Người nuôi ong giỏi ở Nả Háng Tâu
- Cập nhật: Thứ hai, 28/10/2013 | 2:42:00 PM
YBĐT - Là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), anh Thào A Khày luôn trăn trở phải tìm cách để vượt lên đói nghèo trên mảnh đất quê hương mình. Trăn trở đó đã được anh thể hiện bằng lòng quyết tâm xây dựng và phát triển mô hình nuôi ong rừng để khai thác mật bán ra thị trường, từng bước nâng cao đời sống cho gia đình.
Anh Thào A Khày vệ sinh cho đàn ong và kiểm tra chất lượng mật đến kỳ thu hoạch.
|
Là một trong những thanh niên ưu tú của bản Nả Háng Tâu, năm 2003, anh Thào A Khày đã được tuyển chọn đi làm nghĩa vụ quân sự. Quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị thường xuyên tổ chức tập luyện dã ngoại tại các cơ sở, địa phương. Trong mỗi chuyến đi, anh đã chú tâm để ý đến việc người dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình với ước mơ nung nấu khi trở về quê sẽ làm theo. Sau 3 năm học tập, rèn luyện và công tác, anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2006, anh trở về với mảnh đất nghèo khó - nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Với lòng say mê làm kinh tế sẵn có, không chịu lùi bước trước sự đói khổ, Thào A Khày đã bắt tay ngay vào việc xây dựng kinh tế hộ gia đình. Thấy địa phương mình có diện tích rừng rộng lớn, các loài hoa quanh năm đua nở, phù hợp cho việc nuôi ong mật, anh đã quyết tâm chọn nghề nuôi ong. Ban đầu mới làm, do còn thiếu kinh nghiệm chăm sóc và chưa biết cách thu lấy mật cho nên đàn ong của anh thường bị chết rét, chết dịch và thu hoạch mật thường đạt năng suất thấp.
Để có thêm kinh nghiệm, anh đã đến các vùng như Mường Lò của thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn rồi lên các vùng xứ lạnh ở Sa Pa, Bắc Hà học hỏi kinh nghiệm chăm sóc ong đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong mật do Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở tại địa phương. Sau một thời gian học hỏi, anh đã tích cóp được kinh nghiệm và biết cách làm. Bầy ong của anh được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên đã phát triển ổn định.
Với niềm đam mê và đức tính cần cù chịu khó, anh đã tách bầy ong thành nhiều tổ. Từ vài đàn nuôi ban đầu đã nhân dần lên và mua thêm của người dân, bầy ong của anh đã không ngừng tăng lên. Hiện nay, bầy ong của anh Khày đã lên đến trên 100 đõ, mỗi năm thu về khoảng 1.000 lít mật. Giá bán từ 150.000 đồng đến 170.000 đồng/lít, mỗi năm, gia đình anh đã có thu nhập gần 200 triệu đồng.
Anh Khày phấn khởi tâm sự: “Tôi nuôi ong bằng cách tổ chức nuôi lưu động. Đó là luôn đưa bầy ong di chuyển theo mùa hoa để thu mật, như vậy sẽ đảm bảo chất lượng và năng suất đạt cao hơn là để bầy ong ở nguyên một vị trí. Ví dụ, đến mùa hoa lúa thì mình đưa ong về ở gần nhà; mùa hoa táo, hoa thảo quả thì mình lại đưa ong lên gần rừng, thậm chí để hẳn bầy ong vào đúng vị trí khu vực có loài hoa đang nở”.
Việc nuôi ong của anh được nhiều người biết đến bởi vì anh luôn nuôi theo mô hình lưu động trong rừng sâu, mật được ong cất bằng mật hoa tự nhiên, chất lượng mật tốt. Nhiều thương gia, khách du lịch đã tìm đến tận nhà anh Khày để mua mật ong làm thuốc, làm quà quý. Bên cạnh nuôi ong mật, gia đình anh còn tích cực trồng lúa, ngô, sắn, khoai và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Hàng năm, gia đình thu 3 tấn thóc, gần 1 tấn ngô, trên dưới 1 tấn sắn. Hiện gia đình còn có 4 con trâu, gần 20 con lợn, trên 100 con gà, vịt… Nuôi ong lấy mật bán ra thị trường cho thu nhập ổn định và tích cực phát triển cây trồng, vật nuôi nên cuộc sống của gia đình anh Khày đã hết đói nghèo.
Là Phó chủ tịch Hội CCB xã Púng Luông, anh Khày đã đem kinh nghiệm nuôi ong thành công của mình chia sẻ với các hội viên và dân bản để mọi người cùng làm theo. Theo anh Khày, nghề nuôi ong nhẹ nhàng hơn so với trồng lúa, ngô và chăn nuôi nhưng điều quan trọng là phải có lòng đam mê, biết quy luật hoạt động của ong, phải có kỹ thuật chăm sóc cũng như thu lấy mật. Nếu chăm sóc tốt thì bình quân thu đạt 1 lít mật/đàn và mỗi năm có thể khai thác tới chục lần.
Với trọng trách của một Ủy viên Ban chấp hành Hội CCB xã, hàng năm, anh đã vận động các hội viên tham gia làm kinh tế hộ gia đình bằng cách mà anh đã làm. Bản thân anh trực tiếp giúp xã chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong cho hàng trăm người và đã chính thức giúp đỡ được 4 người trong xã nuôi ong thành công, có thu nhập ổn định, cuộc sống của gia đình được cải thiện. Đó là gia đình các ông: Lù A Cê ở bản Púng Luông, Hờ A Của ở bản Đề Chờ Chua B, Giàng A Vàng ở bản Đề Chờ Chua A, Vàng A Của ở bản Mí Háng Tâu…
Tuy đã có những thành công bước đầu nhưng anh Khày vẫn chưa thỏa mãn với kết quả của mình. Anh cho rằng cần phải tiếp tục phát triển mô hình để nghề nuôi ong trở thành một nghề có thu nhập ổn định và phát triển lâu dài thực sự. Anh cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng địa điểm nuôi và nhân từ 100 đõ lên khoảng 200 đõ ong.
Cần cù chịu khó, tích cực xây dựng cuộc sống tiến bộ, kinh tế ổn định và là người luôn giúp đỡ mọi người vượt khó vươn lên, anh Thào A Khày xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người học tập và làm theo.
Sùng A Hồng
Các tin khác
YBĐT - Khu rừng được ông Triệu Tiến Châu ở thôn Minh An, xã Y Can, huyện Trấn Yên quản lý, bảo vệ tuy không phải là rừng già cổ thụ nhưng với vị trí chỉ nằm cách trung tâm thành phố Yên Bái khoảng 25km mà vẫn còn cả trên 190ha rừng tự nhiên sản xuất rậm rạp liền khu quả là một điều đáng quý.
YBĐT - Nói đến gia đình ông Hoàng Văn Hộ ở thôn 1 Thuồng, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên (Yên Bái), người dân trong xã ai cũng biết và kính phục không phải vì giàu sang mà gia đình ông là một gia đình dân tộc Nùng điển hình hiếu học. Phát huy truyền thống đó, các thế hệ con cháu luôn tích cực học tập, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.
YBĐT - Nhẹ nhàng, hòa nhã khi tiếp xúc với mọi người nhưng cũng rất cứng rắn, cương quyết khi đối mặt, đấu tranh với tội phạm, là một trong số ít nữ điều tra viên trong lực lượng công an toàn tỉnh đạt nhiều thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tội phạm với nhiệm vụ khá nặng nề, không kém phần quyết liệt mà không phải người phụ nữ nào cũng có thể vượt qua.
YBĐT - Ở thôn Hồng Hà, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái), mọi người đều biết đến ông Nguyễn Nam Lợi làm giàu từ nghề nuôi ong lấy mật, làm chè và trồng rừng ngay trên mảnh đất của gia đình.