Thoát nghèo nhờ trồng táo
- Cập nhật: Thứ năm, 29/9/2016 | 10:47:27 AM
YBĐT - Trải qua nhiều năm cố gắng phấn đấu, gia đình ông Nguyễn Trung Thành thôn Quang Trung, xã Minh Tiến đã thoát khỏi diện hộ nghèo; xây dựng được ngôi nhà khang trang rộng 100 m2, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và vươn lên trở thành một hộ khá giả trong xã.
Ông Nguyễn Trung Thành chăm sóc vườn táo.
|
“Lúc đầu tôi chỉ định trồng để có cây ăn trái cho con nhỏ, sau này được thu hoạch, hiệu quả thu về lại rất cao. Nhận thấy tiềm năng, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng táo. Từ 6 cây giống ban đầu, tôi tự chiết, ghép rồi nhân rộng, đến nay đã có 600 gốc đang tuổi cho thu hoạch. Cây táo đã thực sự là cây giúp gia đình tôi ra khỏi hộ nghèo mấy năm qua”.
Đó là tâm sự của ông Nguyễn Trung Thành, một trong những người đầu tiên đưa cây táo vào phát triển kinh tế thành công tại thôn Quang Trung, xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên.
Trong câu chuyện với chúng tôi ông Thành kể, những năm trước đây, mặc dù đất đai gia đình rất rộng nhưng trồng cấy manh mún nên không hiệu quả, cuộc sống gia đình luôn rơi vào cảnh túng thiếu, thường xuyên phải chạy ăn từng bữa. Khó khăn quá nên ông Thành luôn nung nấu ý định tìm hướng phát triển kinh tế trên chính mảnh đất gia đình.
Cũng như nhiều thanh niên khác, năm 1996 ông Thành lập gia đình, với 2 gian nhà tranh, vách đất, mọi vật dụng sinh hoạt trong nhà đều không có, phải nhờ sự giúp đỡ của bà con chòm xóm. Khi có thêm hai con, cuộc sống của vợ chồng ông Thành lại càng thêm khó khăn, vất vả, nhiều khi không có gạo ăn qua ngày.
Nhiều năm liền, gia đình ông Thành thuộc diện hộ nghèo, thường xuyên phải nhận hỗ trợ 20kg gạo/tháng của Nhà nước. Nhiều lần nhận sự hỗ trợ ông Thành luôn tâm niệm: “Đảng, Nhà nước cho cái ăn để đời sống ổn định mà phát triển, chứ mình không thể mãi ỷ lại vào sự giúp đỡ được”.
Nhiều đêm trăn trở ông suy nghĩ, hai vợ chồng đều còn trẻ, tại sao nhiều cặp vợ chồng khác trong xã, họ làm giàu được mà mình lại không? Và rồi ông quyết tâm tìm một hướng phát triển kinh tế phù hợp với gia đình mình.
Đang nỗ lực tìm hướng làm ăn thì cây táo đến với ông Thành như một cơ duyên. Một lần người bán cây giống ăn quả đi qua nhà, vận động mãi ông mới mua 6 cây táo giống. Khi ấy giá mỗi cây táo chỉ là 5 nghìn đồng nhưng với gia cảnh túng thiếu ông Thành đã phải đổi 1 con gà cho người bán cây giống để lấy táo giống.
Điều bất ngờ là ngay năm đầu tiên táo đã ra nhiều quả, ăn không xuể, năm thứ hai, 6 cây táo đã cho thu tiền triệu. Thấy trồng táo không quá khó mà hơn hẳn trồng lúa, trồng rau, vậy là ông bắt tay vào cải tạo đất kém hiệu quả, mua thêm cây táo giống và chiết cành nhân ra diện rộng.
Những tháng ngày mới đầu tư nhân rộng cây táo, gia đình ông gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm và kiến thức về kỹ thuật chăm sóc. Có những khi cây bị sâu bệnh không biết bệnh gì để mua thuốc chữa; không biết bón phân gì vào thời kỳ nào thì cây ra quả to, đẹp, hiệu quả cao. Lần tìm, học hỏi kiến thức trên báo, đài, tivi và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt do các ban ngành đoàn thể xã tổ chức, ông Thành đã tích lũy được vốn kiến thức, áp dụng vào chăm sóc, cũng như dần rút kinh nghiệm.
Nhìn vườn táo phát triển tốt, đang độ trổ hoa, ông Thành chia sẻ: “Cây táo trồng thì dễ nhưng để chăm sóc và đạt hiệu quả cao cũng cần phải bỏ ra rất nhiều công sức. Cây thường xuyên phải được ủ gốc bằng rơm rạ, cỏ rác để giữ ẩm, hàng tuần theo dõi ngắt bỏ các mầm mọc từ gốc ghép. Đặc biệt, cây táo rất cần nước, nhất là khi quả đang phát triển, nếu không đủ nước quả sẽ nhỏ và chát. Trồng táo phải chú ý đốn để cho cây trẻ lại mới có năng suất và chất lượng tốt”.
Những năm đầu vườn táo mới được thu hoạch, táo được giá, mỗi năm gia đình ông Thành thu về gần 60 triệu đồng. Hiện nay, thị trường táo đã bão hòa, mỗi năm cũng khoảng trên 30 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với gia đình ông. Nhờ đồng vốn tích lũy được từ trồng táo, ông Thành còn trồng thêm 60 cây cam Vinh, trong đó 40 cây đã cho thu hoạch, đem về thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng mỗi năm.
Cây táo là cây có chu kỳ thu hoạch dài, cho nên để có thêm thu nhập cho cuộc sống hàng ngày, cùng với trồng lúa để ổn định lương thực gia đình ông Thành còn chăn nuôi thêm gà, lợn. Trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có hơn 100 con gà, lợn vừa cải thiện bữa ăn vừa có thêm thu nhập lo cho con cái học hành.
Trải qua nhiều năm cố gắng phấn đấu, gia đình ông Nguyễn Trung Thành thôn Quang Trung, xã Minh Tiến đã thoát khỏi diện hộ nghèo; xây dựng được ngôi nhà khang trang rộng 100 m2, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và vươn lên trở thành một hộ khá giả trong xã.
Người con đầu của ông đã trưởng thành, đi làm ổn định, người con thứ hai vẫn đang đi học, suốt 9 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Với thành công này ông Thành đã trở thành một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế để nhiều nông dân trong và ngoài xã học tập trao đổi kinh nghiệm làm giàu.
Lê Thương
Các tin khác
YBĐT - Không sinh ra và lớn lên ở xã Vân Hội, huyện Trấn Yên nhưng anh Trần Ngọc Phương đã chọn mảnh đất giàu tiềm năng này để lập nghiệp và quyết tâm làm giàu từ nghề nuôi cá“.
YBĐT - Thân thiện, cởi mở, mến khách là những gì chúng tôi cảm nhận được khi gặp doanh nhân Tô Thị Xuyến - người phụ nữ bé nhỏ nhưng là chủ cửa hàng cơ khí (điện máy, xây dựng, nông nghiệp) lớn nhất, nhì của tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hát Lừu, huyện vùng cao Trạm Tấu còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, ông Lò Văn Dương luôn tích cực vận động hội viên phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia các hoạt động tình nghĩa, các chương trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
YBĐT - Nhiều năm có uy tín làm chè sạch, đảm bảo chất lượng nên chè khô của ông Tá luôn có giá bán cao hơn hẳn so với sản phẩm chè quanh vùng. Đây cũng là nguồn thu nhập đáng kể để gia đình ông trang trải cho cuộc sống và có thêm vốn để đầu tư mở rộng mô hình kinh tế tổng hợp.