đốc điều hành Edward M. Liddy của AIG thương lượng lại việc trả tiền thưởng song được trả lời là những khoản tiền đó "bị ràng buộc về mặt pháp lý".

Quyết định của AIG trả hàng triệu USD tiền thưởng đã khiến Tổng thống Barack Obama chịu búa rìu dư luận, vào thời điểm khi ông đang tìm cách thu hút sự ủng hộ của công chúng và các nghị sĩ cho những chính sách kinh tế, kế hoạch giải cứu ngành ngân hàng và đại phẫu hệ thống quy định của nước Mỹ mà ông đưa ra.

"Khi biết về những khoản tiền thưởng này, phản ứng của tôi là rằng hoàn toàn không phù hợp để trả những món tiền thưởng lớn cho các nhân viên của đơn vị mà là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ của AIG, dù mục đích của hành động thưởng này là gì đi nữa", ông nói.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng vụ này cũng cho thấy cần thiết phải đưa ra những quy định giám sát mới.

"AIG nêu bật nhu cầu khẩn cấp về các giải pháp mới đối với các công ty tài chính phi ngân hàng, quan trọng đối với hệ thống. Thứ hai, tình hình AIG nêu bật nhu cầu phải tăng cường các biện pháp giám sát hiệu quả và mạnh mẽ đối với mọi công ty tài chính quan trọng đối với hệ thống", ông Bernanke nói.

Ông Bernanke cho biết đã chỉ đạo các nhân viên của Fed hợp tác với Bộ Tài chính và chính quyền Obama để xem lại liệu các khoản thưởng này "có thể được thu hồi hay không", nói thêm rằng "Ngoài ra, Fed và Bộ Tài chính sẽ hợp tác chặt chẽ để giám sát và giải quyết những vụ việc tương tự trong tương lai".

Chủ tịch Fed hy vọng có thể lấy lại số tiền thưởng trên. Trước đó, vào hôm 23/3, Chưởng lý New York là Andrew Cuomo nói rằng 15 nhân viên nhận nhiều tiền thưởng nhất từ AIG đã nhất trí trả lại tiền, tổng cộng lên tới chừng 50 triệu USD.

Muốn thêm nhiều quyền mới

Timothy Geithner (CNBC) nói rằng chính phủ Mỹ cần thận trọng khi can thiệp vào các hợp đồng công ty.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Geithner đã kêu gọi Quốc hội Mỹ trao cho ông những quyền hạn mới để giám sát các công ty tài chính khổng lồ như tập đoàn bảo hiểm AIG vì sự sụp đổ của những công ty như vậy sẽ gây ra nguy hiểm lớn đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế Mỹ.

Đặc biệt, ông Geithner muốn các quyền lực tương tự quyền của Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang (FIDC). Công ty này có quyền nắm quyền kiểm soát các ngân hàng, mua các tài sản xấu và bán các tài sản tốt cho các đối thủ cạnh tranh.

"AIG nêu bật những thất bại nặng nề của hệ thống tài chính Mỹ. Hệ thống tài chính của chúng ta không được trang bị để ngăn chặn sự tích tụ của các mức nguy cơ nguy hiểm", ông Geithner nói. Theo ông, chính phủ liên bang hiện thiếu các công cụ pháp lý "để tiến hành việc tái cơ cấu có trật tự một tổ chức tài chính phi ngân hàng lớn, phức tạp - một mối đe dọa đối với hệ thống tài chính của chúng ta".

Ông tin rằng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ nên được trao các quyền chưa từng có tiền lệ như thế, sau khi tham vấn với các quan chức thuộc Hội đồng dự trữ liên bang.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ là một quan chức của chính quyền trong khi FDIC là một cơ quan quản lý độc lập.

Các quyền giống như của FDIC mà ông Geithner tìm kiếm sẽ cho phép Bộ trưởng Tài chính lập ra một bộ phận quản lý tài sản của một công ty tài chính trên bờ vực sụp đổ. Chính phủ cũng có quyền kiểm soát công ty này và bán hoặc chuyển nhượng các bộ phận của nó để giảm rủi ro.

Bộ Trưởng Tài chính cũng sẽ được phép cho vay, mua tài sản, đảm bảo các khoản tiền cho vay và góp vốn để giúp ổn định công ty đó. Theo ông Geithner, điều quan trọng là chính phủ sẽ có quyền để "thương lượng lại hoặc thoái thác" các hợp đồng mà công ty đã ký trước đó, trong đó có những hợp đồng lao động.

