Bài 1: Luân chuyển củng cố cơ sở Đảng
- Cập nhật: Thứ hai, 19/6/2017 | 6:50:23 AM
YBĐT - Mở đầu quyết tâm khắc phục yếu kém, tồn tại trong công tác cán bộ, tại một số địa phương "điểm nóng", Huyện ủy Văn Chấn đã luân chuyển một số đồng chí cán bộ huyện về đảm nhận chức Bí thư Đảng ủy xã, phó bí thư Đảng ủy xã sang chủ tịch UBND.
Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn Hà Biên Cương (thứ hai bên trái) cùng lãnh đạo xã thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình.
|
Để củng cố hệ thống chính trị cũng như rèn luyện cán bộ, thực hiện Nghị quyết số 11 - NQ/TW, ngày 25/1/2002 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ quản lý, từ năm 2010 đến nay, cùng cán bộ luân chuyển từ tỉnh về địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Chấn luôn quan tâm đến công tác luân chuyển cán bộ.
Có thể khẳng định, từ công tác này, đã củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tạo chuyển biến rõ nét về phương thức, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng từng bước được nâng cao, chính quyền hoạt động hiệu quả. Qua luân chuyển đã khắc phục dần tình trạng khép kín, hụt hẫng, bị động, chuẩn bị được nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài.
Để tìm hiểu về hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, chúng tôi về Phúc Sơn - một xã vùng khó khăn nằm cách trung tâm huyện lỵ Văn Chấn 18 km.
Chỉ vài năm mà bộ mặt nông thôn xã Phúc Sơn đã có sự thay đổi lớn. Đường giao thông được cứng hóa, trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã và nhiều nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang, cuộc sống no ấm hiển hiện trong từng mái nhà.
Nhìn những đổi thay hôm nay, ít ai biết chỉ dăm năm trước, do năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ địa phương còn nhiều hạn chế, dẫn đến cơ cấu tổ chức, phân công công tác, sắp xếp nhân sự trong bộ máy chính quyền địa phương chưa phù hợp.
Trong đó, một số trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể của xã trình độ thấp, một số khác đảm nhiệm vị trí công tác quá lâu năm, dẫn đến hiệu quả công tác kém, nhiều bộ phận trì trệ. Cán bộ yếu dẫn đến việc chấp hành quy chế làm việc, kỷ luật lao động, nhất là chấp hành thời gian, giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức chưa nghiêm túc; việc chấp hành nguyên tắc tổ chức, hoạt động, sinh hoạt ở cơ sở bị buông lỏng.
Nhiều cán bộ, công chức là anh em, họ hàng nên dẫn đến nể nang, khi thực hiện nhiệm vụ chưa hoàn thành cũng ít được phê bình, nhắc nhở. Năng lực lãnh đạo của cả hệ thống hạn chế, dẫn đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng bị phai mờ, kinh tế - xã hội của xã chậm phát triển, thậm chí trong quản lý có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc.
Trước thực trạng đó, Huyện ủy Văn Chấn đã quyết tâm chấn chỉnh để đưa Phúc Sơn thoát khỏi khó khăn, mà một trong những giải pháp đưa ra là công tác cán bộ.
Dấu ấn đầu tiên đó là ngày 29/6/2009, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Chấn quyết định luân chuyển đồng chí Hà Đình Thực - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đảm nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy xã. Đến giữa năm 2010, luân chuyên đồng chí Phùng Văn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Nham, thay đồng chí Hà Đình Thực đảm nhận công tác mới. Đến tháng 7 năm 2015, tiếp tục luân chuyển đồng chí Hà Biên Cương - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy giữ chức Bí thư Đảng ủy xã.
Cán bộ được luân chuyển thực sự như “luồng gió mới” tạo cho Phúc Sơn sự chuyển biến. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn - đồng chí Hà Đức Bẩy cho biết, ngay sau khi nhận nhiệm vụ, các đồng chí cán bộ luân chuyển đã tổ chức củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại cán bộ các ban, ngành, đoàn thể. Cụ thể là, việc giải quyết các trường hợp đến tuổi về nghỉ chế độ, đồng thời rà soát, bổ nhiệm, sắp xếp lại các vị trí công tác phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn của từng người, thay thế những cán bộ không đủ năng lực.
Đặc biệt, trên cương vị đứng đầu, đã quan tâm đào tạo cán bộ nguồn qua việc tạo điều kiện cho nhiều cán bộ trẻ đi đào tạo, đồng thời chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Từ khắc phục vi phạm nội quy làm việc như đi muộn về sớm, nghiêm túc trong công tác tiếp dân, không uống rượu trong giờ hành chính.
Từ năm 2010 đến nay, đã có 16 cán bộ quản lý của huyện Văn Chấn được luân chuyển xuống xã, trong đó luân chuyển từ huyện về xã 14 đồng chí, từ xã sang xã 2 đồng chí. |
Những việc làm của cán bộ luân chuyển đã góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ, mọi chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội xã đều hoàn thành, bộ mặt của xã nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn và đời sống người dân đã có sự thay đổi mạnh mẽ.
