Mong ước đâu chỉ riêng mình

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/1/2017 | 8:22:21 AM

YBĐT -   Thành lập 18 năm nay, Câu lạc bộ Trang trại Thanh niên thị trấn Nông trường Trần Phú năm 2016 nguyên cây cam, các thành viên thu xấp xỉ một ngàn tấn, tính rẻ cũng có hơn 5 tỷ đồng. Là Bí thư Đoàn thị trấn kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Phạm Văn Thắng chính là gương mặt duy nhất của tỉnh Yên Bái giành Giải thưởng Lương Định Của năm 2016 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Anh Phạm Văn Thắng nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2016 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Anh Phạm Văn Thắng nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2016 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Không hẹn trước, đầu giờ sáng, tôi có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn. Rất may, Phạm Văn Thắng - Bí thư Đoàn thị trấn cũng đang ở đó. Gặp nhau rồi, Thắng bảo cuối năm nên bận lại còn đang vụ thu hoạch cam nữa, còn tôi cũng chia sẻ vài lý do chủ quan của mình. Rõ ràng như thế cho thoải mái vì trước đó chúng tôi đã hẹn nhau khá lâu, gọi điện dăm bận, đôi chục tin nhắn mà chưa gặp được. Cuối cùng tôi cứ đi liều lại hóa hay... Thắng chính là gương mặt duy nhất của tỉnh Yên Bái giành Giải thưởng Lương Định Của năm 2016 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.

Nhắc giải thưởng, Thắng không nói nhiều. Em một chốc một lát đã đổi ngay sang chuyện của Câu lạc bộ Trang trại Thanh niên thị trấn Nông trường Trần Phú. Câu lạc bộ này hiện Thắng đang làm Chủ nhiệm. Tên tuổi của Câu lạc bộ không hề xa lạ với những ai quan tâm đến thị trấn này. Xa chút thì cây chè làm nên tiếng vang cho thị trấn. Rồi Bệnh viện Đa khoa khu vực Trần Phú một thời khám chữa bệnh chất lượng có tiếng. Đến cây cam, cây quýt, con ba ba gai của những tháng năm gần đây. Hiện tại vẫn là cam, là quýt, là ba ba gai...

Hôi hổi dòng thời sự, đầu tháng 12 mới đây thôi, huyện Văn Chấn đón nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Cam Văn Chấn”. Người Yên Bái mừng, người Văn Chấn mừng hơn, người thị trấn Nông trường Trần Phú mừng hơn nữa. Cái điều ấy có nhiều nhẽ để mà mừng, để mà vui, để mà tự hào. Thị trấn nằm trong vùng trọng điểm cam của huyện, luôn dẫn đầu về năng suất và sản lượng hàng năm, đời sống kinh tế của người dân phần lớn không tách rời cây cam thì niềm vui thật có lý, đâu khó hiểu. Hơi dài lời nhưng có những chuyện cần rõ nguồn cơn cho thấu, cho xuyên, cho kết mạch hôm qua, hôm nay, ngày mai. Là một công dân của vùng đất cam ngọt trĩu cành, Thắng càng thật tỏ tường.

Vòng vòng quanh thị trấn, Thắng bảo: "Sang năm chị trở lại, quê em đã lại khác”. Hiển nhiên chẳng có điều gì ngăn cản tôi không tin lời em nói. Lý do ư? Cứ trông vào lớp trẻ của thị trấn hôm nay sẽ thấy niềm tin như cây cam cho quả ngọt mỗi mùa. Cụ thể nữa là trông vào những thành viên của Câu lạc bộ. Thu gọn vào đáy mắt màu xanh mởn mướt bao quanh thị trấn trong lưới mưa trắng mỏng tinh tang, niềm tin sức trẻ trỗi bật mãnh liệt vô cùng.