Nếu những quyền hạn như vậy được trao cho ông trong năm ngoái, chính quyền Mỹ hẳn đã sử dụng chúng để giải quyết vụ AIG và Bear Stearns tốt hơn. Hai công ty này đã được chính phủ Mỹ cứu trong khi Lehman Brothers thì không được trợ giúp và buộc phải phá sản.

Cho phép Bộ Tài chính kiểm soát một loạt các công ty như các công ty bảo hiểm lớn, các công ty đầu tư và các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn so với mô hình quản lý tài chính hiện nay ở Mỹ. Mô hình hiện thời dựa vào các cơ quan độc lập và được bảo vệ khỏi tiến trình chính trị.

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Tài chính chỉ có thể hành động sau khi tham vấn với Tổng thống và nhận được khuyến nghị từ 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng dự trữ liên bang.

Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện là Barney Frank dường như ủng hộ đề xuất của ông Geithner, nói rằng chính phủ nên có quyền hạn đối với mọi công ty tài chính như quyền lực của FDIC đối với các ngân hàng.

"Các ngân hàng cũng đã đổ bể năm 2008. Tuy nhiên, sự thật là chúng ta có các cơ chế mà kiểm soát được thiệt hại đó... Chúng ta cần trao cho một ai đó trong chính quyền liên bang quyền để làm việc mà FDIC có thể làm với các ngân hàng", ông nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo phe thiểu số John Boehner ở Hạ viện nói rằng ông lo ngại về việc trao cho Bộ Tài chính quyền hạn lớn hơn. "Đây là một sự thâu tóm quyền lực chưa có tiền lệ và trước khi điều đó xảy ra, nên có một cuộc tranh luận thực sự về việc liệu chúng ta có nên trao quyền đó cho Bộ trưởng Tài chính hay không", ông nói.

Chủ tịch AIG, lương 1 USD/năm

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng nói tốt cho ông Liddy, rằng Chủ tịch AIG này đang bị chỉ trích không công bằng về vấn đề tiền thưởng nói trên vì các khoản tiền thường này đã được nhất trí bởi giới lãnh đạo trước đây của AIG. Ông Geithner chỉ ra rằng ông Liddy, một cựu giám đốc công ty Allstate, đã về hưu song vẫn phải đứng ra quản lý AIG theo yêu cầu của chính phủ liên bang với mức lương 1 USD/năm.

"Vấn đề thưởng quá mức không chỉ là vấn đề của riêng AIG và đòi hỏi phải có sự cải cách hệ thống các chính sách ưu đãi trong hệ thống tài chính", ông nói.

Cuộc chất vấn trở nên căng thẳng hơn khi nghị sĩ Brad Sherman hỏi ông Geithner liệu có những công ty tài chính nào khác ngoài AIG mà nhận tiền cứu trợ của liên bang và sau đó trả các khoản tiền thưởng lớn cho các giám đốc của họ hay không.

Ông Geithner đáp "Ngài nói đúng, vấn đề này không chỉ có ở AIG".

Khi ông Sherman yêu cầu công khai danh sách các công ty đó và những khoản tiền thưởng họ đã trả, ông Geither không hứa hẹn gì. Việc này đã khiến ông Sherman cáo buộc Geithner đang tìm cách "giấu bóng".

"Tôi không giấu bóng. Tôi sẽ suy nghĩ về gợi ý mà ngài nêu ra", ông Geithner đáp

(Theo VietNamNet)

Các tin khác
Thủ tướng Nga Putin.

Ngày 23/3, Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga sẽ xem xét lại quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) nếu lợi ích của Moscow bị phớt lờ.

Chưa tìm được ngân hàng nào sẵn sàng mua lại FirstCity Bank.

Thêm ba ngân hàng khu vực của Mỹ đã phải đóng cửa trong ngày làm việc cuối cùng của tuần vừa qua, đưa số ngân hàng phải ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay lên 20 ngân hàng.

Ngày 23-3, tại tỉnh Na-ra-thi-oát, miền Nam Thái Lan đã xảy ra 2 vụ đánh bom làm 11 người bị thương. Vụ đánh bom đầu tiên xảy ra tại một chợ hải sản tỉnh Na-ra-thi-oát, khi một kẻ tình nghi để lại chiếc xe máy tại khu chợ và rời bãi đỗ.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (trước, phải) gặp gỡ các đại biểu nước ngoài dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2009 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 23/3.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, hôm 23/3, gặp gỡ các đại biểu nước ngoài tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc lần thứ 10 và kêu gọi toàn thế giới nỗ lực chống khủng hoảng tài chính.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục