Cựu chiến binh chăn nuôi giỏi
- Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2016 | 9:14:15 AM
YBĐT - Phát huy những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống, hội viên cựu chiến binh (CCB) Đặng Văn Hãnh ở Chi hội thôn Hồng Quân 1, xã Hán Đà (Yên Bình) không chỉ là tấm gương sống mẫu mực cho mọi người học tập noi theo mà ông còn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi lợn cho hiệu quả kinh tế cao của hội viên CCB Đặng Văn Hãnh.
|
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình chăn nuôi của hội viên Đặng Văn Hãnh, ông Trần Tường - Chủ tịch Hội CCB xã Hán Đà cho biết: “Năm 2015, Hội CCB xã Hán Đà đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi tổng hợp với 14 thành viên tham gia. Cũng có nhiều mô hình khác nhau, nhưng mô hình của hội viên Đặng Văn Hãnh là một trong những mô hình chăn nuôi tổng hợp của Hợp tác xã cho thu nhập ổn định và có thể áp dụng rộng rãi phù hợp với nhiều hội viên CCB và bà con ở địa phương...”.
Trăm nghe không bằng một thấy, tận mắt chứng kiến, mới thấy sự bố trí, sắp xếp các công trình chuồng trại một cách khoa học, khai thác tối ưu tiềm năng thế mạnh về địa hình đem lại hiệu quả chăn nuôi cao nhất. Rót chén nước trà mời khách, ông Hãnh tâm sự thêm về những ngày đầu khởi nghiệp: “Trước những năm 2000, tôi bươn trải đủ nghề nào đánh bắt thuỷ sản trên hồ, đi buôn chài, lưới cho nông dân ven hồ, buôn lá cọ, nông sản... Nhưng các cụ nói không sai, số tôi buôn bán không thể lên được nên năm 2003, tôi đã quyết định đổi sang nghề chăn nuôi và phát triển cho đến bây giờ”.
Thời gian đầu ông Hãnh nuôi ba ba, cá lồng và lợn, nhưng sau khi ba ba bị rớt giá, ông tập trung nuôi cá lồng và lợn. Có thời điểm giá lợn lên cao, ông mua lợn giống về nuôi trong chuồng có tới 300 đến 400 con. Lúc giá lợn lên cũng lãi được nhiều, nhưng cũng không ít lần giá xuống, ông lỗ hàng trăm triệu đồng. Qua nhiều thất bại, ông rút ra kinh nghiệm nuôi theo thời vụ thì vốn đầu tư con giống, thức ăn tốn kém, mà giống lại không bảo đảm nên rủi ro cao.
Vì vậy, từ năm 2011 trở lại đây, ông Hãnh đã đi tìm mua giống lợn tốt về gây nái giúp chăn nuôi của gia đình được ổn định, ông cho biết thêm: “Mô hình của tôi chủ yếu cho ăn cám công nghiệp nên tôi nuôi lợn nái để chủ động con giống rồi nuôi thành lợn thương phẩm. Với giá bình quân như hiện nay thì mỗi con lợn khi xuất chuồng, trừ hết chi phí có lãi từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Với việc chủ động con giống tôi cũng hạn chế được nhiều rủi ro không đáng có khi phải mua con giống nơi khác về như: chết do vận chuyển đường dài, lây nhiễm dịch bệnh trên đường vận chuyển, giống không bảo đảm sức chống chịu kém...”.
Hiện nay, ông Hãnh đang duy trì 25 con lợn nái, khoảng 150 đến 200 con lợn thương phẩm. Vì vậy, có những thời điểm ông còn cung ứng con giống cho các hộ dân trên địa bàn có nhu cầu.
Ngoài nuôi lợn, ông Hãnh còn duy trì nuôi 6 lồng cá, mỗi năm nguồn thu này cũng đạt từ 30 triệu đồng trở lên. Năm 2014, thấy diện tích đất đồi và phần lòng hồ vào mùa nước cạn cỏ mọc xanh tốt, ông đã đầu tư mua 15 con dê giống về nuôi. Năm 2015, từ việc bán dê thịt ông thu về 30 triệu đồng, trong 6 tháng đầu năm nay ông cũng đã thu được 20 triệu đồng. Có điều kiện, ông Hãnh tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và mở rộng quy mô chăn nuôi bảo đảm các điều kiện tốt nhất để chăn nuôi phát triển.
Nhờ chăm chỉ lao động, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, những năm gần đây, tổng thu nhập của gia đình ông Hãnh đạt từ 300 đến 400 triệu đồng/ năm. Nhờ đó, ông có điều kiện nuôi con cái ăn học trưởng thành, nhà cửa được đầu tư xây dựng khang trang với đầy đủ phương tiện, tiện nghi phục vụ cuộc sống. Đặc biệt, với mô hình chăn nuôi ổn định và mức thu nhập khá, ông Đặng Văn Hãnh đã vinh dự được các thành viên trong Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi tổng hợp của Hội CCB xã bầu giữ chức Giám đốc điều hành để giúp đỡ các thành viên trong Hợp tác xã cùng nhau phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Châu Á
Các tin khác
YBĐT - Trở về sau chiến tranh, cứ “trái nắng, trở trời”, mảnh đạn nằm trong cơ thể lại “hành hạ” ông Bùi Văn Đoan, thương binh 1/4 ở thôn Lương Thịnh 3, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái. Thế nhưng, không ngừng “chiến đấu”, chống chọi với bệnh tật, vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc sống, người thương binh ấy vẫn nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
YBĐT - Đến thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, nhắc đến ông Bùi Đức Hiền ai cũng biết, vì mặc dù tư liệu sản xuất là đất đai không nhiều, nhưng gia đình ông đã biết lựa chọn cây trồng phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao.
YBĐT - “Đã là người lính, thì mặt trận nào cũng phải luôn hướng về phía trước. Chỉ có vậy mới chinh phục được mục tiêu mà mình đặt ra” - đó là chia sẻ của ông Trương Văn Trường 54 tuổi - thương binh 4/4, ở thôn 1, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.
YBĐT - Một thời cầm súng chiến đấu vì độc lập dân tộc, khi đất nước hòa bình, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người lính vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.