Ông chủ… vịt trời
- Cập nhật: Thứ tư, 27/7/2016 | 3:21:11 PM
YBĐT - “Lấy vợ xong rồi muốn làm gì thì làm, nuôi vịt trời nhỡ nó bay mất thì sao…” - những lời can ngăn ấy không cản được niềm đam mê của chàng thanh niên Ngô Văn Tài, thôn 4, xã Đại Phác, huyện Văn Yên.
Anh Ngô Văn Tài chăm sóc đàn vịt trời.
|
Một thân, một mình lặn lội đi lấy giống, rồi chăm sóc, tiêm phòng… giờ đây, Tài đã trở thành ông chủ của một cơ sở nuôi vịt trời thương phẩm, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/ tháng.
Sinh năm 1991 nhưng khác với bạn bè đồng trang lứa, Tài không chọn đại học làm con đường lập nghiệp mà bước ra cuộc sống để lao động, nuôi chí làm giàu. Học xong cấp 3, Tài theo người chú trong gia đình đi làm dịch vụ gặt lúa. Sau 3 năm, người chú nhượng lại cho Tài chiếc máy gặt lúa liên hoàn. Vậy là cứ đến ngày mùa, Tài rong ruổi cùng chiếc máy cày đến các thôn, các xã gặt thuê cho bà con nhân dân.
Tài tâm sự: “Làm dịch vụ gặt lúa, ngày công cũng khá và có thu nhập nhưng chỉ làm theo mùa vụ, hết 3, 4 tháng lại ngồi không. Thời gian nông nhàn lớn, nhiều đêm em suy nghĩ chắc phải nuôi thêm con gì thì mới ổn định lâu dài được”.
Đang trăn trở, băn khoăn thì tình cờ Tài vào mạng biết đến mô hình nuôi vịt trời ở Hưng Yên. Qua tìm hiểu, Tài nhận thấy giống vịt trời rất hợp với thời tiết, khí hậu ở đây, việc nuôi, chăm sóc cũng không khó khăn lắm khi thức ăn của chúng đều có sẵn tại địa phương. Ý định là vậy nhưng khi đặt vấn đề với gia đình và người thân, Tài không khỏi chần chừ khi ai cũng can ngăn, nào là nuôi vịt trời nó bay đi mất đấy, giống này khó thuần chủng lắm, lấy vợ đi rồi làm gì thì làm… Tuy nhiên, với quyết tâm, nhiệt huyết tuổi trẻ, Tài dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được trong mấy năm làm dịch vụ gặt lúa cùng với vay mượn bạn bè, người thân được 30 triệu đồng để thực hiện ước mơ.
Tài cho biết: “Có tiền trong tay, em lấy số điện thoại, gọi điện rồi về gặp trực tiếp ông chủ trang trại vịt trời ở Hưng Yên. Trong 2 ngày lưu lại ở đó, em học được rất nhiều kinh nghiệm từ cách chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc rồi cách cho ăn uống, phòng trừ bệnh dịch…”.
Lần đầu, Tài lấy 500 con, tất cả đều 1 ngày tuổi, về sau nhập thêm 500 con, tổng cộng là 1.000 con. Một mình Tài phải vật lộn với số lượng đàn lớn lại chưa có nhiều kinh nghiệm, trong khi đó chuồng trại chưa có nên gặp nhiều khó khăn. Tài kể: “Cũng may hồi đó, gia đình và mọi người động viên, giúp đỡ. Bố mẹ cho mang đàn về nhà úm rồi em tranh thủ dựng lều, lán và quây chuồng trại để kịp đưa vịt ra môi trường”. Lau những giọt mồ hôi lăn trên má khi vừa giúp Tài sửa sang lại khu vực chuồng trại, bà Đỗ Thị Nhị, mẹ của Tài cho biết: “Khi mới lấy vịt về, ngày nào nó cũng phải kiểm tra mấy lần. Nhiều đêm thấy nó không ngủ, cứ ngồi bên chuồng để canh đàn vịt úm”.
Những ngày sau đó, Tài ở luôn tại trại để chăm sóc đàn vịt trời, sáng dậy sớm thái chuối, nghiền ngô, pha cám để cho vịt ăn. Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình của mình, Tài cười: “May bọn này nó ăn ít, ngô, chuối nhà trồng được nên giảm chi phí. Đặc biệt, có mẹ giúp đỡ chứ mình em chắc không trụ nổi”. Chịu khó, siêng năng lại tuân thủ đúng kỹ thuật, phòng trừ bệnh dịch đúng kỳ nên đàn vịt trời của Tài sinh trưởng và phát triển tốt, sau hơn 3 tháng đã bán ra thị trường. Người này đồn người kia, sản phẩm vịt trời thương phẩm của Tài ngày càng được nhiều người biết đến. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của Tài cung ứng ra thị trường 20 con với giá từ 130 - 150 nghìn đồng/ con.
Được biết, thời gian tới, Tài sẽ mở rộng tìm kiếm thị trường nhằm cung ứng vịt trời giống và vịt trời thương phẩm đến các cơ sở chăn nuôi, nhà hàng, quán ăn ở trong và ngoài huyện. Tuy nhiên, khó khăn với Tài bây giờ là thiếu vốn để làm thêm nhà úm và ấp trứng.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Phát huy những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống, hội viên cựu chiến binh (CCB) Đặng Văn Hãnh ở Chi hội thôn Hồng Quân 1, xã Hán Đà (Yên Bình) không chỉ là tấm gương sống mẫu mực cho mọi người học tập noi theo mà ông còn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - Trở về sau chiến tranh, cứ “trái nắng, trở trời”, mảnh đạn nằm trong cơ thể lại “hành hạ” ông Bùi Văn Đoan, thương binh 1/4 ở thôn Lương Thịnh 3, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái. Thế nhưng, không ngừng “chiến đấu”, chống chọi với bệnh tật, vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc sống, người thương binh ấy vẫn nỗ lực vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
YBĐT - Đến thôn Ninh Phúc, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, nhắc đến ông Bùi Đức Hiền ai cũng biết, vì mặc dù tư liệu sản xuất là đất đai không nhiều, nhưng gia đình ông đã biết lựa chọn cây trồng phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao.
YBĐT - “Đã là người lính, thì mặt trận nào cũng phải luôn hướng về phía trước. Chỉ có vậy mới chinh phục được mục tiêu mà mình đặt ra” - đó là chia sẻ của ông Trương Văn Trường 54 tuổi - thương binh 4/4, ở thôn 1, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.