Gương sáng ở Hin Lò
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/10/2016 | 7:10:35 AM
YBĐT - “Về quê có người thân gia đình, có đất làm nhà, đất trồng rừng, trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, có ruộng để tăng gia sản xuất... đi xa làm gì, mình sợ lắm rồi!” - Đó là những lời chia sẻ của Dương Văn Thu, sinh năm 1983 ở thôn Hin Lò, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên mà tôi đặc biệt ấn tượng.
Đoàn viên Dương Văn Thu (phải) thôn Hin Lò, xã Yên Thắng (Lục Yên) giới thiệu mô hình 300 gốc cam của mình.
|
Cũng giống như bao chàng trai vùng nông thôn của tỉnh Yên Bái, sau khi rời ghế nhà trường, Thu cũng muốn tìm đến các thành phố lớn để kiếm “vận may” đổi đời. Ban đầu Thu làm thuê tại Hà Nội. Thấy đất thủ đô “khó nhằn”, Thu khăn gói xuôi Hải Phòng tiếp tục nuôi hy vọng giàu sang, nhưng kết quả lại không như mong đợi.
“Nghe theo anh em, bạn bè trong thôn: về các thành phố lớn dễ kiếm tiền, mình cũng đi. Nhưng khi làm thuê được gần 5 năm, mình nhận ra một điều: lao động thì vất vả mà tiền kiếm được không đủ trang trải thuê trọ, ăn uống... Lúc ấy mình rất bế tắc!”, Thu chia sẻ.
Sau những ngày được nghỉ phép, Thu về thăm gia đình, rồi anh được Huyện đoàn Lục Yên và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Yên Bái, Xã đoàn Yên Thắng cho đi thăm quan một số mô hình phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi... của các bạn đoàn viên ở các địa phương khác. Lúc ấy Thu mới chợt nhận ra: “Họ cũng là thanh niên nông thôn như mình, tại sao cũng ở mảnh đất này, điều kiện như này mà mình không làm được trò trống gì?”.
Từ suy nghĩ đó, năm 2007 Thu đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Những năm đi làm ăn xa, Thu đúc rút được chút ít kinh nghiệm, vì vậy, khi về quê, anh không vội vàng trong việc định hướng công việc, thay vào đó, Thu chủ động liên lạc với các anh em đoàn viên trong thôn, xã đi đến các mô hình kinh tế ở các xã khác học hỏi kinh nghiệm, cách thức xây dựng mô hình.
Khi hiểu về những thế mạnh của địa phương, cộng với hơn 1 ha đất rừng sẵn có của gia đình, Thu quyết định trồng bồ đề. Thấy người dân trong thôn rất khó khăn trong việc làm cỏ, thu hoạch lúa, khai thác gỗ... vì thiếu các công cụ máy móc hỗ trợ sản xuất, Thu bàn với một số anh em thanh niên góp vốn mua máy tuốt lúa, máy cắt cỏ, cắt gỗ về làm dịch vụ.
Thấy đầu tư vào hệ thống máy móc hỗ trợ sản xuất cho thu nhập cao, từ bán gỗ rừng trồng và số tiền tích lũy được, Thu quyết định mua thêm các nông cụ, máy móc hiện đại hỗ trợ sản xuất vừa giúp bà con và chính gia đình mình trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ hệ thống nông cụ máy móc hỗ trợ sản xuất, trừ mọi chi phí, mỗi mùa vụ đã cho gia đình Thu nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng.
Đầu những năm 2012, Thu quyết định đào ao thả cá. Do nhạy bén thời vụ, cộng với khả năng tìm kiếm thị trường ổn định đầu ra nên 4 sào ao nuôi cá của Thu năm nào cũng thắng lớn và cho thu nhập ổn định từ 40 đến 50 triệu đồng/ năm. Năm 2015, sau khi được Huyện đoàn Lục Yên triển khai thực hiện đề án của UBND huyện về khôi phục lại giống cam nổi tiếng của vùng đất này, Thu đã mạnh dạn đầu tư 300 gốc giống cam Vinh và cam V2.
“Nhà báo xem, trồng cam có huyện lo cho đầu ra bao tiêu sản phẩm, lại được cán bộ, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc thì sao mà không thắng chứ! Đấy là chưa kể mình còn trồng thêm 4.000 cây cà gai leo xen với đất trồng cam”. Không chỉ dừng lại ở đó, Thu còn mở rộng diện tích để nuôi ếch, nuôi thêm lợn, gà và hơn 3 sào ruộng... Với mô hình kinh tế tổng hợp này mỗi năm đã mang về cho gia đình Thu hàng trăm triệu đồng.
Năng động làm kinh tế giỏi hiện Thu còn là nhóm trưởng của nhiều bạn đoàn viên thanh niên ở các thôn cùng nhau tham gia mô hình liên kết hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. “Nhóm của mình hoạt động rất tích cực như: giúp nhau về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tư liệu sản xuất, cách chọn con giống, giúp nhau tìm kiếm thị trường tiêu thụ... Mọi thành viên trong nhóm đều rất tích cực, nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ các bạn đoàn viên thanh niên khác có nhu cầu học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất”, Thu chia sẻ.
Luôn đi đầu trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế và là người tích cực tham gia vào các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, đặc biệt rất nhiệt tình giúp đỡ các bạn đoàn viên thanh niên... Thu đã được chọn là 1 trong những gương mặt được khen thưởng trong dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tới đây.
Trần Ngọc
Các tin khác
YBĐT - Ở vùng cao Púng Luông (Mù Cang Chải) đã có nhiều mô hình cựu chiến binh điển hình giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏ.i
YBĐT - Trải qua nhiều năm cố gắng phấn đấu, gia đình ông Nguyễn Trung Thành thôn Quang Trung, xã Minh Tiến đã thoát khỏi diện hộ nghèo; xây dựng được ngôi nhà khang trang rộng 100 m2, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và vươn lên trở thành một hộ khá giả trong xã.
YBĐT - Không sinh ra và lớn lên ở xã Vân Hội, huyện Trấn Yên nhưng anh Trần Ngọc Phương đã chọn mảnh đất giàu tiềm năng này để lập nghiệp và quyết tâm làm giàu từ nghề nuôi cá“.
YBĐT - Thân thiện, cởi mở, mến khách là những gì chúng tôi cảm nhận được khi gặp doanh nhân Tô Thị Xuyến - người phụ nữ bé nhỏ nhưng là chủ cửa hàng cơ khí (điện máy, xây dựng, nông nghiệp) lớn nhất, nhì của tỉnh Yên Bái.