Chị "Thanh Tâm" của người dân Nghĩa An
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/11/2013 | 8:48:48 AM
YBĐT - Xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) từ nhiều năm nay tình trạng sinh con thứ 3 đã trở thành hy hữu, số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng, nhiều gia đình tuy chỉ sinh con một bề là nữ song cũng đã yên tâm tập trung phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái trưởng thành... Kết quả này có được là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của chị Hoàng Thị Dược, người đã có thâm niên hơn 10 năm làm cán bộ chuyên trách dân số.
Chị Dược (bên trái) phát tờ rơi truyền thông dân số cho người dân.
|
Chị Dược chia sẻ: "Có lẽ đã là duyên nghiệp nên ngay từ khi làm quen với công tác xã hội, tôi đã được cử làm cán bộ dân số. Công việc này đã giúp tôi có cơ hội được đi tới nhiều nhà, trò chuyện với nhiều người, giúp nhiều gia đình thay đổi quan niệm, nhận thức trong việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình và sinh con thứ 3 trở lên. Tôi thấy vui khi làm công việc này".
Với vai trò là cán bộ chuyên trách dân số quản lý địa bàn 8 thôn với 677 hộ, 2.917 nhân khẩu, 95% dân số là đồng bào dân tộc Thái, trước đây, khi đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở, để tới các thôn xa của xã Nghĩa An, chị phải đi bộ mất nửa ngày. Tuy nhiên, ý thức được vai trò, trách nhiệm của người cán bộ dân số, không ngại khó, ngại khổ, từ khi nhận nhiệm vụ công tác đến nay, chị Dược đã luôn bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình ở từng thôn thông qua việc giao ban định kỳ hàng tháng với các cộng tác viên; lên kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong xã mở các chiến dịch truyền thông cụ thể tới từng thôn.
Để giúp bà con dễ hiểu, dễ nhớ những thông tin, kiến thức cần ghi nhớ, trong mỗi buổi truyền thông, chị Dược thường cố gắng nói ngắn gọn, súc tích và đưa ra các dẫn chứng, ví dụ cụ thể. Tranh thủ khi có thời gian rỗi hoặc tiện đường đi đâu đó, chị không quên mang theo ít thuốc tránh thai, bao cao su, tờ rơi để phát cho mọi người.
Với chị Dược, từng con đường, ngõ xóm ở Nghĩa An đều đã trở nên thân thuộc. Chị đến với các hộ gia đình không chỉ với mục đích giúp mọi người thực hiện tốt chính sách, Pháp lệnh Dân số, mà hơn thế còn sẵn sàng, chia sẻ giúp đỡ mọi người cả về vật chất lẫn tinh thần. Có những gia đình vì cuộc sống khó khăn, vất vả, cảnh nhà đông con, khi người vợ đi triệt sản không có ai đi cùng, chị Dược lại sẵn lòng đưa tới bệnh viện rồi trông nom, chăm sóc luôn thể.
Sự chân thành, nhiệt tình của chị đã thêm phần thuyết phục mọi người và từ đó các gia đình đã có ý thức hơn trong việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình. Nhiều chị em đã coi chị như "chị Thanh Tâm" của riêng mình. Có chuyện gì vui, buồn hay gặp phải khó khăn về tình cảm, sức khoẻ sinh sản là lại đến nhờ chị tư vấn, giúp đỡ.
Chị Dược tâm sự: "Tôi là người không may mắn trong hạnh phúc hôn nhân gia đình. Nhà chỉ có cô con gái là bạn nay cũng đã đi học xa nhà. Vì thế nên mỗi khi được các chị em tới chơi, cùng nhau trò chuyện, trao đổi những kiến thức: nuôi con khoẻ, dạy con ngoan; cách chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ gia đình; bàn cách thuyết phục các thành viên trong gia đình xóa bỏ những suy nghĩ phân biệt về giới tính... là tôi lại thấy thêm yêu công việc này. Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ để không phụ lòng tin của mọi người".
Hiện tại, nhờ có những đóng góp của chị Dược, đến nay xã Nghĩa An đã có trên 70% số phụ nữ có gia đình sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, trong 6 năm qua, toàn xã Nghĩa An chỉ xảy ra hai trường hợp sinh con thứ 3. Chất lượng dân số từng bước được nâng lên, số trẻ em bị suy dinh dưỡng giảm theo từng năm; 100% các hộ gia đình đều cho con đến trường; tuổi thọ trung bình của người dân đạt trên 70...
H.O
Các tin khác
YBĐT - Dân gian có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, ý nói sự vất vả, bận rộn của nghề trồng dâu nuôi tằm. Vậy nhưng cái nghề vất vả này đang được đa số các hộ dân ở xã Tân Đồng (Trấn Yên) chọn làm hướng thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Người đi đầu và nổi bật trong phong trào này là chị Lê Thị Giảng ở thôn 5 - người đã đưa cây dâu về lại với con tằm, trở thành nữ triệu phú dâu tằm của xã.
YBĐT - Ở xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái), không ai là không biết mô hình phát triển kinh tế của gia đình bà Lương Thị Chi, thôn Thanh Niên 2. Dám nghĩ, dám làm, bà Chi đã mạnh dạn đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình với thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - Chế Tạo là xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải, cách trung tâm huyện 35km, giao thông đi lại hiểm trở, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. 100% dân số ở đây là người Mông với tổng số 305 hộ, 2.028 khẩu, chia làm hai dòng họ lớn là họ Giàng và họ Sùng.
YBĐT - Được bạn bè đồng nghiệp tôn trọng, học sinh yêu quý bởi phong cách sống giản dị, tâm huyết với nghề, nhiều năm liền có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp “trồng người”... Đó là cô giáo Đoàn Thị Như Lan, sinh năm 1981, hiện đang công tác tại Trường THCS thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình).