Quân nổi dậy Libya tái chiếm thành phố chiến lược

  • Cập nhật: Chủ nhật, 27/3/2011 | 9:07:02 AM

Được hậu thuận bởi những cuộc không kích và tấn công tên lửa liên tiếp của liên quân, quân nổi dậy Libya ngày 26/3 đã giành lại được thành phố chiến lược Ajdabiyah từ tay các lực lượng trung thành với Tổng thống Muammar Gaddafi.

Quân chính phủ Libya đã chiếm được thành phố Ajdabiyah hồi tuần trước khi họ tiến về phía đông nhằm dập tắt cuộc nổi dậy được bắt đầu từ giữa tháng 2.

 

Tuy nhiên, với sự can thiệp của phương Tây, hôm nay, quân nổi dậy đã tiến vào Ajdabiyah và đánh bật các lực lượng trung thành với ông Gaddafi ra khỏi thành phố quan trọng này.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Libya - ông Khaled Kaim đã thừa nhận thất bại của lực lượng quân chính phủ. “Các lực lượng phương Tây can thiệp quá sâu vào các cuộc giao tranh. Vì thế, quân chính phủ đã buộc phải bỏ lại thành phố Ajdabiya", ông Kaim cho biết.

 

Một phóng viên Reuters cho biết, nhiều xác xe tăng bị phá hủy nằm rải rác gần cửa phía đông của thành phố Ajdabiya và trên mặt đất là vô số những vỏ đạn pháo. Điều này chứng tỏ đã những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân nổi dậy và quân chính phủ Libya đã diễn ra tại đây.

 

Giành lại được thành phố Ajdabiyah là một động lực lớn đối với quân nổi dậy sau hai tuần họ bị thất thế trước quân chính phủ. Đây cũng là chiến thắng quan trọng của quân nổi dậy bởi Ajdabiya là thành phố chiến lược quan trọng. Ajdabiya được xem là cửa ngõ để đi vào các giếng dầu của Libya và là bàn đạp tiến tới thành trì Benghazi của quân nổi dậy.

 

Các chiến binh nổi dậy đã nhảy múa trên những chiếc xe tăng, vẫy cờ và bắn lên không trung để ăn mừng chiến thắng mới nhất của họ. Một số hô to: “Cảm ơn, Obama! Cảm ơn Cameron” - ám chỉ đến Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh.

 

Quân nổi dậy cho biết, họ đã rà soát lại toàn thành phố Ajdabiya để chắc chắn rằng không còn chiến binh hay tay súng bắn tỉa nào của chính phủ còn ở lại nơi này.

 

Việc quân nổi dậy đánh thắng quân chính phủ Libya sau nhiều ngày thúc thủ đã cho thấy chiến thắng này nhờ phần lớn vào liên quân. Nếu không có sự hậu thuẫn của phương Tây, có lẽ, quân nổi dậy Libya không thể giành được ưu thế trước quân chính phủ.

 

Theo một phát ngôn viên quân sự của Mỹ, trong vòng 24 giờ qua, liên quân đã bắn 16 tên lửa hành trình Tomahawk và thực hiện 153 cuộc không kích vào Libya.

 

Mỹ tuyên bố không triển khai bộ binh ở Libya

 

Liên quan đến tình hình Libya, Tổng thống Barack Obama ngày 26/3 khẳng định Mỹ sẽ không triển khai bất kỳ lực lượng bộ binh nào trên lãnh thổ Libya.


"Như tôi đã cam kết ngay từ đầu, vai trò của các lực lượng Mỹ tại Libya sẽ hạn chế. Chúng tôi sẽ không triển khai bất kỳ lính bộ binh nào vào lãnh thổ đất nước Bắc Phi này," ông Obama cho biết trong một bài phát biểu qua đài phát thanh.

 

Trước đó cùng ngày, Đại sứ Nga tại NATO – ông Dmitry Rogozin cũng đã phát biểu, bất kỳ chiến dịch bộ binh nào của lực lượng nước ngoài được thực hiện ở Libya đều được coi là một hành động chiếm đóng đất nước này.

 

"Việc thực hiện các chiến dịch bộ binh ở Libya sẽ được xem là hành động chiếm đóng và điều đó sẽ đi ngược lại hoàn toàn với nội dung của nghị quyết vừa được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hồi tuần trước," Đại sứ Rogozin nhấn mạnh.

 

Sau nhiều ngày tranh cãi nóng bỏng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 17/3 đã quyết định thông qua một nghị quyết cho phép áp đặt vùng cấm bay ở Libya đồng thời cho phép các nước khác “dùng tất cả những biện pháp quân sự cần thiết” để bảo vệ dân thường trước ác cuộc tấn công của quân chính phủ Libya.

 

Đúng hai ngày sau (19/3), máy bay chiến đấu Pháp cất cánh, khai màn cho chiến dịch quân sự của liên quân nhằm chống lại Libya. Chiến dịch mang tên "Bình minh Odyssey" có sự tham chiến của 13 quốc gia trong đó có những người chơi chính là Anh, Pháp và Mỹ. Qatar là nước Ả-rập đầu tiên tham gia vào chiến dịch Bình minh Odyssey và sau đó là Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất.

 

Tính đến ngày 26/3, máy bay chiến đấu của phương Tây đã thực hiện hơn 400 cuộc không kích vào Libya và bắn gần 200 tên lửa hành trình Tomahawk về phía đất nước Bắc Phi. Báo chí quốc gia Libya đưa tin, hàng chục dân thường nước này đã bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công của liên quân.

 

Mặc dù ở giai đoạn đầu Mỹ giữ quyền chỉ huy chiến dịch ở Libya nhưng ngay sau đó, nước này tuyên bố muốn nhanh chóng chuyển giao quyền chỉ huy này cho các lực lượng khác. Và NATO đã chính thức tiếp nhận quyền chỉ huy chiến dịch mang tên "Bình minh Odyssey" này. 

 

(Theo VnMedia)

Các tin khác

Vào hồi 20h30 tối ngày 26-3 các thành phố lớn trên khắp thế giới đã cùng tắt đèn trong vòng 1h đồng hồ để hưởng ứng Giờ Trái đất, tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường.

Người biểu tình đang tiếp tục xuống đường ở Yemen, gây thêm áp lực đòi ông Saleh từ chức.

Tại Yemen, đảng cầm quyền ở nước này lại loại trừ khả năng Tổng thống Abdallah Saleh từ chức. Bộ Chính trị của đảng Đại hội toàn nhân dân tối qua đã họp lại và đã quyết định là chỉ giao chính quyền cho “nhân vật do người dân chọn lựa qua bầu cử”.

Châu Âu đang lo ngại về vấn đề an toàn điện hạt nhân.

Ngày 25-3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đồng ý tiến hành stress test (kiểm tra khả năng đáp ứng với những điều kiện khắc nghiệt trong thời gian dài) đối với những nhà máy điện hạt nhân ở 27 nước thành viên, đồng thời khuyến khích, ủng hộ thế giới làm tương tự.

Ngày 25-3, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu người dân sống trong khu vực có bán kính cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima từ 20 - 30km phải sơ tán để đảm bảo an toàn. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản vẫn khuyến cáo người dân có thể ở trong nhà. Đây là lần đầu tiên chính phủ kêu gọi người dân sơ tán khỏi khu vực phóng xạ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục