Ông Hiên nuôi thỏ cho thu nhập cao
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/6/2017 | 6:56:03 AM
YBĐT - Mô hình nuôi thỏ của ông Nguyễn Anh Hiên ở thôn 3, xã Văn Phú cho thu nhập bình quân hàng năm lên tới 200 triệu đồng.
Ông Hiên chăm sóc thỏ.
|
Trong những năm qua, các phong trào do Hội Nông dân thành phố Yên Bái phát động về phát triển kinh tế hộ gia đình đã có sức lan tỏa sâu rộng tới từng hội viên ở các chi hội trên địa bàn xã Văn Phú. Ông Nguyễn Anh Hiên ở thôn 3, xã Văn Phú là một trong những hội viên nông dân điển hình vươn lên làm giàu và thành công với mô hình nuôi thỏ nhờ mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định cuộc sống gia đình với mức thu nhập bình quân hàng năm lên tới 200 triệu đồng.
Qua tìm hiểu, tự nghiên cứu các giống thỏ nuôi từ sách, báo, ti vi cùng với sự hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi thỏ của cán bộ khuyến nông, ông Hiên nhận định giống thỏ trắng New Zealand có khả năng sinh trưởng nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế.
Giữa năm 2015, từ số vốn ban đầu của gia đình cộng thêm phần góp vốn của hai người em ruột, ba anh em ông Hiên đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng nuôi thỏ gồm 3 dãy, 2 tầng lồng bằng thép không gỉ với tổng diện tích là 660 m2. Mỗi dãy được ngăn thành từng lồng rồi lại chia lồng thành từng ô, kích thước mỗi ô khoảng 50 x 70 cm.
Với cách làm này, ông Hiên có trên 180 ô nhỏ, vừa tận dụng được diện tích vừa giảm được thời gian và công chăm sóc. Lồng nuôi thỏ được đặt trên các trụ cách mặt đất 70 - 80 cm với thiết kế rất thuận lợi cho việc ăn uống của thỏ và vệ sinh khu vực chuồng nuôi; đồng thời, được đánh số thứ tự để tiện ghi chép theo dõi sự phát triển của đàn thỏ.
Giống thỏ trắng New Zealand là giống thỏ du nhập, quen sống trong môi trường khí hậu mát mẻ nên ông Hiên đã quy hoạch hệ thống chuồng nuôi bảo đảm mùa đông ấm áp, kín gió và mùa hè thoáng mát. Ngoài việc bảo đảm vệ sinh thức ăn, chuồng nuôi, ông Hiên cũng thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho thỏ và trồng thêm 4 sào cỏ giống VA06 để tạo nguồn thức ăn tự nhiên.
Ban đầu với 106 con thỏ, cả thỏ sinh sản và thỏ đực, thì đến nay, số lượng thỏ của gia đình ông Hiên đã tăng lên 1.000 con, trong đó có gần 300 con thỏ sinh sản. Từ khi xây dựng mô hình, ông chỉ xuất bán hơn 200 con thỏ thịt, chủ yếu là bán lẻ cho người dân thực sự có nhu cầu chứ không xuất ồ ạt. Đồng thời, ông tiếp tục tuyển thêm thỏ sinh sản để nhân đàn, dự kiến quy mô chăn nuôi lên đến 4.000 con.
Theo kinh nghiệm chăn nuôi của ông Hiên, để thỏ mẹ được khỏe mạnh, sinh sản tốt thì phải cho thỏ phối giống bình quân 3 tháng/2 lứa; mỗi lứa, thỏ mẹ đẻ từ 7 - 8 thỏ con. Trong quá trình chăm sóc, ông có sổ tay ghi chép ngày tháng cụ thể để quản lý thỏ con cũng như thời gian sinh sản của thỏ mẹ. Thỏ con nuôi 3 tháng có thể đạt trọng lượng tối đa từ 2,8 - 3 kg/con.
Như vậy, với 300 con thỏ sinh sản thì trung bình cứ 3 tháng đàn thỏ của ông Hiên tăng lên khoảng 1.500 con. Trong 3 tháng đầu năm 2017, mỗi tháng gia đình ông Hiên xuất bán trên dưới 200 con thỏ thương phẩm cho các nhà hàng trên địa bàn thành phố, trọng lượng trung bình từ 2 - 2,2 kg/con với giá bán bình quân khoảng 90.000 - 100.000 đồng/kg, lợi nhuận mỗi con đạt 50.000 - 55.000 đồng. Ngoài ra, ông còn xuất bán thỏ giống với giá bình quân 150.000 đồng/kg.
Ông Hiên cho biết: “So với chăn nuôi lợn, gà thì chăn nuôi thỏ có lãi hơn nhiều. Trong khi đó, thỏ ít bị bệnh, ăn ít, không kén thức ăn, có thể tận dụng các loại thức ăn sẵn có như các loại rau, củ, quả, tinh bột chủ yếu là cám ngô, cám gạo. Nói chung, nuôi thỏ không khó, chuồng trại đơn giản, chi phí đầu tư ít mà hiệu quả lại cao, người nuôi chỉ cần chịu khó tìm hiểu và học hỏi thì sẽ thành công”.
Cùng với sự đầu tư bài bản và bước đầu có hiệu quả từ việc chăn nuôi thỏ của gia đình ông Hiên, thời gian qua, đã có nhiều người dân đến tham quan, học hỏi và mua thỏ giống của gia đình ông. Có thể nói, thành công từ mô hình chăn nuôi thỏ của ông Hiên đã mở ra hướng lựa chọn mới trong sản xuất, chăn nuôi cho người dân ở xã Văn Phú nói riêng và thành phố Yên Bái nói chung để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.
Nguyễn Thanh Lâm (Trạm Khuyến nông thành phố Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Vượt lên thương tật để chiến thắng đói nghèo, trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương với mô hình kinh tế đồi rừng kết hợp với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đó là ý chí và nghị lực của thương binh hạng 3/4 Vũ Đình Sinh ở thôn Gốc Vối, xã Yên Hưng, Văn Yên.
YBĐT - Trung bình mỗi vụ, cơ sở của chị Đỗ Thị Nga sử dụng khoảng 700 tấn nghệ tươi và cho ra khoảng hơn 50 tấn tinh bột nghệ.
YBĐT - Gần chục năm trời, với diện tích khoảng 10 ha đất, CCB Trần Xuân Tình đã khai hoang được trên 1 mẫu ruộng, trên 1 ha ao, hồ và diện tích còn lại thì trồng cây lâm nghiệp.
YBĐT - Không chịu khuất phục trước khó khăn, gian khổ, cựu chiến binh (CCB) Bùi Văn Định ở tổ 7, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái đã trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, có thu nhập bình quân một năm lên đến hơn 300 triệu đồng.