Làm giàu với cây quế
- Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2016 | 9:44:15 AM
YBĐT - Vụ tháng 3 đầu năm, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Đỉnh ở thôn 5, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên bóc 10 tấn quế vỏ, bán giá 16.000 đồng/kg, thu về 160 triệu đồng, cộng với bán lá, bán gỗ được 100 triệu đồng.
Anh Nguyễn Quốc Đỉnh (bên phải) bán gỗ quế cho một cơ sở thu mua ngay trên địa bàn thôn.
|
Đến đầu tháng 6, nhà anh bán 2 xe gỗ quế khoảng 3 m3 có thêm 4,5 triệu đồng. Cứ mỗi lần thu tiền từ cây quế cũng là một lần cả hai vợ chồng anh Đỉnh lại nhắc nhau quý trọng những gì đang có hôm nay vì tất cả bắt đầu từ gian khó.
Khi anh Đỉnh 21 tuổi, đó là năm 1993, ở thôn lúc đó có 2 nhóm cựu chiến binh bắt đầu trồng quế và anh muốn làm theo. “Chẳng suy nghĩ gì nhiều, làm theo là làm thôi vì tôi thấy đất đai xung quanh còn bỏ không nhiều. Những năm ấy cũng là quế Văn Yên nổi tiếng gần xa với giá trị kinh tế cao, tôi cũng thử xem sao” - anh Đỉnh kể lại. Sang đến vùng quế Viễn Sơn của huyện Văn Yên, anh học cách đồng bào Dao nơi đây trồng quế và mua 1 yến hạt giống quế về gieo thẳng chứ không làm bầu.
Với số hạt giống trong tay, anh trồng được 1 vạn cây. Ba năm sau, anh lập gia đình. Cứ thế, hàng năm, vợ chồng anh đều tiến hành nhân rộng diện tích quế. Anh vẫn ưa chuộng hạt quế giống vùng Viễn Sơn nên thường xuyên đi mua về trồng bởi cây quế mẹ phải được 15 năm tuổi trở lên thì mới có thể cho hạt giống chất lượng.
Anh Đỉnh cho biết, đối với cây quế, khâu quan trọng nhất và cần chăm sóc nhất là trong thời gian 3 năm đầu tiên. Thời điểm này, người trồng cần quan tâm chăm sóc tốt nhất, đặc biệt phải dọn cỏ sạch để giúp cho cây quế phát triển. Sang năm thứ hai là phải xem xét lại để tiến hành trồng dặm và năm thứ ba tập trung phát dọn cỏ. Từ năm thứ tư trở đi, cây quế đã bắt đầu khép tán thì việc chăm sóc cũng đã bắt đầu nhàn đi nhiều, mỗi năm cũng chỉ cần phát dọn một lần.
Điều mà hai vợ chồng anh Đỉnh thích nhất chính ở chỗ chẳng cần có loại phân hóa học nào cho cây quế nên hoàn toàn là một sản phẩm sạch. Một điều nữa mà vợ chồng anh thích là từ khi được khai thác đến nay, sản phẩm quế của gia đình chưa bao giờ phải lo đầu ra vì có đến đâu là tiêu thụ hết đến đó. Mỗi năm, cây quế bán vào vụ tháng 3 và vụ tháng 8. Bây giờ, điều mà người trồng quế càng thích nữa là cây quế không có thứ gì bỏ đi, từ vỏ đến lá, cành và gỗ đều bán được tiền. Lá tươi thì độ 1.200 đồng mỗi cân, lá khô và cành nhỏ có giá 2.000 đồng/kg; vỏ tươi bán được 16.000 đồng/kg, vỏ khô có giá gấp đôi; gỗ quế thấp nhất là 1,4 triệu đồng/m3, cao nhất đến 3 triệu đồng. Cây quế càng để lâu càng có giá trị kinh tế cao nên nhà có việc cần thì khai thác, không thì không bóc. Hiện nay, anh Đỉnh có 10 ha quế từ 10 năm tuổi trở lên. Diện tích này anh cũng chỉ khai thác và trồng lại bởi không còn đất để mở rộng. Anh mới mua 3.500 cây giống trồng thay thế số cây vừa khai thác.
Ngôi nhà xây năm 2003 từ 36 triệu đồng tiền bán quế, các con đi học nhờ cây quế, mọi việc lớn trong gia đình cũng trông vào cây quế, anh Đỉnh cảm thấy thật bõ công sức mình đã bỏ ra. Đó là những tháng ngày phải ở lại lán trên đồi quế để trông giữ, nhà cách đồi quế có hai cây số mà tháng chỉ về nhà một lần, tết về chúc ông bà và bố mẹ rồi lại đi luôn, khi nào hết lương thực và thực phẩm mới về lấy, phải trồng thêm cây sắn để lo nguồn lương thực, nuôi bò và gà... Đi qua mọi khó khăn với sự kiên trì và chịu khó, vợ chồng anh Đỉnh tự hào và trân trọng những gì họ đang có hôm nay.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT - Phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, xây dựng nông thôn mới được tuổi trẻ xã Bảo Hưng (Trấn Yên) tích cực hưởng ứng bằng những cách làm sáng tạo và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng. Đảng viên trẻ Trần Văn Trường - thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng là một điển hình như vậy.
YBĐT - Gương mẫu, tận tụy, trách nhiệm với công việc, đó là sự ghi nhận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã dành cho đồng chí Lê Đức Bắc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Quân, huyện Trấn Yên.
YBĐT- Mồ côi mẹ từ lúc mới 3 tháng tuổi, cha cũng mất khi em còn quá nhỏ, ký ức về mẹ chỉ là những tấm ảnh treo trên tường, còn ký ức về cha là một vùng mờ nhạt.
YBĐT - Chị Thào Thị Tra ở thôn Háng Tây, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu là một người phụ nữ Mông năng động, làm kinh tế giỏi, tâm huyết với công tác xã hội, nhất là phong trào của hội phụ nữ cơ sở, có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chị Tra được chị em và nhân dân trong thôn quý mến, là tấm gương sáng để các hội viên phụ nữ vùng cao học tập và làm theo.