Đảng bộ xã Nậm Lành có 226 đảng viên, sinh hoạt tại 10 chi bộ, trong đó có 5 chi bộ thôn, 3 chi bộ trường học và 1 chi bộ công an, 1 chi bộ quân sự.
Đồng chí Triệu Tòn Pết - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trong quá trình lãnh đạo thực hiện xây dựng NTM, khó khăn nhất ở Nậm Lành đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân chưa cao, có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc huy động sự đóng góp của người dân để xây dựng NTM còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện của một số cán bộ, công chức, cấp ủy chi bộ trong tổ chức thực hiện chưa thực sự quyết liệt, vai trò trách nhiệm của các ngành trong phối hợp thực hiện chương trình chưa cao, chưa cụ thể”.
Theo lãnh đạo xã Nậm Lành, trên địa bàn xã 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, ý thức của nhân dân còn hạn chế trong vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý chất thải sinh hoạt, chăn nuôi... Các thôn chưa chủ động lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân còn khó khăn, lúng túng. Một số hộ dân không hợp tác, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nhất là việc chỉnh trang khuôn viên hộ gia đình, che chắn chuồng trại, xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm.
Nâm Lành là xã đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm thấp, tập quán sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ, thủ công, liên kết sản xuất còn hạn chế, tính bền vững không cao; giá cả thị trường diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư sản xuất cũng như thu nhập của người dân.
Đứng trước khó khăn đó, Đảng bộ xã Nậm Lành xác định trước hết cần thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chương trình xây dựng NTM. Xã đã triển khai nhiều giải pháp như: phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền vận động nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất... ; giao các tổ chức đoàn thể giúp đỡ các hộ hội viên khó khăn tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Với sự nỗ lực của chính quyền và người dân cùng phương châm "Việc dễ làm trước, việc khó làm sau”, xã đã đạt 16/19 tiêu chí NTM sau 10 năm. Tuy nhiên, để cán đích NTM trong năm 2024, địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua.
"Nút thắt” lớn nhất đối với xã vùng cao này là thực hiện các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo. Đơn cử như tại thôn Tà Lành - thôn người Mông duy nhất và cũng là thôn khó khăn nhất, Đảng bộ xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình chăn nuôi đại gia súc, trong đó chăn nuôi dê là thế mạnh, phù hợp với điều kiện núi đá.
Hiện nay, thôn Tà Lành có 2 mô hình chăn nuôi dê trên núi đá với trên 50 con. Thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, hàng năm, xã Nậm Lành đã rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Trên cơ sở đó, xã xác định nguyên nhân nghèo và nhu cầu cần hỗ trợ thoát nghèo.
Theo kế hoạch, năm 2024, xã Nậm Lành phấn đấu 17 hộ thoát nghèo. Để hoàn thành chỉ tiêu này, xã đã triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Đảng bộ xã xác định phát triển trồng rừng và các sản phẩm lâm sản là thế mạnh, trong đó cây quế và cây măng sặt là những loại cây chủ lực. Vụ măng sặt 2024 đang bước vào cuối vụ, với trên 200 ha, người dân ước tính thu về trên 5 tỷ đồng. Cùng với 1.500 ha quế đang kỳ khai thác, xã Nậm Lành quyết tâm nâng cao thu nhập của người dân từ 39 triệu đồng năm 2023 lên 42 triệu đồng năm 2024 đạt tiêu chí về thu nhập.
Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở Nậm Lành còn 9,34%, kết cấu hạ tầng được đầu tư tương đối hoàn thiện, trên 80% các trục đường đã được bê tông hóa; văn hóa - xã hội không ngừng phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Đây là cơ sở quan trọng để Nậm Lành về đích NTM trong năm nay.
Anh Dũng