Trung Quốc mạnh tay với nạn đạo văn trong khoa học

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/3/2009 | 12:00:00 AM

Ba giáo sư, phó giáo sư thuộc Trường đại học Chiết Giang đã chính thức bị cho thôi việc do dính líu đến vụ đạo văn khoa học ngành đông y. Sự kiện gióng lên hồi chuông báo động về nạn giả mạo công trình nghiên cứu khoa học đang như mạch nước ngầm chảy trong giới học thuật nước này.

GS Lý Liên Đạt đã đồng đứng tên một cách khó hiểu trong các bài báo cáo khoa học của Hạ Hải Ba.
GS Lý Liên Đạt đã đồng đứng tên một cách khó hiểu trong các bài báo cáo khoa học của Hạ Hải Ba.

Tháng 10-2008, giáo sư Đới Đức Tai thuộc Trường đại học Khoa học dược Trung Quốc nhận được tin một bài viết đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Liệu Pháp Dược Thảo số 22 năm 2008 sao chép y hệt đề tài tương tự của ông từng đăng trên một tạp chí chuyên ngành khác. Những người đứng tên công trình sao chép là PGS Hạ Hải Ba, cùng đứng tên là GS Ngô Lý Mậu và GS Lý Liên Đạt thuộc Trường đại học Chiết Giang.

Sau khi nhận được thư và kiểm tra sự thật, giáo sư Tai đã làm đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chủ quản của Trung Quốc và những tạp chí khoa học có liên quan trong và ngoài nước. Ngay sau đó, tạp chí Nghiên Cứu Liệu Pháp Dược Thảo đã quyết định hủy bỏ toàn bộ công trình của ba tác giả trên do đã dối trá trong khoa học.

Ăn cắp công trình của thầy

Các bài báo cáo bằng tiếng Anh và tiếng Hoa được đăng trên các báo chuyên ngành trong và ngoài nước của PGS Hạ Hải Ba bị phát hiện là đạo văn.

Theo báo Kinh Tế Thế Kỷ 21, giáo sư Tai chính là thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ của ông Hạ Hải Ba. Đơn tố cáo của giáo sư Tai đã gây ra hiệu ứng đôminô. Sau khi nhận được tin, ông Chúc Quốc Quang, chủ tịch Hiệp hội Đông y Trung Quốc khu vực châu Âu, đã lập tức cho điều tra các bài báo cáo của tác giả Hạ Hải Ba trên các tạp chí quốc tế.

Kết quả điều tra phát hiện là “có vấn đề” trong tất cả 14 bài báo cáo thí nghiệm về dược lý của Hạ Hải Ba đăng trên các tạp chí Dược Lý Học NSA của Đức, Báo Cáo Dược Lý Học của Ba Lan... từ tháng 5-2008. Đáng lưu ý, trong hầu hết các bài này đều xuất hiện tên của Ngô Lý Mậu và Lý Liên Đạt, vị giáo sư viện sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước về đông y của Trung Quốc. Điều này làm dấy lên mối nghi ngờ liệu đây có phải là một vụ đạo văn khoa học mang tính tập thể hay ông Lý Liên Đạt chỉ cho mượn danh để các bài báo cáo của Hạ Hải Ba vượt qua vòng kiểm soát nghiêm ngặt của các tạp chí chuyên ngành quốc tế.

Vụ việc như một đòn giáng mạnh vào giới khoa học Trung Quốc. “Đây là vụ bê bối lớn nhất từ trước đến nay. Nó gióng lên hồi chuông báo động về khủng hoảng lòng tin mà các trường đại học trên toàn quốc sẽ phải đối mặt” - Nhật Báo Trung Quốc bình luận.

Dùng phần mềm chống đạo văn

Ngày 17-3 Bộ Giáo dục Trung Quốc đã yêu cầu hơn 1.000 tờ tạp chí chuyên ngành trên khắp Trung Quốc ứng dụng phần mềm chống đạo văn khoa học AMLC do Nhà xuất bản điện tử tạp chí học thuật và tập đoàn kỹ thuật mạng Đồng Phương - Thanh Hoa phát triển. Phần mềm này sẽ giúp theo dõi, kiểm tra và phát hiện những báo cáo khoa học giả mạo trong hơn 200 trường đại học ở Trung Quốc khi gửi đến đăng trên các tạp chí chuyên ngành.