Rời Phúc Sơn, chúng tôi đến Phù Nham - một xã vùng cánh đồng Mường Lò. Bộ mặt nông thôn mới ở Phù Nham hiển hiện trong từng khu dân cư, từng khu sản xuất với đường bê tông hóa, lúa ngô xanh tốt, nhà cửa khang trang… Cũng giống như xã Phúc Sơn, những năm gần đây tình hình Phù Nham có vấn đề nổi cộm, nội bộ cấp ủy, chính quyền không có sự thống nhất cao, có biểu hiện mất đoàn kết, nguyên nhân được xác định một phần do phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ xã, từ đó làm giảm sút uy tín của lãnh đạo xã, nhất là cán bộ chủ chốt.
Điều này, đã dẫn đến tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức không cao, gây bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt, khi Quỹ Tín dụng nhân dân và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn xã có những vấn đề vi phạm về nguyên tắc tài chính đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của cán bộ, đảng viên. Trước tình hình đó, cuối năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Duy Hiển về làm Bí thư Đảng ủy xã.
Sau khi về địa phương, nắm chắc tình hình cơ sở, đồng chí Bí thư Đảng ủy đã cùng tập thể lãnh đạo xây dựng quy chế làm việc, triển khai củng cố, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, triển khai nghiêm quy định của Điều lệ Đảng về công tác cán bộ.
Đặc biệt là việc chấn chỉnh lề lối làm việc và tiến hành xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có vi phạm khi (khai trừ khỏi Đảng 1, khiển trách 2, cảnh cáo 2), đồng thời tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân... Từ những việc làm quyết liệt, nhưng đảm bảo tính nguyên tắc đã giải tỏa được tâm lý của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Phó Bí thư Đảng ủy xã - Quách Xuân Thưởng phấn khởi cho biết: “Được sự quan tâm của Huyện ủy luân chuyển cán bộ về tăng cường giúp xã, nội bộ lãnh đạo xã đã đoàn kết, thống nhất trong chỉ đạo điều hành. Đảng bộ đã đề ra nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã như: thâm canh tăng vụ, cải tạo vườn tạp, xây dựng cơ sở hạ tầng... Những chương trình này đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Phù Nham từ đó đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016”.
Cán bộ luôn là “gốc” của công việc; cán bộ nào phong trào đó. Như Phù Nham và Phúc Sơn, vài năm trước đây Đảng bộ Bình Thuận cũng có nhiều vấn đề nổi cộm. Nguyên nhân do là một xã vùng xa, có diện tích tự nhiên tương đối rộng, địa hình lại phức tạp, kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tuy được đầu tư nhưng còn thiếu, chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức của một bộ phận nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có mặt còn hạn chế và một nguyên nhân chính do đội ngũ cán bộ ở cơ sở năng lực lãnh đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ còn yếu đã dẫn đến vai trò lãnh đạo của hệ thống chính trị bị phai mờ.
Không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà từ đó còn nảy sinh nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc. Kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Đảng bộ xã có nhiều hạn chế, khuyết điểm, trong đó có 12 việc liên quan đến đất đai, tài chính, cán bộ... cần khắc phục.
Trước những vấn đề trên, năm 2013, đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh Lại Văn Đông được Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Chấn luân chuyển sang giữ cương vị Chủ tịch UBND xã Bình Thuận và tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã được cán bộ, đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã.
Với kinh nghiệm của người nhiều năm hoạt động tại cơ sở, với trách nhiệm được giao phó, đồng chí Lại Văn Đông đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng ủy xã Bình Thuận khắc phục những tồn tại khuyết điểm, cụ thể là việc chấn chỉnh lề lối tác phong làm việc của cán bộ, công chức, đề ra các giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng bộ cũng như của cả hệ thống chính trị.
Với những việc làm thiết thực đó, từ một Đảng bộ yếu kém, đến nay Đảng bộ Bình Thuận đã trở thành đảng bộ trong sạch vững mạnh, bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều đổi thay.
Đình Tứ
Bài 2: Cán bộ trưởng thành từ luân chuyển
Các tin khác
Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).
YBĐT - Chăm lo giúp đỡ đồng chí, đồng đội, người có công với cách mạng là một trong những nội dung được Đảng ủy Quân sự huyện Văn Chấn chọn là việc làm theo Bác của các chiến sĩ trong đơn vị.
Nắm bắt nhu cầu mở rộng hoạt động truyền thông, tháng 6/2002, Thành ủy Yên Bái đã quyết định xuất bản Bản tin thành phố Yên Bái. Cho đến nay, Bản tin đã có bước phát triển đáng ghi nhận, xuất bản định kỳ hàng tháng với nhiều tin, bài, ảnh và chuyên mục chất lượng.
YBĐT - Đảng bộ Khối các cơ quan (KCCQ) tỉnh có 57 tổ chức cơ sở Đảng, 210 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, ủy viên cấp ủy cơ sở có 375 đồng chí với gần 3.000 đảng viên.