Gấp hai lần rưỡi so với khi thành lập, Câu lạc bộ Trang trại Thanh niên thị trấn Nông trường Trần Phú thu hút 46 thành viên tham gia ở năm thứ 18 này. Theo Thắng thì "Để không chỉ là hình thức, mấu chốt phải làm sao tổ chức được các hoạt động thiết thực, có ích cho từng thành viên”. Đặc thù của một thị trấn miền núi, thế mạnh và sở trường đã rõ nét nhưng sự kết nối các thành viên vẫn thật sự cần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình của mỗi người. Sát cánh Câu lạc bộ đã 12 năm, có 8 năm làm Chủ nhiệm, Thắng trải bày trăn trở về phương thức hoạt động của tổ chức. Là vì thế này, thực tế Câu lạc bộ cũng có giai đoạn tưởng không có thể tiếp tục tồn tại, thành viên sụt giảm.

Nói về những khó khăn đã vượt qua dễ hơn nhiều mọi cố gắng tại thời điểm dốc sức vượt qua những thử thách đó. Nói về những khó khăn đã vượt qua cũng dễ hơn nhiều việc đoán định tương lai. Thế nhưng tương lai lại sẽ sắc nét hình hài ngay từ chính thời khắc hiện tại. Với vai trò là người đứng đầu, Thắng mong muốn tìm cách giải quyết tốt nhất các khó khăn, vướng mắc của Câu lạc bộ.

Đầu tiên, mối liên kết với các chuyên gia đầu ngành sẽ giải quyết triệt để vấn đề khoa học kỹ thuật nhằm sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Những điều đã tự mày mò cùng kinh nghiệm đã biết, đã có, đã tích lũy qua thực tế sản xuất của các thành viên cũng rất cần được bổ sung, tiếp cận với các kiến thức khoa học kỹ thuật tiến bộ mới nhất. Tiếp đến là yếu tố đầu ra không kém phần quan trọng, cần tìm kiếm, phát triển, mở rộng hơn thị trường hiện có. Để bảo đảm được khâu này thì chất lượng sản phẩm cam cũng nhất định phải giữ vững theo cam kết, phải giữ vững bền uy tín.

"Đó là những câu chuyện mà phía chủ quan các thành viên Câu lạc bộ chúng em có thể chủ động, nỗ lực, tích cực giải quyết trong ý thức trách nhiệm tự thân” - Thắng sôi nổi. "Em tiếp đi, những thách thức ngoài tầm?” - tôi sốt sắng. "Nan giải đấy, chị ạ. Thứ nhất, chất lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đáng quan tâm lắm. Nếu cam mà "chết” vì thuốc giả thì người trồng cam chúng em "chết” theo. Thứ hai, vấn đề quản lý môi trường trở nên bức thiết để không khí sạch, nguồn nước sạch. Đâu sẽ là cơ chế giúp xử lý câu chuyện về môi trường, không đơn giản” - Thắng đau đáu. Nghe vậy mới hay rằng mỗi trái cam ngọt, đẹp thế kia chứa chất bao nhiêu nỗi niềm...

Bước về phía tương lai từ hiện tại, tất cả các thành viên Câu lạc bộ trao gửi nhiều hy vọng, nhiều mong đợi với cây cam. 46 thành viên là 46 mô hình trồng cam có tổng diện tích 200 ha bên cạnh 3 mô hình nuôi lợn, 5 mô hình nuôi ba ba gai. Hỏi về thu nhập của Câu lạc bộ trong năm 2016, Thắng nhẩm nhanh: "Xấp xỉ một ngàn tấn, tính rẻ cũng có hơn 5 tỷ đồng, nguyên cam đấy chị! Em ước bình quân thôi vì giá của các loại cam khác nhau mà còn tùy thuộc thời điểm”.

Anh Phạm Văn Thắng (bên trái) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cam với thành viên Câu lạc bộ.

Tranh thủ, tôi dò ngay: "Chủ nhiệm Câu lạc bộ làm sao mà ít được chứ?”. Thắng bảo: "Nhà em không nhiều cam bằng các thành viên khác đâu chị. Nếu muốn bằng anh em thành viên, em phải cố gắng không ít. Em vẫn đang ở nhà gỗ và chờ mấy vụ cam nữa sẽ tính”. Gần chục năm nay đi theo cây cam và con ba ba gai, Thắng cũng giống như các thành viên khác.

Thắng cho biết: "Em dự định cùng các thành viên chuyên canh cây cam theo hướng VietGAP. Thị trường quyết định chấp nhận hay không chấp nhận sản phẩm của mình thì mình phải theo xu hướng tất yếu là cung ứng sản phẩm sạch. Riêng em cũng sẽ tiếp tục nuôi và đưa con ba ba gai ra thị trường vì em thấy vẫn có hiệu quả tốt”.

