Hăng say lao động, làm người có ích

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/8/2014 | 9:05:32 AM

YBĐT - Không thành công nào mà không có mồ hôi, thậm chí cả nước mắt, điều này hoàn toàn đúng đối với Thái - một quân nhân có ba năm phục vụ tại ngũ thuộc một đơn vị thông tin thuộc Lữ đoàn 297, Quân chủng Phòng không - Không quân đóng quân tại vùng hồ Thác Bà cách đây hơn mười năm trước.

Trang trại nuôi gà của Bùi Quang Thái cho thu nhập hơn  300 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Trang trại nuôi gà của Bùi Quang Thái cho thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

Nhìn những vệt mồ hôi thấm đẫm lưng, chân đeo ủng, mặt đeo khẩu trang cùng vợ lao động từ 5 giờ sáng mới thấy công việc chăn nuôi tại trang trại nuôi gà rộng 1ha của Bùi Quang Thái bận rộn như thế nào. Hai dãy nhà lớn, một bên nuôi 2.000 gà thịt, mỗi con đang chừng 1kg; bên kia hơn 1.000 gà mái đẻ, nhìn ngút mắt. Trang trại của Thái nằm xa khu dân cư, sát dòng sông Chảy lững lờ xanh trong bốn mùa vì nằm phía dưới đập thủy điện Thác Bà thuộc huyện Yên Bình được phủ xanh bởi chanh, vải thiều, bưởi Đại Minh - giống bưởi nổi tiếng tiến vua xưa kia - tạo bóng mát cho lũ gà thịt.

"Bận lắm, đầu tiên là nhặt trứng xếp vào khay, sau đó làm vệ sinh tổng thể hai nhà nuôi, đổ nước uống, trộn thức ăn và cho gà ăn, kiểm tra độ sinh trưởng và can thiệp cho gà mái không ấp bóng (khi gà đẻ hết một chu kỳ thì chuyển sang ấp sinh nở - PV), bơm phun khử trùng tiêu độc theo định kỳ xung quanh chuồng trại, tiến hành kiểm tra nhiệt độ theo từng mùa theo hướng thoáng về mùa hè, ấm về mùa đông, kín mái, sạch nền, đem trứng vào lò ấp, kiểm tra gà nở và giao dịch chuyển gà con cho các hộ nuôi trên địa bàn. Đấy là việc chính, còn bao nhiêu việc không tên khác trong ngày ấy chứ, cứ là tít mít việc anh ạ" - Thái giãi bày.

Không thành công nào mà không có mồ hôi, thậm chí cả nước mắt, điều này hoàn toàn đúng đối với Thái - một quân nhân có ba năm phục vụ tại ngũ thuộc một đơn vị thông tin thuộc Lữ đoàn 297, Quân chủng Phòng không - Không quân đóng quân tại vùng hồ Thác Bà cách đây hơn mười năm trước. Làm lính thông tin, nhanh nhẹn, tháo vát, trong các buổi giao lưu với Chi đoàn thanh niên địa phương nơi đóng quân, cô gái thôn quê xinh đẹp như cái tên Mỹ Thương được Thái ngỏ lời yêu và nên vợ chồng. Sau khi xuất ngũ, vợ chồng trẻ về quê nội ở huyện Sông Lô vốn được nhắc đến là vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" của tỉnh Vĩnh Phúc sinh sống. Năm 2007, với hơn 500.000 đồng tiền làm vốn ban đầu, Thái đưa vợ cùng con gái ba tuổi quay về quê ngoại lập nghiệp trên một đảo nhỏ xa khu dân cư mà dân hồ Thác Bà gọi dân dã là khu Ba đồi gianh.

Gà, lợn được nuôi bởi sắn, lạc, ngô được trồng trên đất bán ngập, khi lớn bán quay vòng kiểu lấy ngắn nuôi dài, vợ chồng Thái sống được. Bài học làm kinh tế khiến cả hai vợ chồng “ngơ ngơ” cả tuần không ăn uống được gì bởi đàn gà cả nghìn con bỗng lăn quay ra chết vì dịch cúm. Vậy là sau đợt dịch cúm gà ấy, bao vốn làm ra trở về con số không, đành nhìn vào đàn lợn nuôi thả lã mà vực dậy. Đàn lợn sạch này, người ở phố thích ăn bởi không nuôi cám công nghiệp dù giá cả trăm nghìn đồng 1kg.

