Những cô giáo yêu nghề, mến trẻ
- Cập nhật: Thứ tư, 9/10/2013 | 2:29:56 PM
YBĐT - Vượt qua thiếu thốn đủ bề nơi vùng cao, các cô giáo Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã hết lòng vì sự nghiệp ươm những mầm non của núi rừng.
Các cô giáo chăm sóc, yêu thương trẻ như con của mình.
|
Cùng với việc trích đồng lương ít ỏi để thêm thức ăn vào mỗi bữa ăn của các em thì các cô còn dành sự quan tâm cho những em nhà xa trường bằng việc chăm sóc, nuôi dưỡng các em tại trường từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Những việc làm đó đều xuất phát từ tấm lòng “Vì học sinh thân yêu” của các cô giáo nơi vùng cao còn rất nhiều khó khăn này.
Trường Mầm non Hoa Phượng có 5 điểm trường ở các thôn: Tà Tầu, điểm trường Km16, Cang Dông, Pá Hu và Háng Gàng. Tổng số trẻ theo học của nhà trường trong năm học 2013 - 2014 là 179 cháu ở 7 lớp, trong đó có 1 lớp nhà trẻ và 6 lớp mẫu giáo với 17 cán bộ, giáo viên. Có đi đến tận nơi, chứng kiến sự tận tâm, tận tụy với trẻ như con mình, chăm sóc các cháu từ bữa ăn đến giấc ngủ rồi dạy hát, dạy kể chuyện, đọc thơ cho trẻ nghe của các cô giáo bám trường, bám lớp để gieo cái chữ cho trẻ vùng cao mới thấy hết sự vất vả của những người đã hy sinh cả tuổi xuân của mình cho sự nghiệp trồng người.
Ngoài những trẻ ở gần trường, bố mẹ sáng đưa đến học, chiều đón về, nhà trường còn có những trẻ nhà ở rất xa trường. Năm học 2012 - 2013, nhà trường có 17 học sinh và năm học này, nhà trường có 14 học sinh là những em nhà ở cách xa trường đến 5 cây số nên đảm bảo đi về trong ngày với các em không đơn giản. Đối với những trẻ này, nhà trường đã vận động gia đình cho các em ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6 để các cô chăm sóc các em từng bữa ăn, giấc ngủ, đảm bảo việc học tập.
Cô giáo Nguyễn Thị Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng cho biết: “Đối với vùng cao, huy động trẻ đến lớp đều đặn rất khó, đặc biệt với những trẻ nhà xa trường. Mong muốn các cháu không phải nghỉ học vì lý do nhà xa, Ban giám hiệu nhà trường đã thống nhất với các bậc phụ huynh để các cháu được ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Chăm sóc các cháu chu đáo, nhà trường đã vận động cán bộ, giáo viên ủng hộ lương cùng với sự đóng góp của gia đình các cháu mua thêm rau, thêm thịt cho bữa sáng và bữa chiều của trẻ”.
Giáo viên mầm non chỉ trông và dạy trẻ từ 7h30 đến 16h30 hàng ngày nhưng với các cô giáo Trường Mầm non Hoa Phượng, công việc tăng thêm gấp nhiều lần bởi sau giờ học, các cô chăm sóc trẻ như con của mình với từng bữa ăn, giấc ngủ. Đêm đêm, khi trời trở lạnh, các cô lại dậy để kiểm tra xem các cháu có ngủ ngon giấc không, có bị lạnh không. Dù vất vả là vậy nhưng các cô ngày ngày vẫn tận tụy với công việc của mình, chăm bẵm những mầm non của núi rừng. Với các cô, đây là niềm vui bởi các em được đến lớp, đến trường đầy đủ, không phải nghỉ học vì nhà xa.
Cô giáo Vũ Thị Nương - giáo viên lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi cho biết: “Được mang cái chữ đến với các bé nơi vùng cao này là một điều may mắn với em. Để các bé vẫn có được tình thương khi phải xa bố mẹ nhiều ngày trong tuần, các cô giáo thay nhau chăm sóc, yêu thương, gần gũi trẻ để trẻ coi cô giáo như người mẹ thứ hai”.
Chính nhờ sự chăm sóc, quan tâm của các cô giáo mà các em được học tập chuyên cần, duy trì sĩ số, bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Được sự quan tâm của các cô giáo, các bậc phụ huynh rất yên tâm khi gửi con em mình theo học ở đây. Pá Hu giờ không còn khó khăn trong việc vận động trẻ mầm non ra lớp vì đa số người dân đã hiểu được lợi ích của việc cho con đi học. Vì thế, tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp của nhà trường những năm gần đây luôn đạt trên 80%.
Anh Vàng A Sùng ở thôn Tà Tầu chia sẻ: “Nhà mình gửi hai đứa ở trường, được các cô giáo chăm sóc, các cháu khỏe mạnh và rất ngoan. Cứ sáng thứ 2, tôi đưa cháu đến trường, chiều thứ 6 thì đón về. Gửi các cô giáo ở đây, gia đình tôi rất yên tâm”.
Dù cuộc sống của giáo viên vùng cao chưa hết khó khăn nhưng bằng cái tâm với nghề, tình yêu của người mẹ hiền thứ hai, các cô giáo Trường Mầm non Hoa Phượng đã và đang làm đủ mọi cách để đường đến trường, đường đến với cái chữ của trẻ em vùng cao bớt gian nan, bớt gập ghềnh hơn.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Chuyện về cựu chiến binh, thương binh Trần Đình Vũ - người tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất ruộng, vườn để làm đường giao thông nông thôn ở thôn 1, xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) là tấm gương được mọi người nể phục và trân trọng.
YBĐT - Đến thôn Yên Sơn, xã Yên Phú, huyện Văn Yên (Yên Bái) hỏi về ông Bùi Văn Đông, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết tường tận, bởi với mọi người, ông Đông là một trong những tấm gương giáo dân tiêu biểu biết cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình, "sống tốt đời, đẹp đạo".
YBĐT - Anh Phạm Văn Đông hiện là Phó bí thư Thường trực Đảng Ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Đảng ủy thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Dù ở cương vị công tác nào anh cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng nghiệp và nhân dân thị trấn vùng cao tin yêu.
YBĐT - Trong nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xuất hiện nhiều gương điển hình của nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên trên mọi lĩnh vực của ngành. Các chị đã vượt mọi khó khăn, thiếu thốn, thu xếp công việc gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, kiên trì bám lớp, bám trường, giữ vững phẩm chất cao đẹp của nhà giáo, nêu gương sáng cho học sinh noi theo.