Khó có Quy tắc ứng xử Biển Đông trong năm nay
- Cập nhật: Thứ bảy, 3/11/2012 | 4:07:54 PM
Bộ Ngoại giao Campuchia ngày 2/11 cho biết thỏa thuận ràng buộc pháp lý giữa các nước ASEAN và Trung Quốc để tránh xung đột trên Biển Đông sẽ chưa được thông qua trong cuộc họp của khối tháng này.
![]() |
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia Soeung Rathchavy.
|
Phát biểu sau cuộc hội thảo của các quan chức ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Quốc vụ khanh Campuchia Soeung Rathchavy cho biết sẽ là không thực tế khi cho rằng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) sẽ được thông qua trong kỳ họp sắp tới.
"Câu trả lời là không", bà Rathchavy trả lời khi được hỏi về khả năng thông qua COC trong kỳ Hội nghị thượng đỉnh của ASEAN từ ngày 15 đến 20/11 tới. "Hiện COC vẫn chưa hoàn tất dự thảo, vẫn đang trong quá trình thảo luận. Đặc điểm của COC rất phức tạp", Cambodia Daily dẫn lời bà Rathchavy nói.
Tuy nhiên, bà Rathchavy cho hay tất cả các bên đã cam kết thúc đẩy hòa bình trong khu vực, coi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký kết năm 2002 làm cơ sở, nhưng không phải là ràng buộc pháp lý, để thực hiện cam kết trên.
Kỳ vọng cho việc thông qua COC trong năm mà Campuchia giữ chức chủ tịch ASEAN xuất hiện từ đầu năm, vì nước này từng thúc đẩy thành công việc thông qua DOC 10 năm trước cũng trên vai trò chủ tịch. Tuy nhiên, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN họp hồi tháng 7 tại Phnom Penh lần đầu tiên trong 45 năm lịch sử của khối kết thúc mà không có tuyên bố chung làm nhiều nước nghi ngờ Campuchia chịu ảnh hưởng của Trung Quốc trong sự trì hoãn COC. Campuchia phủ nhận những nghi ngờ này.
Cuộc họp của các quan chức ASEAN và Trung Quốc tại Pattaya, Thái Lan hồi đầu tuần cũng bắt đầu bàn thảo về COC. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp, các bên liên quan không có nhiều hy vọng thông qua COC trong năm nay, ngoại trừ sự nhất trí của ASEAN về chủ trương.
Phó Tổng thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Nopadol Gunavibool, điều phối viên giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng không đặt nhiều kỳ vọng vào việc thông qua COC trong kỳ họp tại Phnom Penh tháng sau.
"Rất nhiều người mong muốn chúng tôi sẽ đặt một khung thời gian cố định cho việc thông qua COC. Nhưng tôi nghĩ rằng đây là cả một quá trình xây dựng lòng tin và sự tin cậy. Tôi cho rằng chúng ta không nên thúc ép thông qua COC vào một thời điểm cụ thể", ông Nopadol nói.
Ông cũng nói rằng cuộc thảo luận tập trung hơn trong tháng này sẽ là điều mấu chốt để tránh sự cố như hồi tháng 7. "Chúng ta đã có được bài học sau kỳ họp trước và lần này chúng ta phải rút kinh nghiệm. Thông qua việc trao đổi chi tiết và nhiều thời gian hơn, chúng ta sẽ tránh được sự thiếu đồng thuận", ông Nopadol cho hay.
Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong cũng phát biểu trong cuộc họp hôm qua rằng tất cả các bên nên tiếp tục hợp tác với nhau về COC. "ASEAN và Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ với nhau để từng bước thảo luận, tiến tới chính thức thông qua COC", ông Hor phát biểu.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc thông qua COC, thậm chí việc tuân thủ DOC, cũng cần phải có "thiện chí". "Trong khi các nước ASEAN muốn Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán thì Trung Quốc dường như muốn duy trì tình trạng hiện tại. Tuy nhiên, cả hai bên rất cần nhau, Trung Quốc cần ASEAN và ngược lại", Pavin Chachavalpongpun, giáo sư trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto, Nhật, nói.
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc hôm qua tuyên bố đã đóng xong một tàu Ngư chính và một tàu Hải giám dành riêng cho cái gọi là "thành phố Tam Sa" sau hơn ba tháng thành lập "thành phố" này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã phê duyệt hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) kinh phí cho các công trình sân bay, bến cảng, nhà ở, đường xá, cục cấp điện, trạm xử lý rác... trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Những hành động kể trên là sự xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
(Theo VnExpress)
Các tin khác

Các tay súng đối lập đã sát hại hàng chục binh sỹ chính phủ Syria khi những người này không có vũ khí trong tay.
Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết vào rạng sáng ngày 3-11, một trận động đất mạnh 6,1 độ Richter đã làm rung chuyển đảo Mindanao, phía Nam Philippines.

Người Nhật và Trung Quốc có thể mâu thuẫn kịch liệt vì đảo tranh chấp và nhiều thứ khác, nhưng họ có một điểm chung: cùng muốn đương kim tổng thống Mỹ Obama thắng cử.

Đêm hôm 30/10, một màn bắn súng ăn mừng tại một đám cưới ở miền đông Ả-Rập Xê-út đã cướp đi sinh mạng của 23 người, một quan chức địa phương cho hay.