Hoa núi Nậm Lành
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/10/2013 | 3:22:42 PM
YBĐT - Đó là hình ảnh chợt hiện về trong tôi khi gặp những người mẹ, người chị, những người phụ nữ dân tộc Dao giữa đại ngàn vùng cao Nậm Lành, huyện Văn Chấn (Yên Bái). Tôi luôn nghĩ: “Người là hoa của đất” và các chị chính là những bông hoa núi đang tỏa hương khoe sắc, tô đẹp cho cuộc sống hôm nay.
Chị Lý Thị Pham - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nậm Lành.
|
Nậm Lành là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Văn Chấn với đa số là dân tộc Dao và một thôn người Mông. Nằm trong tiểu vùng khí hậu khô nóng, lượng mưa ít nên việc canh tác của bà con gặp rất nhiều trở ngại. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền và phương pháp vận động của các tổ chức đoàn thể nên những năm gần đây, nhân dân địa phương đã tích cực vươn lên, từng bước cải thiện đời sống và diện mạo nông thôn nơi đây đã có nhiều khởi sắc.
Trong đó phải kể đến vai trò vận động của Hội Phụ nữ mà chị Lý Thị Pham - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã luôn được mọi người nhắc đến như một cánh chim đầu đàn trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Chị tâm sự: “Là cán bộ hội phải chịu học hỏi mới biết cách làm việc. Từ đầu năm đến nay, mình theo ba lớp tập huấn trên huyện và tỉnh rồi. Đi học xa rất ngại nhưng cũng phải cố gắng”.
Đúng là người cán bộ ham học hỏi, biết tiếp thu nên trong giao tiếp, chị tỏ ra rất tự tin. Chị nói về công tác vận động chị em phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Muốn chị em nhận thức được thì mình phải biết làm trước, bởi thế gia đình chị đã đi đầu trong phong trào trồng quế phủ xanh đất trống, đồi trọc, khai hoang ruộng nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các con của anh chị đều được học hành chu đáo, con trai đã trở thành cán bộ xã, con gái lớn vừa tốt nghiệp khoa kế toán, con gái út đang học ngành y trên Thái Nguyên.
Theo gương chị Pham, nhiều phụ nữ trong xã đã biết vượt qua khó khăn, thay đổi nhận thức và xóa bỏ rào cản về phong tục tập quán để vận động gia đình phát triển kinh tế.
Xã Nậm Lành có 7 thôn bản, đến đâu chị Pham cũng giới thiệu được những điển hình tiên tiến. Thôn Giàng Cài nằm ở trung tâm xã, phía trước trụ sở UBND xã là những thửa ruộng bậc thang lúa tốt bời bời, gối tầng tầng lớp lớp chạy đến bạt ngàn rừng quế ngút ngàn xanh. Kia là rừng quế của gia đình chị Triệu Thị Nhị, một phụ nữ đảm đang. Chị Nhị sinh hai con gái nhưng không vì thế mà tự ti.
Ngược lại, chị còn khai hoang được nhiều ruộng nước, chăn nuôi nhiều gà, lợn. Hai con của chị đã trưởng thành và cũng giỏi giang lắm! Còn kia là rừng quế của nhà chị Bàn Thị Phế. Những thửa ruộng của chị Phế phía bên này, năm nào cũng đạt năng suất cao. Chị còn trồng được mấy nương sặt lấy măng.
Nhìn theo tay chị Pham, phía trước, phía sau, bên phải, bên trái tầm mắt tôi bị hút vào màu xanh mỡ màng của quế. Hương quế thơm lan tỏa đâu đây hòa vào tiếng xạc xào của rừng măng sặt mà tới chớm xuân sang, những búp măng sẽ chuẩn bị cựa mình đội đất chui lên và chỉ cần một làn mưa mới đầu mùa là măng tua tủa mọc như những búp tay thon nõn nà. Những gánh măng sặt lại kĩu kịt về chợ Mường Lò rồi những bó măng làm quà, gói cái tình miền núi được gửi về miền xuôi.
Thấy được giá trị kinh tế của cây măng sặt nên Hội Phụ nữ xã đã vận động được nhiều gia đình bỏ lúa nương, cải tạo đồi trọc để trồng. Bây giờ, xã Nậm Lành trở thành một trong những vùng măng ngon nổi tiếng của vùng cao Yên Bái, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đến thôn Mận Kịp, những sàn phơi quế ngào ngạt thơm, những đàn lợn lông đen nháy ủn ỉn trong chuồng - giống lợn bản địa này đang là đặc sản bởi thịt lợn đen vừa chắc vừa thơm ngon lại “sạch” nên ngày càng có giá.
Chị Pham lại cho biết, chị Lý Thị Mụi, Lý Thị Ghến, Bàn Thị Ton và nhiều gương điển hình khác - các chị đều là những thành viên tích cực, trồng nhiều quế, làm nhiều ruộng, thu nhiều măng, chăn nuôi mát tay, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
Con đường trải bê tông sạch sẽ dẫn tôi đến thôn Tặc Tè. Ở đây, ai cũng nhắc đến chị Đặng Thị Lưu - người phụ nữ làm kinh tế giỏi. Vẫn là quế, là măng sặt, là lợn, gà nhưng không phải dễ dàng mà có, chị Lưu đã phải học cách sắp xếp công việc gia đình, vừa chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy các con, thêu thùa may vá áo quần cho tất cả mọi người trong nhà vừa làm ruộng, làm nương.