Qua đọc báo, nghe đài, sưu tầm kiến thức chăn nuôi qua cán bộ khuyến nông, chàng trai trẻ Bùi Quang Thái đúc rút một kinh nghiệm: đã chăn nuôi lớn dứt khoát phải tiêm vắc-xin cho gia cầm mà vắc-xin cũng phải có nguồn gốc rõ ràng. Gà thì lấy giống Lương Phượng thuần của Viện Chăn nuôi Quốc gia (Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương), sau đó nuôi lai với giống gà ta bằng cách đưa gà trống vào, sau hai lần lai thì lấy trứng ấp thành gà thịt.

Với cách làm này, gà thịt của Thái, thịt thơm ngon, được thị trường chấp nhận bán được giá. Bằng sự cần cù, chịu khó của mình, đến nay, Thái đã có hai trang trại nuôi gà thịt khoảng hơn 5.000 con, hai cơ sở ấp trứng công suất 7.500 trứng, một điểm tập trung giết mổ gà, mỗi năm trừ hết các chi phí còn lãi hơn 300 triệu đồng. Hiện các xã vùng Đông hồ Thác Bà của huyện Yên Bình và các huyện lân cận của tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang đều tìm đến cơ sở gà ấp của anh Thái mua về phát triển chăn nuôi đàn gà thịt.

Là hội viên Hội Nông dân của xã Hán Đà (Yên Bình), Bùi Quang Thái tích cực tham gia các hoạt động của Hội phát động, trong đó lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm. Cách làm là từ chính kinh nghiệm của gia đình mình vận động nông dân trong vùng phát triển chăn nuôi gà, sau đó tổ chức thu mua gà thịt, tiêu thụ cho nông dân trong vùng, hướng tới xây dựng thương hiệu gà đồi vùng Thác Bà.

Thái tâm sự: “Tôi muốn mình làm giàu chính đáng và được các anh ở xã động viên, tạo điều kiện cho chăn nuôi, sản xuất thì mừng lắm! Nguyện vọng của bản thân tôi là được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được trở thành người có ích cho xã hội và được cống hiến”.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Minh Chính khẳng định: “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở địa phương miền núi như xã Hán Đà không cao xa, nghị quyết Đảng ủy là động viên các hộ nông dân trồng rừng sản xuất, trồng bưởi Đại Minh, nuôi gà theo hướng hàng hóa, xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí đã đề ra. Tấm gương vượt khó, cần cù lao động của anh Thái được nhân dân trong vùng học tập, noi theo”.

Thanh Sơn

Các tin khác

YBĐT - Mong muốn làm giàu cho gia đình, cho xã hội và giúp đỡ các CCB, thương binh phát triển kinh tế vươn lên xoá đói giảm nghèo, nghị lực vượt khó của thương binh 4/4 Hoàng Văn Tinh, tổ 13, phương Yên Ninh, thành phố Yên Bái thực sự là một điển hình của địa phương.

YBĐT – Phát huy phẩm chất tốt đẹp của “bộ đội cụ Hồ”, những người lính năm xưa đã từng cống hiến xương máu để giành độc lập dân tộc nay tiếp tục là những cựu chiến binh gương mẫu, là tấm gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu cho quê hương, đất nước. Ông Lê Thành Đồng – bệnh binh 2/3 ở thôn Linh Đức, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là một điển hình như thế.

Thương binh Lê Ngọc Châu chăm sóc đàn lợn.

YBĐT - "Tôi nhận ra rằng, chỉ có kiên trì, cần cù trong lao động và biết tiếp nhận những thành quả của khoa học kỹ thuật thì làm gì cũng sẽ thành công" - Đó là lời tâm sự của thương binh Lê Ngọc Châu ở thôn Ngọn Ngòi, xã Minh Quân (Trấn Yên).

Vườn thanh long của gia đình thương binh Hoàng Văn Tinh đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.

YBĐT - “Mình còn sức khỏe, còn trí tuệ, mình muốn lao động để vươn lên giữa cuộc sống còn nhiều khó khăn này!” - câu nói của anh thương binh Hoàng Văn Tinh ở tổ 13, phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) đã khiến chúng tôi rất xúc động và khâm phục. Tổ quốc khi lâm nguy đã có những người như anh và nay hòa bình, dựng xây càng cần những người như thế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục