Tiếng nói của người uy tín ở thôn Bản Vãn
- Cập nhật: Thứ hai, 22/8/2016 | 2:06:47 PM
YBĐT - Khi có tiếng nói của ông, mọi người đều nghe theo, từ đó mọi việc đều được giải quyết suôn sẻ, từ vận động bà con trong thôn đóng góp xây bể chứa nước dẫn về bản đến đồng lòng hiến đất, đóng góp tiền, công sức làm đường bê tông, xây dựng hệ thống kênh mương, đường điện sinh hoạt, chung tay xóa nhà dột nát, làm nhà sinh hoạt cộng đồng…
Việc cứng hóa các tuyến đường liên thôn ở xã Sơn A (Văn Chấn) giúp cho người dân và các em học sinh đi lại rất thuận tiện.
|
Đến thôn Bản Vãn, xã Sơn A (Văn Chấn) mọi người thường nhắc tới ông Ngọc Đình Chướng, sinh năm 1956, người dân tộc Mường, nguyên là hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn A. Sau khi nghỉ chế độ, ông tham gia tổ hòa giải của thôn Bản Vãn. Từ năm 2014, ông Chướng liên tục được cộng đồng dân cư tôn vinh và cấp có thẩm quyền công nhận là người có uy tín.
Tham gia dạy học từ năm 1974, ông Chướng được phân công đảm trách qua nhiều công việc, chức vụ như: Phó Hiệu trưởng Trường cấp I - II Sơn A năm 1982; Hiệu trưởng Trường cấp I Suối Quyền (Văn Chấn) từ 1984 đến 1997 và từ tháng 9/1997 đến khi về nghỉ chế độ năm 2011, ông Ngọc Đình Chướng là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn A. Trong suốt quá trình tham gia công tác, ông Chướng luôn tích cực học tập, giảng dạy cũng như lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ giáo viên đóng góp công sức vào sự nghiệp giáo dục của huyện.
Từ việc thuyết phục để người dân chặt cây, hiến đất làm đường giao thông nông thôn cho đến hòa giải các mâu thuẫn gia đình, hay những khúc mắc tình làng nghĩa xóm… ông Chướng luôn có mặt cùng với trưởng thôn, tổ hòa giải khuyên nhủ, phân tích trái, phải.
Khi có tiếng nói của ông, mọi người đều nghe theo, từ đó mọi việc đều được giải quyết suôn sẻ. Trước đây, nước sinh hoạt là nỗi khó khăn đối với người dân ở Bản Vãn, bởi các nguồn nước trong bản bị nhiễm phèn không thể sử dụng làm nước uống hay nấu ăn. Mọi nhà đều phải mang can lấy nước từ mạch nguồn nhỏ ở bờ suối Nung phục vụ sinh hoạt. Năm 2015, khi Nhà nước triển khai Dự án xây dựng bờ kè suối Nung, người dân đã lấy mẫu nước đi kiểm định và có kết quả an toàn, hợp vệ sinh, đủ điều kiện phục vụ sinh hoạt. Từ đó, ông Chướng cùng hội đồng thôn bàn bạc, vận động bà con trong thôn đóng góp xây bể chứa nước đầu nguồn, lắp đặt hơn 1 km đường ống dẫn nước về bản. Đến nay, 100% số hộ dân ở Bản Vãn đều đã được sử dụng nước sạch sinh hoạt.
Thôn Bản Vãn có 102 hộ, gần 500 khẩu và có 6 dân tộc: Kinh, Thái, Tày, Mường, Dao, Khơ Mú cùng nhau đoàn kết sinh sống. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, bà con trong thôn đồng lòng hiến đất, đóng góp tiền, công sức làm đường bê tông, xây dựng hệ thống kênh mương, đường điện sinh hoạt, chung tay xóa nhà dột nát, làm nhà sinh hoạt cộng đồng… Tuy vậy, trong thôn vẫn còn nhiều gia đình khó khăn, nhất là việc đóng góp bằng tiền mặt để xây dựng các công trình. Khi đó, ông Chướng lại cùng hội đồng thôn tới từng hộ dân tuyên truyền, vận động để nếu có khó khăn sẽ chia ra đóng góp thành nhiều lần.
Ông Chướng tâm sự: “Để bà con tin tưởng, trước tiên mình phải gương mẫu giáo dục con cháu trong gia đình, sau đó phải làm tốt công tác vận động cũng như tìm hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Có vậy, khi tham gia hòa giải hay tuyên truyền các chủ trương, chính sách trong nhân dân mới có được hiệu quả tốt”.
Tích cực thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cùng với việc triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước cho đồng bào các dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân thôn Bản Vãn ngày càng được cải thiện. Những năm gần đây, thôn liên tục được công nhận thôn văn hóa; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 16 triệu đồng/người/năm.
Công tác giáo dục được quan tâm, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đạt 100%. Tuyến giao thông liên thôn từ xã vào thôn Bản Vãn được cứng hóa. Nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng khang trang, sạch đẹp; công tác vệ sinh môi trường được triển khai định kỳ hàng tháng. Hủ tục, lãng phí trong ma chay, cưới hỏi dần được xóa bỏ.
Anh Đinh Văn Phong - Bí thư Chi bộ thôn Bản Vãn chia sẻ: “Ông Chướng là người có trình độ và nhiều kinh nghiệm. Thôn có công việc gì đều mời ông tham gia đóng góp ý kiến. Ông thường xuyên gần gũi, động viên bà con làm ăn, bảo ban thanh niên lao động, hòa giải thành công các vụ tranh chấp, va chạm xảy ra trong thôn. Nhiều năm qua, trong thôn không có đơn thư khiếu nại vượt cấp, kéo dài và đặc biệt thôn không còn có các điểm nóng như trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút…”.
Việc tuyên truyền chủ trương, chính sách hay vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua ở vùng dân tộc thiểu số sẽ kém hiệu quả nếu thiếu những người có uy tín trong cộng đồng như ông Chướng. Đó là, những nhân tố tích cực góp phần giữ vững an ninh trật tự, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Vũ Đồng
Các tin khác
YBĐT - Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ nuôi ong, ông Thắng quyết định cùng 11 người có chung hướng phát triển kinh tế ở thành phố Yên Bái, thị trấn Cổ Phúc, xã Nga Quán, xã Minh Quán (Trấn Yên) thành lập Hợp tác xã (HTX) Ong mật Hoàng Liên Sơn. HTX Ong mật Hoàng Liên Sơn đã có trên 2.000 đàn ong, không kể các đàn ong được nuôi vệ tinh.
YBĐT - Tại thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên, anh Vũ Thanh Tùng nổi tiếng với biệt danh “Triệu phú ở làng nghèo” bởi ý chí vượt khó trở thành ông chủ một trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn trên địa bàn.
YBĐT - Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, từ một hộ nghèo nhất nhì trong thôn, đến nay, gia đình anh Hoàng Văn Toàn, thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình đã trở thành hộ khá giả với mô hình nuôi cá lồng cho thu nhập gần trăm triệu đồng mỗi năm.
YBĐT - Đến thôn Ngòi Kè, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, ai cũng biết đến gia đình ông Đặng Văn Nam - 10 năm liền được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Không những thế gia đình ông còn làm kinh tế giỏi ở trong thôn.