Vì những năm đầu về làm dâu, theo phong tục, người phụ nữ chỉ ở nhà phục vụ cơm nước, thêu may trang phục, đun nước lá tắm cho cha mẹ, chồng con, Hội Phụ nữ phải thuyết phục nhiều lần thì chị Lưu cũng như nhiều chị em khác mới được tham gia công tác xã hội, được thể hiện năng lực của mình trong lao động, sản xuất. Lên thôn Tà Lành, một thôn nằm sát chân núi cao, tận dụng lợi thế rừng nên nhiều gia đình đã phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Tiêu biểu là các chị Triệu Thị Phan, Triệu Thị Phế, nhà nào cũng nuôi hàng chục con trâu, nhà chị Phan có tới hơn 20 con trâu. Tuy chưa phát triển đàn thành trang trại nhưng ở nơi vùng cao, mùa hè khô nóng, mùa đông giá rét này, tinh thần của các chị thật đáng biểu dương, đáng để nhiều chị em khác học tập. Lên cao nữa là thôn Ngọn Lành, nơi đây có 100% đồng bào Mông sinh sống.
Những ngôi nhà gỗ khang trang của nông dân thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành.
Trưởng bản Mùa A Sử - người được coi là giữ vai trò trưởng bản lâu nhất xã bởi ông có uy tín cao đối với bản Mông nơi thâm sơn này. Ông Sử rất tự hào về người con dâu Lý Thị Xay vì “Nó được hội phụ nữ khen ngợi. Nó làm nương giỏi, làm việc nhà cũng giỏi. Nó cùng hội phụ nữ khuyên bà con tích cực lao động, cho con cháu đi học đều”.
Chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, mỗi lần lên Ngọn Lành đều phải nhờ cô Xay phiên dịch giúp bằng tiếng Mông để làm công tác vận động. Còn nữa, thôn Nậm Cài, Nậm Tộc, ở đâu cũng có những phụ nữ tiêu biểu, những nhân tố tích cực trong phong trào thi đua. Phụ nữ thôn Nậm Tộc đã được Huyện hội khen thưởng về thành tích vận động phụ nữ tham gia xây dựng tổ chức hội và xóa đói giảm nghèo.
Với những cố gắng vượt bậc của các mẹ, các chị, với thành quả lao động sáng tạo là thước đo kết quả thi đua, vừa qua, Hội Phụ nữ xã Nậm Lành đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen. Chị Pham nói: “Đó là thành tích chị em mình dâng lên Đảng, lên Bác Hồ. Mình nghĩ, nó đẹp như bó hoa thơm của dân bản góp lại. Mình không bao giờ nghĩ rằng được Trung ương biết đến như thế đâu…”.
Tôi bắt tay chị Lý Thị Pham, bàn tay ấm nồng, nụ cười rạng rỡ trên gương mặt người phụ nữ nơi rẻo cao như bông hoa tỏa nắng. Chị là người gieo những hạt mầm để núi rừng nơi đây nở rộ ngàn bông hoa việc tốt, thắp sáng ước mơ làm giàu của những người phụ nữ vùng cao vốn khiêm nhường, tần tảo…
Nguyễn Thị Thanh
Các tin khác
YBĐT - Lâu nay, công việc trong xưởng cơ khí, chế tạo máy móc phục vụ sản xuất luôn được coi là việc của những người đàn ông mạnh mẽ chứ mấy ai nghĩ tới những người phụ nữ chân yếu tay mềm. Tuy nhiên, tại triển lãm “Những mô hình phụ nữ sáng tạo” do Tỉnh hội Phụ nữ tổ chức lại xuất hiện những chiếc máy như: máy ép phân viên nén dúi sâu sử dụng cặp rulô 5 hàng lỗ, máy ép miến bán tự động, sản phẩm cải tiến máy thái chuối, máy chẻ vỏ quế xuất khẩu... của những người “chân yếu tay mềm” ấy.
YBĐT - Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10) năm 2013, Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt đại biểu nữ công nhân viên chức - lao động (CNVCLĐ) tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Giỏi việc nước - Đảm việc nhà. Ngành xây dựng tỉnh Yên Bái vinh dự được chọn cử 3 đại biểu đại diện cho gần 1.000 nữ CNLĐ của ngành tham gia hoạt động ý nghĩa này.
YBĐT - Bí thư Chi bộ thôn Tân Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên Hoàng Văn Phong tâm sự: “Theo tôi, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác không khó. Làm theo Bác thể hiện ngay ở những việc làm hàng ngày của mình, làm tốt nghĩa vụ công dân đối với quê hương, đất nước, làm cho cuộc sống gia đình không nghèo đói, con cái được học hành đầy đủ… đó là làm theo Bác rồi!”.
YBĐT - Nói tới nghệ thuật nhiếp ảnh Yên Bái trong những năm gần đây không thể không kể tới Tuấn Nghĩa. Anh đã có những thành công nhất định và tạo cho mình được một nét riêng trong sáng tạo nghệ thuật.