Tà Lành là thôn được hình thành sau khi sáp nhập 2 thôn Tà Lành (100% người Dao sinh sống) và Ngọn Lành (100% là người Mông sinh sống). Cũng bởi đó mà Tà Lành của hiện tại mang hai sắc màu văn hóa riêng biệt, hai cuộc sống cũng có nhiều đối lập. Trong khi cộng đồng người Dao nằm kề dưới chân núi đã có điện lưới quốc gia từ năm 2008, đường bê tông uốn lượn khắp bản làng thì cộng đồng người Mông do vị trí địa lý phức tạp đến năm nay mới có điện, có đường bê tông.
Hiện, người Mông ở Ngọn Lành (tên cũ) có 44 hộ, trong đó có 13 hộ nghèo. Năm 2022, xã triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước kéo đường điện lên Ngọn Lành, nhân dân vô cùng phấn khởi. Nhà nhà hiến đất đồi, ruộng để nhanh chóng giải phóng mặt bằng, để công trình điện lưới quốc gia được thi công.
Có điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay rất nhiều. Không còn phải dùng đèn, tua bin nước hay điện năng lượng mặt trời, nhiều hộ dân trong thôn đã mua sắm ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất...
Anh Mùa A Lềnh ở Ngọn Lành bộc bạch: "Trước đây, không có điện, việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn lắm. Việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt cũng bị hạn chế; những vật dụng như: tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy giặt... còn xa lạ với gia đình mình và nhiều hộ dân trong thôn lắm. Không phải người dân không có điều kiện mua mà do không có điện lưới thì không dùng được các thiết bị đó. Nay có điện, gia đình mình đã mua ti vi. Mình biết và học được nhiều điều hay trong cuộc sống cùng những cách làm hay, cách áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, nắm được các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước qua ti vi nữa”.
Niềm vui ấy nay lại tiếp tục được nhân đôi khi con đường bê tông lên Ngọn Lành đang được bê tông hóa. Bao năm nay, tuyến đường dốc này vẫn đầy hiểm trở, gồ ghề đất đá, mùa mưa trơn trượt, rất khó đi. Những hòn đá to nhỏ lổn nhổn nằm "hiên ngang” giữa đường như thách thức; ngay cả những tay lái cứng của bản cũng phải vã mồ hôi, căng mình bẻ lái mỗi khi đi qua.
Chủ tịch UBND xã Nậm Lành - Triệu Tòn Pết tâm sự: "Năm ngoái, do đường trơn và lầy lội, nhân dân đi lại quá khó khăn, xã đã sử dụng nguồn chi khác của xã để đầu tư 40 triệu đồng san gạt, mở rộng toàn tuyến này, trung bình mặt đường được mở rộng lên tới 5 mét nên lần này bê tông hóa, người dân không cần giải phóng mặt bằng, nền cũng đã có sẵn, chỉ cần đổ bê tông”.
Bí thư Chi bộ Triệu Văn Chu và Trưởng thôn Phùng Sinh Lý ở bản người Dao phía dưới nhưng vẫn ngày ngày đến kiểm tra, giám sát thi công tuyến đường đang bê tông. Bí thư Chi bộ Chu nói: "Do địa hình thi công rất phức tạp chủ yếu phải dùng đến máy móc nên không cần huy động ngày công của nhân dân nhiều. Nhà nước cho vật liệu rồi, còn lại thôn sẽ thuê máy móc để thi công, kinh phí cũng phải đến hơn trăm triệu đồng. Ở đây, dân cư thưa thớt, đời sống bà con còn nghèo, nên toàn thôn nhất trí trích nguồn thu từ quỹ chung ra để làm đường, bà con không phải đóng góp”.
Quỹ chung mà Bí thư Chi bộ Chu nhắc tới là nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. Được biết, cả thôn Tà Lành được giao bảo vệ 1.270 ha rừng, chiếm khoảng 44% diện tích toàn xã. Mỗi năm, thôn thu được mấy trăm triệu đồng từ nguồn này được dùng để chi cho các công trình và hoạt động chung của nhân dân trong thôn. Nhờ vậy, năm 2022, toàn thôn đã mở rộng 600 mét đường nội thôn và 500 mét đường lên Ngọn Lành. Năm 2019 thì xây dựng được nhà văn hóa rộng 220m2. Toàn bộ đều từ nguồn thu chung này.
Trưởng thôn Lý cũng tiếp lời: "Cả tuyến đường lên Ngọn Lành dài hơn 3 km thì nay đã và đang bê tông hóa được 1,8 km, trong đó có 1 km huyện đầu tư toàn bộ 100%. Mấy hôm nữa, đoạn đường do huyện làm chủ đầu tư hoàn thành xong, chúng tôi sẽ triển khai ngay làm bê tông đoạn còn lại. 1,3 km còn lại này được thực hiện theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 60% và nhân dân đóng góp 40%, hiện đã có kế hoạch hỗ trợ vật liệu giao cho thôn thi công, phấn đấu hoàn thành trước 30/9”.
Chị Mùa Thị Lai vui mừng: "Phấn khởi lắm. Đầu năm thì điện về thắp sáng cả bản làng, cuối năm thì có đường bê tông, thuận tiện để đi lại, vận chuyển hàng hóa. Chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm. Rồi một hai năm nữa thôi, tất cả chúng tôi sẽ thoát nghèo”.
Kéo điện, mở đường lên Ngọn Lành không chỉ là mong mỏi của người dân mà còn giúp xã Nậm Lành đạt tiêu chí điện trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 5/5 thôn, 99,2% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Còn về tiêu chí giao thông, xã hiện có 100% đường trục thôn được bê tông hóa, mặt đường 3m, nền đường 4m; 86,8% đường ngõ xóm được bê tông. 1,9 km đường ngõ xóm còn lại sẽ hoàn thành việc đổ bê tông trong năm nay. Nhờ đó, hết tháng 6/2023, Nậm Lành đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; dự kiến đến cuối năm xã sẽ đạt từ 16 - 17 tiêu chí, phấn đấu về đích vào năm 2024.
Đồng bào Mông ở Tà Lành đang vui lắm. Họ bảo nhau biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ; chỉ có Đảng, Nhà nước luôn quan tâm giúp họ thắp lên niềm tin, khát vọng vươn lên. Tết Độc lập năm nay ở Tà Lành chắc chắn sẽ là một cái tết to…
Hoài Anh