EU đối mặt với cuộc khủng hoảng sống còn

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/11/2010 | 7:55:08 AM

Sáu tháng sau khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) giải cứu Hy Lạp bằng gói cứu trợ 110 tỷ euro, nền kinh tế châu Âu vốn đang "suy nhược" vì khủng hoảng nợ công lại hầm hập lên "cơn sốt" trước nguy cơ Ireland sẽ lao theo vết xe Hy Lạp.

Người dân Ireland lo lắng trước tình trạng kinh tế nguy kịch.
Người dân Ireland lo lắng trước tình trạng kinh tế nguy kịch.

Dù rằng, kết thúc cuộc họp bộ trưởng bộ tài chính 16 nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sáng 17-11 (giờ Việt Nam), các nhà lãnh đạo trong khu vực đều tỏ rõ quyết tâm sẽ không để những tín hiệu tiêu cực tại Ireland đi quá xa, nhưng giới đầu tư không khỏi hoang mang về tương lai đồng euro khi các giải pháp để vượt qua những cơn sóng gió tài chính vẫn chưa mang lại hiệu quả.

Nợ của Ireland hiện nay ước tính đã lên tới 98,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mức thâm hụt ngân sách quốc gia hơn 4 triệu dân này trong năm nay dự kiến sẽ vượt mốc 30% GDP, cao gấp đôi của Hy Lạp. Lãi suất trái phiếu 10 năm mà Chính phủ Ireland phải trả cho các khoản vay đã tăng lên 9%/năm - mức cao nhất trong các nước thành viên EU đe dọa khả năng tiếp tục huy động tài chính của Dublin, đẩy quốc gia đang bị đè nặng bởi nợ công và thâm hụt ngân sách này tới bờ vực phá sản.

Để thực hiện lời hứa giảm tỷ lệ thâm hụt ngân sách xuống mức 4% GDP vào năm 2014, Chính phủ Ireland không còn biện pháp nào khác ngoài tăng thu, giảm chi nhằm tiết kiệm khoảng 8 tỷ USD, qua đó cắt giảm thâm hụt xuống còn 9,5-9,75% trong năm sau. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng biện pháp này, nếu được áp dụng, sẽ chỉ làm cho nền kinh tế Ireland thêm ốm yếu bởi nguồn tăng thu ngân sách sẽ chủ yếu đến từ việc đánh thuế người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, "chẳng chóng thì chầy", Ireland sẽ phải cầu viện tới sự giúp đỡ từ Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) với món tiền không thua kém gì Hy Lạp.

Đáng nói, tuy là khủng hoảng nợ công, tương tự trường hợp của Hy Lạp nhưng vấn đề của Ireland ở thời điểm hiện tại có nhiều điểm tương đồng so với cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ năm 2008, khi những bất ổn của thị trường nhà đất lan dần sang hệ thống ngân hàng.  Suốt 3 năm qua, người ta khó tìm thấy một ngày tươi sáng trên thị trường nhà đất tại Ireland. Bong bóng bất động sản vỡ đã khiến giá nhà đất ở Ireland sụt giảm tới 60%. Đây là yếu tố đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng đến mức báo động (32%). Hệ thống ngân hàng trị giá 1.800 tỷ USD của Ireland đứng trước nguy cơ đổ vỡ, kéo theo phản ứng dây chuyền tới mạng lưới ngân hàng của cả châu Âu. Không chỉ có vậy, tình hình ở Ireland còn khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi trái phiếu của các quốc gia khác trong Eurozone, đồng thời đẩy tỷ giá euro lao dốc.

Không dừng lại ở Ireland, bóng ma "vỡ nợ" hiện nay đã tiếp tục "sờ gáy" Bồ Đào Nha, thành viên thứ ba trong nhóm PIIGS - 5 quốc gia Nam Âu (Bồ Đào Nha, Italy, Ireland, Hy Lạp, Tây Ban Nha) có tình trạng kinh tế "mong manh" nhất châu Âu hiện nay. Với núi nợ công cao ngất (83,3% GDP), Bồ Đào Nha đang tìm cách tránh lặp lại "vết xe đổ" của Hy Lạp là cầu cứu cả EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng Thủ tướng Jose Socrates cần có sự ủng hộ của đảng Dân chủ Xã hội (PSD) đối lập đối với gói các biện pháp kinh tế khắc khổ mà ông đề xuất hồi tháng 9. Nếu đến cuối tháng 11 mà Quốc hội Bồ Đào Nha không thông qua kế hoạch trên, Thủ tướng J.Socrates có thể buộc phải từ chức.

Trong khi đó, tình trạng ở xứ sở Các vị thần cũng không khá hơn là bao dù đang chuẩn bị nhận đợt hỗ trợ thứ ba trong gói giải cứu tài chính 110 tỷ USD. Dự kiến nợ công của Hy Lạp năm 2010 sẽ cao hơn 144% GDP trong khi nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách chỉ đạt được 9,4%, thay vì mục tiêu 7,8%.

Tình trạng ở Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha đang thổi bùng lên những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ và thâm hụt ngân sách của Eurozone có thể đang bước vào giai đoạn hai đầy nguy hiểm. Đúng như Chủ tịch EU Van Rompuy cảnh báo, khối này đang phải đối mặt với "một cuộc khủng hoảng sống còn” và kêu gọi toàn bộ châu Âu bắt tay nhau để cùng tồn tại.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Quân Canada tuần tra ở quận Panjwaii, Afghanistan.

Theo AP, Chính phủ Canada ngày 16-11 đã quyết định kết thúc sứ mạng của quân chiến đấu nước này tại Afghanistan vào cuối năm 2011.

Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc trong một cuộc diễn tập.

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 16/11 thông báo Hàn Quốc sẽ tiến hành một cuộc diễn tập quân sự thường niên quy mô lớn từ ngày 22-30/11.

Dịch tả đang hoành hành tại Haiti.

Từ tối 16/11, tại một số thành phố và thị trấn của Haiti đã xuất hiện các cuộc biểu tình và bạo động nhằm vào căn cứ thuộc Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Cảnh sát tìm kiếm những xác bào thai bên trong ngôi chùa

Cảnh sát Thái Lan ngày 16-11 đã phát hiện hơn 340 thi hài thai nhi giấu trong một ngôi chùa tại thủ đô Bangkok, theo báo The Nation.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục