Gần 30 năm cống hiến cho giáo dục vùng cao
- Cập nhật: Thứ tư, 20/11/2013 | 8:53:05 AM
YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình nhưng cô bé Nguyễn Thị Tâm đã theo gia đình lên xây dựng vùng kinh tế mới tại xã vùng cao Tân Thịnh, huyện Văn Chấn. Ở đây, cô bé đã được nghe kể về những đứa trẻ ở vùng cao chưa được học chữ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn… vì thế Nguyễn Thị Tâm đã sớm nung nấu mơ ước trở thành nhà giáo dạy chữ cho học trò vùng cao.
Cô giáo Nguyễn Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường PTDTNT - THCS huyện Mù Cang Chải (đứng giữa) nhận hoa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
|
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Hoàng Liên Sơn (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái) năm học 1984, cô Tâm đã tình nguyện lên huyện vùng cao Mù Cang Chải dạy học, công tác tại Trường THCS xã Nậm Có cách trung tâm huyện lỵ trên 50km với 100% đồng bảo dân tộc sinh sống.
Ngày ấy, trường mới chỉ là những ngôi nhà tạm bợ được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá. Lớp học, bàn ghế là những tấm ván gỗ được đặt lên trên 4 cây cọc gỗ cắm xuống đất. Chỗ ở của giáo viên là những ngôi nhà thấp lè tè lợp cỏ gianh, vách bằng tre nứa.
Cuộc sống của đồng bào nặng nề nhiều hủ tục cho nên không những chỉ nơi ăn chỗ ở khó khăn mà việc vận động con em đến trường càng khó khăn hơn. Đồng bào sống quen với nương rẫy, ngày đưa con lên nương, tối mang con về nhà, “học chữ” vẫn là điều không cần thiết với bà con vì với họ “nó không no được cái bụng như đi làm nương, làm rẫy”.
Cô và bạn bè đồng nghiệp đã không quản ngại khó khăn, băng rừng, vượt núi lên các bản người Mông, người Thái vận động, phân tích cho bà con hiểu rõ về lợi ích của việc học chữ với quyết tâm không để các em phải mù chữ. Bằng sự kiên trì của cô và đồng nghiệp, lớp học ngày một đông hơn, nhiều phụ huynh đã tự giác đưa con đến trường, đến lớp.
Năm 1985, cô Tâm được chuyển về công tác tại Trường Bổ túc cán bộ của huyện, năm 1987 cô tiếp tục được chuyển sang giảng dạy ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (nay là Trường PTDTNT THPT) huyện Mù Cang Chải. Được tín nhiệm, năm 1995 cô được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng nhà trường và đến năm 2008 tiếp tục được bầu làm hiệu trưởng. Suốt những năm tháng cống tác, dù ở cương vị nào, làm việc ở đâu, cô giáo Nguyễn Thị Tâm đều hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, được đồng nghiệp đánh giá cao, học sinh yêu mến.
Trên cương vị là bí thư Chi bộ và hiệu trưởng nhà trường, quản lý 43 cán bộ, giáo viên và 371 học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Tâm cho rằng để có được phong trào thi đua sôi nổi trong giảng dạy, học tập thì trước tiên, người đứng đầu phải là đầu tàu gương mẫu. Cô đã chỉ đạo toàn trường thực hiện nghiêm túc chủ đề: “Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy”; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Với công tác xây dựng Đảng, cô giáo Tâm luôn chú trọng công tác xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh và phát triển đảng viên mới. Trong 5 năm qua, Chi bộ nhà trường đã bồi dưỡng, kết nạp 9 quần chúng ưu tú vào Đảng. Nhiều năm liền Chi bộ đạt danh hiệu “Chi bộ trong sạch vững mạnh”.
Trong vai trò quản lý, cô Tâm rất tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên của trường nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cũng như chăm lo đời sống cho cán bộ, giáo viên. Trường từ chỗ còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, đến nay, đã dần dần khắc phục, từ khu ký túc xá, bếp ăn tập thể, phòng học đã được xây dựng kiên cố, khang trang, đảm bảo đủ chỗ cho học tập, sinh hoạt của học sinh.
Chất lượng giáo dục được nâng cao, trường đã có nhiều em học sinh tham gia các thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đã có nhiều em đạt giải, riêng năm học 2011 - 2012, trường có 36 học sinh giỏi cấp trường, 17 học sinh giỏi cấp huyện và nhiều em đã tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì, nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và lao động tiên tiến.
“Khi mới lên công tác gặp bao vất vả, khó khăn, bố mẹ tôi đã nhiều lần khuyên tôi bỏ nghề về xuôi. Ban đầu tôi cũng cân nhắc dao động nhưng cứ nghĩ cảnh các em người dân tộc vùng cao còn mù chữ, tôi không đành xa nơi này” - cô Tâm nhớ lại.
Đã gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, nhiều thế hệ học trò của cô đã trở thành cán bộ, công chức từ Trung ương đến địa phương, trong đó, nhiều người là cán bộ chủ chốt của tỉnh, của huyện, của xã. Với công lao to lớn trong sự nghiệp giáo dục, năm 2010, cô Nguyễn Thị Tâm đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và nhiều lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngành giáo dục, UBND tỉnh khen thưởng.
Hồng Mai
Các tin khác
YBĐT - “Thầy đã “may mắn” trượt đại học, trò ạ!” - tiêu đề cho bài viết chỉ vỏn vẹn hơn 300 từ của một thầy giáo được lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, truyền tai những đứa học trò. Đó không phải là sự cổ vũ cho những thất bại, mà là những chia sẻ chân thành về trải nghiệm thực sự của một người đã từng trượt đại học để rồi vượt qua thất bại, vươn lên thành công.
YBĐT - Cậu sinh viên sinh năm 1992, nhà ở mãi tận xã vùng cao đặc biệt khó khăn Tà Xi Láng của huyện Trạm Tấu (Yên Bái), có dáng người thấp bé hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Nhưng bù lại, Páo có ánh mắt rất sáng, toát lên vẻ thông minh, lanh lợi hiếm gặp.
YBĐT - Xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) từ nhiều năm nay tình trạng sinh con thứ 3 đã trở thành hy hữu, số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng, nhiều gia đình tuy chỉ sinh con một bề là nữ song cũng đã yên tâm tập trung phát triển kinh tế, nuôi dạy con cái trưởng thành... Kết quả này có được là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của chị Hoàng Thị Dược, người đã có thâm niên hơn 10 năm làm cán bộ chuyên trách dân số.
YBĐT - Dân gian có câu: “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, ý nói sự vất vả, bận rộn của nghề trồng dâu nuôi tằm. Vậy nhưng cái nghề vất vả này đang được đa số các hộ dân ở xã Tân Đồng (Trấn Yên) chọn làm hướng thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Người đi đầu và nổi bật trong phong trào này là chị Lê Thị Giảng ở thôn 5 - người đã đưa cây dâu về lại với con tằm, trở thành nữ triệu phú dâu tằm của xã.