Bếp Huỳnh Phát - ngọn lửa sáng tạo của ông chủ 9x

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/1/2017 | 8:17:20 AM

YBĐT - Nguyễn Văn Huỳnh - Phó Bí thư Chi đoàn thôn Đại Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên với sản phẩm bếp nóng lạnh Huỳnh Phát vừa được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái tuyên dương là một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2016. Sinh năm 1993, ông chủ 9x giờ đã có trong tay tiền tỷ với hệ thống 6 cơ sở sản xuất và cửa hàng cung cấp sản phẩm bếp Huỳnh Phát trên địa bàn tỉnh Yên Bái, thành phố Hà Nội và Lào Cai.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng Bằng khen Thanh thiếu niên tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2016 cho Nguyễn Văn Huỳnh.
Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng Bằng khen Thanh thiếu niên tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2016 cho Nguyễn Văn Huỳnh.

Thầy giáo Tống Văn Thành - giáo viên môn Sinh học, Trường THPT Nguyễn Lương Bằng, huyện Văn Yên là người đã phát hiện, bồi dưỡng và truyền thụ niềm đam mê sáng tạo khoa học cho cậu học trò "cưng” của mình. Huỳnh được thầy Thành lựa chọn là 1 trong 4 thành viên của đội tuyển nhà trường tham gia  Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 6 Việt Nam (VIFOTEC); Triển lãm Sáng tạo trẻ quốc tế lần thứ 7 (IEYI); Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Yên Bái làm thứ III, IV và thứ VII.

Với những kinh nghiệm sau các cuộc thi, bản thân Huỳnh và nhóm sáng tạo nhà trường đã nghiên cứu, sáng chế ra những sản phẩm mới, có những công dụng, tiện ích nổi bật nhằm mục đích nâng cao đời sống, giảm sức lao động của người dân lao động, cũng như bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sản xuất như: máy pha nước tự động, máy bào vỏ quế, phao chống vỡ ao đập, máy bắt sâu bọ, mô hình tuần hoàn vật chất - hệ sinh thái VAC...

Các sáng chế này đã đạt được giải ba, giải khuyến khích ở các cuộc thi cấp tỉnh, cấp trung ương. Bản thân Huỳnh được tặng giấy khen, Huy chương Nhà sáng chế trẻ năm 2010, 2011. Điều thầy Thành khâm phục nhất ở Huỳnh là khả năng tư duy sáng tạo và ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên của cậu học trò này.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Huỳnh đăng ký và thi đỗ vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chuyên ngành Tự động hóa - một chuyên ngành mà bản thân rất yêu thích nhưng vì nhiều lý do khác nhau, Huỳnh xin xét tuyển vào Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, chuyên ngành Công tác xã hội. Tuy nhiên, niềm đam mê sáng tạo khoa học vẫn luôn cháy trong con người trẻ này chỉ chờ cơ hội để thổi bùng lên mạnh mẽ. Sau khi tốt nghiệp ra trường, Huỳnh quay trở về quê hương lập nghiệp và được nhận làm bán chuyên trách công tác Đoàn tại xã.

Trăn trở khi thấy nhiều thanh niên nông thôn không có việc làm, cuộc sống của bản thân và gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, Huỳnh quyết tâm làm một điều gì đó có ích để đoàn viên thanh niên có thêm việc làm, có thu nhập để cải thiện cuộc sống, đồng thời mở ra con đường lập nghiệp cho riêng mình.

- Do đâu mà bạn hình thành ý tưởng "Bếp nóng lạnh đun bằng thực vật”?- Tôi hỏi.

- Quê tôi làm nông nghiệp, nguyên liệu đun nấu hàng ngày là rơm, rạ, vỏ trấu, củi, chất thải nông nghiệp… bị bỏ phí. Tôi nảy ra ý tưởng làm một loại bếp không chỉ phục vụ đun nấu mà còn có nhiều tính năng mới, giúp ích cho người dân và ý tưởng "Bếp nóng lạnh đun bằng thực vật” với nguyên lý "đối lưu nhiệt” được hình thành.

- Từ ý tưởng đến sản phẩm thực tiễn, bạn có gặp khó khăn gì không?

- Khó khăn thì nhiều lắm! Nhưng may mắn mình có thầy Thành luôn ở bên cạnh động viên. Khi trình bày ý tưởng với thầy, thầy đã giúp mình rất nhiều trong việc triển khai thực hiện, hỗ trợ kinh phí và liên hệ với các xưởng cơ khí trong vùng để cho ra mắt những sản phẩm đầu tiên.

Rồi Huỳnh kể cho tôi nghe chuyện hai thầy trò thức trắng bao đêm để nghiên cứu, mày mò, tìm chất liệu phù hợp để cho ra sản phẩm bếp đầu tiên. Chiếc bếp đầu tiên được làm bằng chất liệu sắt nhưng không phù hợp do khả năng giữ nước ấm kém, bị gỉ sắt nên sớm hao mòn. Sau đó, hai thầy trò chuyển sang làm bếp bằng inox nhưng do chưa có kinh nghiệm lại thiếu kinh phí, chọn loại inox mỏng nên bếp bị cong, vênh và dễ bị bục nước. Mất nhiều thời gian nghiên cứu và cải tiến Huỳnh đã cho ra đời sản phẩm và đặt tên là bếp Huỳnh Phát.

- Sao bạn lại chọn đặt tên bếp là Huỳnh Phát?

Chỉ vào cô con gái chưa đầy tuổi, Huỳnh bảo đấy là tên ghép lại của hai bố con. Mình yêu bếp như yêu chính đứa con của mình vậy! Trong quá trình sản xuất, nhiều câu hỏi cũng được chính Huỳnh đặt ra rồi tự trả lời để sản phẩm được tốt hơn, hiệu quả và tận dụng vật tư chi phí thấp, thân thiện với môi trường. Khắc phục được những nhược điểm bếp truyền thống. Loại bếp mới này tiết kiệm chất đốt, giảm thiểu khói bụi, tro tàn không rơi vãi, giảm thời gian đun nấu, hiệu xuất nước nóng nhanh, dễ nhóm lửa, dễ vệ sinh, khay tro phù hợp (200kg chất đốt thì đổ tro một lần).

Bếp được thiết kế hai lớp có nước xung quanh làm giảm nhiệt ở lớp vỏ bếp, an toàn trong sử dụng (người sử dụng không nóng, không bị bỏng khi chạm vào thân bếp). Theo Huỳnh, loại bếp mới này tận dụng được trên 80% lượng nhiệt; tiết kiệm 40% chất đốt, giảm 60% khói bụi và giữ được nước nóng lâu trong khoảng thời gian 48 giờ với nhiệt độ trên 70 độ C. Tháng 4/2016, bếp Huỳnh Phát chính thức đưa ra thị trường, bếp được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp bằng sáng chế độc quyền.

Mới được đưa ra thị trường, sản phẩm bếp Huỳnh Phát đã được bà con tin tưởng và sử dụng. Sản phẩm đã có mặt ở hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái, huyện Sa Pa, Văn Bàn của tỉnh Lào Cai và địa bàn các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Phú Thọ. Hiện Huỳnh có 4 cơ sở liên kết sản xuất và 1 cơ sở do Huỳnh trực tiếp chỉ đạo sản xuất. Năm 2016, bếp Huỳnh Phát đạt tổng doanh thu trên 2,1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang lại trên 170 triệu đồng, tạo việc làm cho 38 lao động, trong đó gần 20 lao động là các bạn đoàn viên thanh niên tại địa phương với thu nhập bình quân đạt 5,6 triệu đồng/ tháng.

 

Nguyễn Văn Huỳnh (thứ 2, bên phải) trao đổi với công nhân về những cải tiến mới của bếp Huỳnh Phát.

Để tiếp tục theo đuổi ước mơ khởi nghiệp, niềm đam mê sáng tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ công tác, Huỳnh tham gia khóa học "CEO giám đốc điều hành” tại Trường Doanh nhân TPI ở Mỹ Đình, Hà Nội để cập nhật kiến thức lãnh đạo điều hành, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên, người lao động trong và ngoài địa phương, góp phần sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường. Huỳnh có ý tưởng thành lập công ty để mở rộng thị trường kinh doanh bếp Huỳnh Phát, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho đoàn viên thanh niên, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Bên cạnh niềm đam mê sáng tạo khoa học, Huỳnh còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, các hoạt động tình nguyện tại địa phương; riêng cá nhân Huỳnh đã 11 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Với những nỗ lực của bản thân, tháng 4/2016, Huỳnh vinh dự được kết nạp vào Đảng. Đây là nguồn động viên to lớn để Huỳnh tiếp tục phát huy tinh thần và niềm đam mê sáng tạo của mình.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, từ niềm từ đam mê sáng tạo và bước đầu có những thành công, tạo ra những giá trị kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững Nguyễn Văn Huỳnh đang trên con đường trở thành một doanh nhân trẻ thắp sáng lên ngọn lửa đam mê sáng tạo và khởi nghiệp trong thanh niên, góp phần xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới, đưa quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Mạnh Cường - Hoài Văn

Các tin khác
Chị Nguyễn Thị Hằng sáng tạo sản phẩm mới.

YBĐT - Các bức tranh được tạo ra từ đá của chị Hằng trở nên sống động hơn, những thảm cỏ như được trải thêm một màu xanh mượt mà, óng ánh, những con suối như róc rách reo vang, những tà áo trở nên mềm mại, lụa là... đầy cuốn hút.

Ông Lò Văn Khiêm và bà Lò Thị Ương hạnh phúc bên nhau.

YBĐT - Hỏi chuyện mấy đồng nghiệp công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Trạm Tấu, mọi người bảo: “Ông Lò Văn Khiêm và bà Lò Thị Ương chứ gì? Cả huyện đều biết!”. Lý do mọi người đều biết, bởi “kỷ lục” mà ông bà đã tạo nên khi sinh tới 18 người con và bây giờ có cả “đại đội” cháu, chắt. Nhưng sự “nổi tiếng” này càng đặc biệt hơn là, các con cháu của ông bà đều phương trưởng, trở thành công dân tiêu biểu.

Bộ sưu tập huy chương của gia đình chị Hòa.

YBĐT - Đến với bộ môn cầu lông ở tuổi 30 đơn giản chỉ là để rèn luyện sức khỏe song có lẽ năng khiếu trời sinh và cái duyên với giải đã đưa chị Hoàng Thị Mai Hòa - giáo viên Mỹ thuật của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình trở thành vận động viên (VĐV) tên tuổi trong làng thể thao của tỉnh Yên Bái nói riêng. Đặc biệt, tại các giải thể thao gia đình toàn quốc, nhiều năm liên tục, gia đình chị luôn giành được những bộ Huy chương Vàng (HCV) danh giá…

Ông Lạc Văn Sinh (giữa) trao đổi với cán bộ văn hóa huyện Yên Bình về các tài liệu đã sưu tầm Sình ca Cao Lan.

YBĐT - Trân trọng và luôn ý thức gìn giữ vốn văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, ở cái tuổi ngoài 70, ông Lạc Văn Sinh đã nỗ lực rất nhiều để phục dựng thành công lễ cấp sắc; các điệu múa chim gâu, múa xúc tép...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục