Đảng bộ lãnh đạo nhân dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc
- Cập nhật: Thứ ba, 28/6/2011 | 9:24:16 AM
YBĐT - Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Yên Bái đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách, đó là nạn đói, nạn dốt, thiên tai và giặc ngoại xâm đe dọa.
Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Đảng bộ, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, Yên Bái đã từng bước diệt “giặc đói”, “giặc dốt”, xây dựng, bảo vệ hệ thống chính quyền các cấp, củng cố lực lượng vũ trang từ tỉnh xuống cơ sở, cô lập bọn phản động Việt quốc, tiễu trừ quân Tưởng ra khỏi biên giới Tổ quốc, tổ chức tốt “Tuần lễ vàng” cùng cả nước chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân tộc.
Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã tích cực xây dựng hậu phương vững mạnh, tổ chức tiêu thổ kháng chiến, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1947, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, thôn tính tỉnh Yên BáI tới 2/3 diện tích. Với vị trí quân sự quan trọng, thực dân Pháp xây dựng một hệ thống đồn bốt dày đặc trên địa bàn tỉnh. Chúng liên tục mở các cuộc càn quét lớn. Song, quân và dân Yên Bái vẫn kiên trì bám trụ, thực hiện đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh” kết hợp “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” của Đảng và Bác Hồ, bám đất, bám dân, huy động sức người, sức của và phối hợp với bộ đội chủ lực mở nhiều chiến dịch như: Sông Thao (1949), Lê Hồng Phong (1950), Lý Thường Kiệt (1951) loại khỏi vòng chiến đấu hàng vạn tên địch, từng bước mở rộng vùng giải phóng. Đặc biệt trong chiến dịch Tây Bắc (1952), cùng với bộ đội chủ lực, quân dân trong tỉnh đã đập tan hoàn toàn phân khu Nghĩa Lộ, mở thông cánh cửa sang phân khu sông Đà, giải phóng hoàn toàn tỉnh Yên Bái...
Ngay sau khi Yên Bái được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tiếp tục dồn sức thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao phó là mở con đường huyết mạch nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc từ Hiên (Tuyên Quang) đến ngã ba Cò Nòi gặp đường 41 (Sơn La) Cuối năm 1953, đầu năm 1954, Đảng bộ đã huy động gần 5 vạn lượt người, góp 3,6 triệu ngày công, cung cấp hơn 2.000 tấn lương thực, thực phẩm cho chiến dịch Điện Biên Phủ, bảo đảm tuyến đường từ Yên Bái sang Sơn La thông suốt, trong đó có nhiều trọng điểm máy bay đánh phá ác liệt như bến Âu Lâu, đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi… góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.
Thắng lợi ấy đã mở ra một giai đoạn mới cho dân tộc Việt Nam - giai đoạn Yên Bái cùng miền Bắc bước vào xây dựng nền móng cho chủ nghĩa xã hội, đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương đối với tiền tuyến lớn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngọc Hà
Các tin khác
YBĐT - Ngay sau khi được thành lập (30/6/1945), Ban cán sự Đảng chủ trương đưa 3 trung đội vũ trang tiến công vào Nghĩa Lộ. Cuộc tiến công đã trở thành cuộc võ trang tuyên truyền, tiến tới đâu, thành lập các đoàn thể cứu quốc ở đó.
YBĐT - Nét nổi bật trong công tác sinh hoạt Đảng ở Chi bộ phố Tân Trung 1, thành phố Yên Bái là việc thực hiện sinh hoạt Đảng định kỳ của Ban chi ủy, Chi bộ được duy trì đều đặn; nội dung đa dạng, phong phú.
YBĐT - sáng ngày 30-6-1945, lễ mừng chiến thắng ở đình Hiền Lương được tổ chức có đại diện tầng lớp nhân dân trong vùng tham dự.
YBĐT - Đến nay, chúng ta còn biết rất ít về người Bí thư Chi bộ đầu tiên của thị xã Yên Bái cũng là chi bộ đầu tiên của tỉnh Yên Bái - đó là đồng chí Mai Văn Ty, công nhân Sở Đề-pô (dépot) Yên Bái.