Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, phai nhạt lý tưởng, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”, vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật... gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và đảng viên, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ...
Đảng ta luôn coi trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát (KTGS), thi hành kỷ luật (THKL) trong Đảng. Những kết quả trong KTGS, THKL và công cuộc phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao uy tín, vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Mặc dù vậy, không phải ở đâu, lúc nào, công tác KTGS cũng được hiểu và thực hiện một cách đầy đủ nghiêm túc.
Đồng chí Nông Như Ngà - Trưởng phòng Nghiệp vụ I - Ủy ban kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: "Qua công tác KTGS cho thấy, tại một số tổ chức cơ sở đảng, nhất là chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở còn tình trạng lẫn lộn giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát; dẫn đến việc KTGS của tổ chức Đảng bị xem nhẹ hoặc không phát huy được tác dụng. Đây thực sự là một thiếu sót cần được khắc phục ngay trong thời gian tới”.
Trích dẫn các văn bản, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Nông Như Ngà nêu rõ: Công tác kiểm tra và công tác giám sát là hai công tác độc lập, có nhiều điểm tương đồng. Do vậy, cần phân biệt rõ nội dung, phương pháp của công tác kiểm tra và công tác giám sát để thực hiện có chất lượng, hiệu quả, góp phần thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng là một yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Giám sát của Đảng là việc các tổ chức đảng theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động nhằm kịp thời tác động để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng.
Như vậy, công tác kiểm tra và công tác giám sát có những điểm giống và khác nhau đó là, đều là hoạt động của nội bộ Đảng do cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp thực hiện và đều nhằm mục đích nắm vững, đánh giá đúng thực chất tình hình; từ đó, để phòng ngừa, ngăn chặn, điều chỉnh, uốn nắn mọi hành vi của tổ chức, cá nhân; đối tượng KTGS đều là tổ chức đảng và đảng viên. Sự khác nhau ở đây là, giám sát là việc làm thường xuyên, liên tục để chủ động phòng ngừa xảy ra vi phạm từ lúc manh nha và sau giám sát có thông báo kết quả giám sát. Kiểm tra là để làm rõ đúng sai, sau kiểm tra phải có kết luận và xử lý (nếu có).
Giám sát là hoạt động thường xuyên không cần tổ chức thành cuộc, không xem xét THKL như một cuộc kiểm tra, mà thông qua giám sát, theo dõi để phát hiện vấn đề, phản ảnh để đối tượng được giám sát kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa khuyết điểm, tránh xảy ra vi phạm. Kiểm tra là tiến hành theo quy trình, lập thành tổ hoặc đoàn, coi trọng phần thẩm tra xác minh; có đánh giá, nhận xét, kết luận và xử lý kỷ luật (nếu vi phạm đến mức cần xử lý). Về phương pháp, kiểm tra, có tự kiểm tra và giám sát thì không có tự giám sát; kiểm tra và giám sát đều dựa trên phương pháp công tác đảng, không áp dụng các phương pháp của cơ quan bảo vệ pháp luật trong hoạt động của Đảng...
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, những năm qua, công tác KTGS đã được cấp ủy các cấp của Đảng bộ tỉnh Yên Bái thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả cao. Tính riêng trong năm 2023, cấp ủy và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc cấp ủy các cấp đã giám sát 249 tổ chức đảng, 2.081 đảng viên; trong đó, có 1.306 cấp ủy viên (giảm 84 tổ chức đảng, tăng 870 đảng viên so với năm 2022).
Trong đó, Tỉnh ủy giám sát 5 tổ chức đảng và 37 đảng viên (36 cấp ủy viên); các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy giám sát 6 tổ chức đảng, 37 đảng viên (34 cấp ủy viên); cấp ủy huyện và tương đương giám sát 39 tổ chức đảng và 275 đảng viên (262 là cấp ủy viên); các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy cấp huyện và tương đương giám sát 2 tổ chức đảng (27 đảng viên là cấp ủy viên); đảng ủy cơ sở giám sát 197 tổ chức đảng và 489 đảng viên (có 477 cấp ủy viên); chi bộ giám sát 1.216 đảng viên (470 cấp ủy viên).
Cấp ủy, các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy các cấp đã kiểm tra 525 tổ chức đảng và 4.307 đảng viên; trong đó, có 1.836 cấp ủy viên (tăng 53 tổ chức đảng, tăng 1.509 đảng viên, 306 cấp ủy viên) so với năm 2022). Trong đó, Tỉnh ủy kiểm tra 4 tổ chức đảng và 44 đảng viên là cấp ủy viên; các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy kiểm tra 2 tổ chức đảng; cấp ủy huyện và tương đương kiểm tra 52 tổ chức đảng và 482 đảng viên (472 là cấp ủy viên); các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy huyện và tương đương kiểm tra 35 tổ chức đảng và 97 đảng viên là cấp ủy viên; đảng ủy cơ sở kiểm tra 432 tổ chức đảng và 926 đảng viên (888 là cấp ủy viên); chi bộ kiểm tra 2.758 đảng viên (965 cấp ủy viên).
Nội dung kiểm tra gồm: kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác tổ chức xây dựng Đảng; việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết, là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp…
Qua kiểm tra, kết luận 521 tổ chức đảng thực hiện cơ bản tốt, 4 tổ chức đảng thực hiện chưa tốt (3 tổ chức đảng có vi phạm nhưng chưa đến mức phải THKL hoặc đã THKL); 4.263 đảng viên thực hiện cơ bản tốt các nội dung được kiểm tra; 44 đảng viên thực hiện chưa tốt (39 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức phải THKL).
Việc KTGS diễn ra thường xuyên và liên tục. Thông qua KTGS, tổ chức đảng và đảng viên thấy được cả những mặt tích cực và hạn chế, yếu kém; từ đó, có các chương trình, kế hoạch, biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm, hạn chế của mình. Đáng mừng là đại bộ phận cán bộ, đảng viên đều cho rằng, giờ đây cơ sở đảng không những không "sợ” bị KTGS mà thấy mình "được” KTGS.
Lê Phiên