Người phát ngôn Bộ Giáo dục Trung Quốc Tục Mai nêu rõ: Bộ Giáo dục sẽ tiến hành kiểm tra việc thực thi yêu cầu trên đến cuối năm 2009, các trường hợp bị phát hiện ngoài việc bị thu hồi tài trợ sẽ bị phạt từ cảnh cáo đến đưa ra trước pháp luật.

Sự kiện cũng đã dẫn đến những cuộc tranh luận vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc. Trong email gửi cho tờ The Christian Science Monitor, GS Stephen Stearns thuộc ngành sinh thái và sinh học tiến hóa Trường đại học Yale của Mỹ đã viết: “Đạo văn là hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc, bởi chính phủ nước này trừng phạt rất nhẹ đối với hiện tượng trên nhưng tiền thưởng cho các công trình này thì rất cao”. GS Stephen Stearns từng giảng dạy ở Bắc Kinh năm 2007.

“Tham nhũng học thuật” là cụm từ mà ông Phương Thị Dân, một chuyên gia phê bình học thuật của Trung Quốc, mô tả sự kiện này. Theo ông Dân, đạo văn không phải là hiện tượng mới ở Trung Quốc, thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong những thập niên qua, nhưng hầu như tất cả các vụ việc đều bị chìm xuồng bởi lãnh đạo các trường đại học thường bỏ qua một cách ngây thơ hoặc cố tình khỏa lấp để giữ thể diện cho trường.

Trong khi đó, phần đông các nhà khoa học khác lại cho rằng chính việc đào tạo chạy theo số lượng của Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng trên và nó trở thành một bệnh dịch khó chữa ở nước này.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Sự việc khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ trong thời gian từ cuối năm 2008 đến nay. Để cứu lấy danh dự của nền học thuật nước nhà, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chỉ đạo cho Trường đại học Chiết Giang phải làm rõ vụ việc và công khai trước dư luận.

Sau hơn năm tháng điều tra, ngày 15-3, hiệu trưởng Trường đại học Chiết Giang Dương Vệ đã ký quyết định tước học hàm PGS và buộc thôi việc đối với ông Hạ Hải Ba, không tái ký hợp đồng với GS Lý Liên Đạt và buộc thôi việc chủ nhiệm phòng thí nghiệm của ông Ngô Lý Mậu.

Giáo sư kinh tế Hồ Tinh Đẩu thuộc Đại học Kỹ thuật Bắc Kinh ngao ngán: vụ việc trên cho thấy đạo đức học thuật ở Trung Quốc rất kém, phản ánh tình trạng tham nhũng và ăn cắp công trình của người khác đang rất phổ biến ở Trung Quốc. Đây là một kênh tiêu tiền của nhà nước rất lớn bởi kinh phí phục vụ các công trình trên được trích từ nguồn ngân sách nhà nước. Ông cho biết thêm trên thực tế các tờ báo chuyên ngành ở Trung Quốc chỉ xem xét qua loa các bài báo cáo khoa học, thậm chí nhận tiền của tác giả và cho đăng trên tạp chí của mình mà không cần tính chân thật của nó.

(Theo TTO)

Các tin khác
Ông Ben Bernanke (CNBC).

Tối 24/3, Ủy ban Tài chính của Hạ viện Mỹ đang chất vấn Bộ trưởng Tài chính Geithner, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Ben Bernanke và Chủ tịch Fed của New York William Dudley về việc cứu tập đoàn AIG cũng như về khoản tiền 168 triệu USD mà công ty này thưởng cho các giám đốc khi đứng bên bờ vực phá sản.

Thủ tướng Nga Putin.

Ngày 23/3, Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố, Nga sẽ xem xét lại quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU) nếu lợi ích của Moscow bị phớt lờ.

Chưa tìm được ngân hàng nào sẵn sàng mua lại FirstCity Bank.

Thêm ba ngân hàng khu vực của Mỹ đã phải đóng cửa trong ngày làm việc cuối cùng của tuần vừa qua, đưa số ngân hàng phải ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay lên 20 ngân hàng.

Ngày 23-3, tại tỉnh Na-ra-thi-oát, miền Nam Thái Lan đã xảy ra 2 vụ đánh bom làm 11 người bị thương. Vụ đánh bom đầu tiên xảy ra tại một chợ hải sản tỉnh Na-ra-thi-oát, khi một kẻ tình nghi để lại chiếc xe máy tại khu chợ và rời bãi đỗ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục