Nuôi thỏ làm giàu
- Cập nhật: Thứ tư, 2/11/2016 | 1:44:23 PM
YBĐT - Mô hình nuôi thỏ bán công nghiệp với quy mô 2.000 con của đoàn viên Nguyễn Thành Công, thôn Quyết Thắng, xã Y Can, huyện Trấn Yên cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Thành Công (bên trái) luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cho những người cùng nuôi thỏ.
|
Chia sẻ về quá trình lập nghiệp của mình, anh Công cho biết: “Ước mơ làm giàu đã thôi thúc tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Rồi thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự càng cho tôi thêm nhiều ý chí, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống. Vậy là, năm 2009 xuất ngũ, tôi đã bắt tay ngay vào làm kinh tế. Đến năm 2012, lập gia đình và đến năm 2013, tôi xin bố mẹ cho ra ở riêng để hai vợ chồng tự lập. Đầu tiên chỉ là nuôi vài trăm con gà rồi nuôi thêm lợn. Sau đó, thấy trên ti vi nói nhiều về nuôi thỏ bán công nghiệp khá đơn giản, hiệu quả kinh tế cao, nên tôi đã tìm hiểu và nuôi rồi chuyên tâm với nghề nuôi thỏ đến nay”.
Nói thì đơn giản, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thật không đơn giản chút nào. Bởi theo như chia sẻ của anh thì những ngày đầu nuôi thỏ, do thiếu kinh nghiệm nên lứa thỏ đầu tiên đã mất trắng vì dịch bệnh khi đầu tư tới hơn 150 triệu đồng để làm chuồng trại, mua con giống. Không đầu hàng trước khó khăn, Công tìm đọc tài liệu qua sách báo rồi tìm đến các hộ nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh và tìm về trại giống thỏ ở Hà Nội nhờ hướng dẫn kỹ thuật và chọn mua giống thỏ NewZealand thuần chủng từ Viện Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây thuộc Viện Chăn nuôi. Không quản ngày đêm, vừa nuôi vừa đúc rút cho mình kinh nghiệm; đồng thời, lên huyện đăng ký học lớp tập huấn ngắn hạn về nuôi thỏ để áp dụng vào gia đình. Vậy là, lứa thỏ sau đó đã thành công ngoài sự mong đợi của Công.
Từ 21 đôi thỏ giống ban đầu, sau một năm, đàn thỏ của anh Công đã có gần 100 con. Không dừng lại ở đó, năm 2015, anh lại tiếp tục đầu tư mua thêm một số diện tích đồi gò trong thôn để trồng cỏ và làm trang trại nuôi thỏ, mở rộng quy mô chăn nuôi. Kết hợp nuôi thỏ thịt và thỏ giống cung cấp cho người dân trong xã; đồng thời, có nguồn con giống bảo đảm để phục vụ việc nuôi thỏ thịt của gia đình. Sau 3 năm, đàn thỏ của gia đình anh Công đã có 2.000 con thỏ thịt và 150 con thỏ bố mẹ.
Chia sẻ kinh nghiệm, anh Công cho biết: “Con thỏ sinh sản rất nhanh, một năm khoảng 5 lứa, mỗi lứa từ 7 - 8 con. Thỏ nuôi khoảng 4 đến 5 tháng là có thể xuất bán được. Thỏ con sau sinh 30 ngày sẽ được tách mẹ và đó là thời điểm thỏ con dễ mắc bệnh đường ruột nên phải chú ý bảo đảm thức ăn sạch và liều lượng vừa đủ. Nuôi thỏ không quá khó nhưng cần chăm sóc và có chế độ ăn uống hợp lý, nguồn thức ăn phải bảo đảm. Khâu vệ sinh chuồng trại cũng rất quan trọng, luôn phải sạch sẽ. So với các động vật khác như gà, lợn thì thỏ cho thu nhập cao hơn, kỹ thuật nuôi lại đơn giản, ít tốn công chăm sóc nên người nuôi có nhiều thời gian để làm công việc khác”.
Hiện tại, mỗi ngày trại thỏ của anh Công bán ra khoảng 12 - 15 con và thỏ thịt giá dao động từ 80.000 - 85.000 đồng/kg, thỏ giống 100.000 đồng/kg. Thu nhập bình quân mỗi năm của anh Công đạt trên 100 triệu đồng. Nhận thấy nhu cầu nuôi thỏ trong nhân dân tương đối lớn, việc mua lồng để nuôi tại các cơ sở trong tỉnh giá cao, nên để giảm bớt chi phí cho người chăn nuôi, anh Công về tận Nam Định mua thép lên gia công làm lồng vừa bán giống vừa bán cả lồng để người dân thuận tiện chăn nuôi. Thép ở Nam Định rẻ hơn, bởi vậy chi phí làm ra một chiếc lồng cũng rẻ hơn các cơ sở ở Yên Bái khoảng 30.000 đồng. Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân ở tận huyện Văn Yên, Văn Chấn cũng tìm về để mua thỏ giống, thỏ thịt và lồng nuôi thỏ; đồng thời, nhờ anh tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Nhiều nhà hàng cũng tìm đến đặt mua thỏ thịt.
Nhờ nuôi thỏ, kinh tế gia đình anh Công đã khá hẳn. Dự định trong thời gian tới, anh sẽ phát triển số lượng đàn thỏ lớn hơn để đủ cung cấp cho thị trường; phát triển trang trại thỏ theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp đến người tiêu dùng sản phẩm thỏ thương phẩm sạch và an toàn. Tuy nhiên, để làm được việc này, mong muốn của anh Công cũng như nhiều đoàn viên thanh niên trong xã là, các cấp, ngành của tỉnh, huyện có cơ chế, chính sách để những đoàn viên thanh niên lập nghiệp tại địa phương được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; đồng thời, được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi một cách bài bản, khoa học hơn. Việc hình thành mối liên kết giữa các hộ chăn nuôi từ việc nuôi thỏ đến tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định, cũng rất cần sự hỗ trợ của chính quyền, ngành chuyên môn các cấp khi quy mô chăn nuôi ngày càng được mở rộng.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - “Cô Hằng là một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, tận tụy với nghề nghiệp, hết lòng vì học sinh thân yêu. Cô đã có nhiều cải tiến và sáng kiến trong công tác giảng dạy, cũng như đóng góp trong việc bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi cho nhà trường...”. Đó là những nhận xét của bạn bè, đồng nghiệp về cô giáo Hoàng Thị Thuý Hằng - giáo viên Tổ Khoa học Tự nhiên, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Văn Chấn.
YBĐT - Đã có nhiều năm lênh đênh trên hồ Thác Bà, nhọc nhằn mưu sinh với những mẻ tôm, mẻ cá nhưng chỉ đến khi dựng trại nuôi lợn thì ông Đinh Văn Lưu ở thôn Thủy Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình mới trở nên khá giả. Đến nay, triệu phú Lưu thường xuyên duy trì 100 lợn thịt, 15 lợn nái, 20 con dê, 10 con bò…
YBĐT - Nậm Mười là một trong 4 xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. Những năm qua, nhờ các chương trình, dự án của Nhà nước và của tỉnh đầu tư cho địa phương được phát huy hiệu quả, đời sống của người dân trong xã đã dần khá lên.
YBĐT - “Mọi người chọn nghề để theo đuổi nhưng với tôi, nghề đã chọn mình”. Đó là tâm sự của chị Bùi Thị Tố Liên, chủ cửa hàng Áo dài Tố Vân, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái - một địa chỉ tin cậy của nhiều chị em yêu thích sự mềm mại, dịu dàng của tà áo dài.