Ngày 20/12/2021, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Quy định số 48 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước là hạt nhân chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, phát triển doanh nghiệp, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, góp phần để doanh nghiệp Nhà nước giữ vững vị trí then chốt trong nền kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh (ĐUK), các chi, đảng bộ doanh nghiệp trong tỉnh luôn đoàn kết giữa cán bộ, đảng viên, người lao động (CBĐVNLĐ), gắn bó với các đơn vị thành viên, chính quyền và nhân dân địa phương và coi đó là nội dung trọng tâm trong hoạt động của tổ chức đảng và lãnh đạo doanh nghiệp.
Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, cấp ủy và hội đồng quản trị luôn nỗ lực tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong việc nâng cao năng lực thực hiện công việc cho CBĐVNLĐ, tạo điều kiện để mọi người tự giác học tập, bồi dưỡng kiến thức thông qua các lớp tập huấn. Qua đó, tạo dựng được môi trường thi đua làm việc và tinh thần phấn đấu, cống hiến cho doanh nghiệp của toàn thể CBĐVNLĐ.
Thực tế cho thấy, đội ngũ đảng viên ở các doanh nghiệp Nhà nước đều cơ bản giữ vị trí quan trọng ở các phòng, ban và lãnh đạo doanh nghiệp, luôn phát huy cao vai trò và ý thức trách nhiệm nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, trong bối cảnh các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị không ngừng bịa đặt, xuyên tạc chống phá Đảng trên không gian mạng, cấp ủy, đảng viên thuộc các chi, đảng bộ doanh nghiệp Nhà nước luôn quán triệt sâu sắc, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, không tham gia phát tán, truyền bá tin tức không chính xác, thiếu kiểm chứng.
Các chi bộ không ngừng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, chú trọng tuyên truyền những điểm mới trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để CBĐVNLĐ yên tâm công tác, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tập trung lao động và nghiên cứu sáng tạo, giúp doanh nghiệp phát triển vươn lên.
Để làm tốt công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước, cấp ủy các chi, đảng bộ doanh nghiệp Nhà nước luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến đóng góp xây dựng của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên và các phòng, ban nghiệp vụ trong đơn vị; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ, nâng cao tinh thần đồng thuận giữa người đứng đầu với cấp ủy và các phòng, ban chuyên môn trong quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chiến lược đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
Cùng với việc nâng cao thẩm quyền, trách nhiệm của bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc doanh nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước đang chú trọng xây dựng những quy định gắn với trách nhiệm người đứng đầu trước doanh nghiệp, đoàn thể, người lao động. Qua đó, phát huy hiệu quả vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy doanh nghiệp cả về năng lực lãnh đạo, phẩm chất đạo đức, ý thức pháp luật.
Để tổ chức Đảng trong doanh nghiệp phát triển tương xứng và hiệu quả, đảng bộ các doanh nghiệp Nhà nước cần chú trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên, lấy ý thức trách nhiệm với tập thể, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao và có uy tín trong quần chúng làm tiêu chuẩn và thước đo hàng đầu trong kết nạp đảng viên.
Cụ thể, các Kết luận số 21 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, "Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa"; Nghị quyết số 21 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII "Về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”; Chỉ thị số 28 của Ban Bí thư, "Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”... cần được quán triệt sâu sắc, triển khai mạnh mẽ, sáng tạo để đạt được những kết quả cao trong phát triển đảng viên ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điện lực Yên Bái luôn chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của đất nước càng đòi hỏi nhiều hơn sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng. Vì vậy, các đảng bộ doanh nghiệp Nhà nước cần xây dựng quy chế phối hợp, tạo mối quan hệ gắn bó, hài hòa giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, giám đốc doanh nghiệp; tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa cấp ủy với hội đồng quản trị, bí thư cấp ủy với chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc; bảo đảm vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, chức năng quản lý của hội đồng quản trị, sự điều hành của ban giám đốc.
Cấp ủy chủ động trao đổi với hội đồng quản trị, ban giám đốc doanh nghiệp về việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của tổ chức đảng; ý kiến của CBĐVNLĐ về việc thực hiện nhiệm vụ và chính sách, chế độ trong doanh nghiệp. Hội đồng quản trị, ban giám đốc trao đổi với cấp ủy về hoạt động của doanh nghiệp để cấp ủy thảo luận, ra nghị quyết lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng thực hiện.
Theo đó, bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước tổ chức Đảng và cấp ủy cấp trên về hoạt động của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp Nhà nước có vai trò phát huy sức sáng tạo trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước với tinh thần phục vụ lợi ích của xã hội, của người dân, góp phần phát triển quê hương, đất nước.
Trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp Nhà nước luôn động viên, cổ vũ CBĐVNLĐ tích cực tìm kiếm và nắm bắt cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Các tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa vai trò hạt nhân chính trị trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các đoàn thể chính trị chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động để chất lượng hoạt động, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên.
Bên cạnh đó, ĐUK luôn chú trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp; tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo ra các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất giỏi gắn với phát triển văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh nhằm xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Các đảng bộ, chi bộ tiếp tục khẳng định và giữ vững vai trò hạt nhân, lãnh đạo toàn diện trong các hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.
Để trở thành chủ thể cạnh tranh chủ yếu và mạnh mẽ trên thị trường, các doanh nghiệp Nhà nước cần phải cải tiến cơ cấu bộ máy tổ chức quản trị doanh nghiệp và cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống lãnh đạo doanh nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả. Trong đó, tổ chức đảng của doanh nghiệp Nhà nước phải đóng vai trò nòng cốt về chính trị.
Muốn vậy, cần phát huy hơn nữa vai trò gương mẫu đi đầu và lãnh đạo đổi mới, phát triển của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và tổ chức đơn vị trong doanh nghiệp Nhà nước trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chính trị, tư tưởng một cách khoa học, hệ thống, đầy đủ, đặc biệt là các nội dung liên quan đến công tác chính trị, tư tưởng trong hệ thống quản trị doanh nghiệp. Qua đó, đề cao các chuẩn mực chính trị trong tuyển chọn, sử dụng cán bộ, lãnh đạo và công nhân viên.
Đồng thời, nâng cao vai trò cốt lõi về chính trị của các tổ chức đảng cơ sở trong doanh nghiệp Nhà nước và phát huy, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.
Thanh Hương