Khát vọng làm giàu chân chính, vận động đoàn viên thanh niên địa phương tích cực phát triển kinh tế, trong vai vừa Bí thư Đoàn thị trấn vừa Chủ nhiệm Câu lạc bộ, công việc của Thắng hỗ trợ đắc lực lẫn nhau. Càng đi nhiều nơi, càng gặp nhiều người, càng thấy kiến thức không giới hạn. Năm 2016, Câu lạc bộ tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm làm vườn tại tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Bắc Giang. Thắng nói rằng tới đây dứt khoát sẽ xóa tên 3 thành viên không nhiệt tình tham gia sinh hoạt và kết nạp thêm 10 thành viên. Quan điểm của Chủ nhiệm Câu lạc bộ là sự phát triển số lượng chỉ có ý nghĩa thực chất thể hiện qua hiệu quả hoạt động, hiệu quả kinh tế.

Mới nhất, Câu lạc bộ đã xuất 60 tấn cam đầu tiên vào chuỗi Siêu thị Big C miền Trung và miền Nam. Thị trường mới mở ra khi mùa xuân mới đang về là thêm hy vọng. "Chúng em cũng mong muốn được vay vốn nhiều hơn để mở rộng và đầu tư sản xuất hiệu quả. Nhiều bạn trẻ bản lĩnh, mạnh dạn, năng động và đáng học hỏi lắm chị ơi!” - Thắng hào hứng. Những dự định tươi non như chồi xuân ứa mọng dòng nhựa sống. Những khát vọng tốt đẹp song hành với nhiệt huyết, hành động. Cam ngọt tới mọi miền, mong ước đâu chỉ riêng mình Thắng...

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng Bằng khen Thanh thiếu niên tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2016 cho Nguyễn Văn Huỳnh.

YBĐT - Nguyễn Văn Huỳnh - Phó Bí thư Chi đoàn thôn Đại Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên với sản phẩm bếp nóng lạnh Huỳnh Phát vừa được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái tuyên dương là một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2016. Sinh năm 1993, ông chủ 9x giờ đã có trong tay tiền tỷ với hệ thống 6 cơ sở sản xuất và cửa hàng cung cấp sản phẩm bếp Huỳnh Phát trên địa bàn tỉnh Yên Bái, thành phố Hà Nội và Lào Cai.

Chị Nguyễn Thị Hằng sáng tạo sản phẩm mới.

YBĐT - Các bức tranh được tạo ra từ đá của chị Hằng trở nên sống động hơn, những thảm cỏ như được trải thêm một màu xanh mượt mà, óng ánh, những con suối như róc rách reo vang, những tà áo trở nên mềm mại, lụa là... đầy cuốn hút.

Ông Lò Văn Khiêm và bà Lò Thị Ương hạnh phúc bên nhau.

YBĐT - Hỏi chuyện mấy đồng nghiệp công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Trạm Tấu, mọi người bảo: “Ông Lò Văn Khiêm và bà Lò Thị Ương chứ gì? Cả huyện đều biết!”. Lý do mọi người đều biết, bởi “kỷ lục” mà ông bà đã tạo nên khi sinh tới 18 người con và bây giờ có cả “đại đội” cháu, chắt. Nhưng sự “nổi tiếng” này càng đặc biệt hơn là, các con cháu của ông bà đều phương trưởng, trở thành công dân tiêu biểu.

Bộ sưu tập huy chương của gia đình chị Hòa.

YBĐT - Đến với bộ môn cầu lông ở tuổi 30 đơn giản chỉ là để rèn luyện sức khỏe song có lẽ năng khiếu trời sinh và cái duyên với giải đã đưa chị Hoàng Thị Mai Hòa - giáo viên Mỹ thuật của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình trở thành vận động viên (VĐV) tên tuổi trong làng thể thao của tỉnh Yên Bái nói riêng. Đặc biệt, tại các giải thể thao gia đình toàn quốc, nhiều năm liên tục, gia đình chị luôn giành được những bộ Huy chương Vàng (HCV) danh giá…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục