Những “bông hoa” núi

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/6/2017 | 6:54:43 AM

YBĐT - Lên vùng cao Mù Cang Chải hôm nay, theo những con đường sạch sẽ vào bản làng, nhìn những ngôi nhà gọn gàng, ngăn nắp, cũng ti vi, tủ lạnh, cũng đèn điện sáng... thấy rõ sự đổi thay. Sự đổi thay ấy có sự đóng góp tích cực từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của các cấp hội phụ nữ.

Một buổi tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Chi hội Phụ nữ bản Háng Chú, xã Kim Nọi.
Một buổi tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Chi hội Phụ nữ bản Háng Chú, xã Kim Nọi.

Bên chén trà thơm, chị Sa Thị Ngần - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mù Cang Chải tâm sự, trong cuộc sống, phụ nữ luôn có vai trò quan trọng. Đối với người Mông, điều này càng đúng hơn bởi người phụ nữ vùng cao ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ họ còn có tác động sâu sắc đến sinh hoạt của gia đình.

Những năm trước đây, do cuộc sống khó khăn, kèm theo tư tưởng lạc hậu, chỉ thích sinh con trai để có người nối dõi tông đường và có người lao động nên tình trạng sinh con đông là phổ biến. Nhiều cặp vợ chồng sinh con thứ 7, thậm chí 9, 10 mới thôi.

Sinh đẻ nhiều khiến chị em phụ nữ không có thời gian tham gia các hoạt động xã hội, không có thời gian chăm sóc bản thân và con cái, dẫn đến con trẻ bị suy dinh dưỡng, sức khỏe giảm sút, người phụ nữ không làm tốt vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình và xã hội. Đa phần chị em sống cam chịu, tự ti, không hòa nhập với cộng đồng.

"Do vậy, làm thế nào để thu hút chị em tham gia sinh hoạt Hội, giúp chị em thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ sức khỏe bản thân... là trăn trở của lãnh đạo Hội” - chị Ngần trao đổi.

Thực tế tại cơ sở đã đặt ra cho các cấp Hội từ huyện đến cơ sở phải đổi mới phương thức hoạt động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động và các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội.

Với phương châm hướng về cơ sở, mỗi cán bộ Hội là một tuyên truyền viên tích cực, vận động, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nâng cao nhận thức, xóa bỏ những hủ tục, 14 chủ tịch hội phụ nữ cơ sở phát huy tinh thần trách nhiệm, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ, tận tâm với công việc để tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tiếp cận với tư duy tiến bộ, văn bản chính sách mới.

Chúng tôi về La Pán Tẩn, xã điểm thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ huyện. Chị Thào Thị Dở - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã chia sẻ: "Thông qua mỗi buổi họp thôn bản, các chi hội lại lồng ghép tuyên truyền, vận động chị em tham gia Phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, gắn với thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Tại các buổi họp, các chị em đã thẳng thắn trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống thường ngày, cùng nhau tháo gỡ khó khăn và có biện pháp khắc phục những tiêu chí khó”.

Nội dung tuyên truyền là vậy, nhưng với đặc điểm của phụ nữ vùng cao phải dễ hiểu, dễ nhớ. Với tiêu chí "Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”, chị em vận động gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe tuyên truyền đạo lạ, không đi làm ăn xa, tránh bị mua bán qua biên giới.

Đối với tiêu chí "Không sinh con thứ 3 trở lên”, các chị em được tham gia chương trình truyền thông về dân số, áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thực hiện quy ước, hương ước thôn, bản.

Ở vùng cao, xóa đói giảm nghèo luôn là tiêu chí quan trọng vì xét cho cùng, mọi lạc hậu đều gắn với đói nghèo. Do đó, với tiêu chí "Không đói nghèo”, các cấp Hội vận động chị em thực hiện Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, hỗ trợ hội viên đẩy mạnh phát triển kinh tế theo thế mạnh của địa phương.

Chị Hờ Thị Dê - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chế Cu Nha cho biết: "Với những người phụ nữ dân tộc Mông bao đời gắn bó với cây lanh và nghề dệt vải nên được sự hướng dẫn của Hội Phụ nữ huyện và sự giúp đỡ của Trung tâm Hỗ trợ dạy nghề nhân đạo Craft Link, Hội Phụ nữ xã đã thành lập mô hình tổ phụ nữ dệt thổ cẩm tại bản Dề Thàng, với quyết tâm gìn giữ giá trị truyền thống, quảng bá du lịch, góp phần tạo việc làm cho chị em phụ nữ trên địa bàn. Hiện, nhóm đã sản xuất được gần 20 loại mặt hàng, các sản phẩm đã từng bước tiếp cận thị trường, nhiều khách hàng đã biết, tìm đến đặt hàng, mua hàng, tạo thu nhập cho chị em, góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo”.

Có thể nói, từ Phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, vùng cao đã xuất hiện nhiều "bông hoa” của núi trong cuộc chiến với đói nghèo. Điển hình như mô hình của các chị: Lù Thị Sênh ở bản Mí Háng Tâu, xã Púng Luông với mô hình nuôi gà đen; Giàng Thị Chu ở bản Đề Chờ Chua B với mô hình nông nghiệp kết hợp kinh doanh; Mùa Thị Sầu ở bản Trống La, xã Hồ Bốn với mô hình chăn nuôi…

 

Hội viên phụ nữ huyện Mù Cang Chải tham gia vệ sinh thôn, xóm.

Cùng cuộc chiến xóa đói nghèo, môi trường sống là vấn đề hết sức bức xúc đối với vùng cao. Vì vậy, với tiêu chí "3 sạch”, Hội Phụ nữ huyện chỉ đạo các cấp hội tổ chức tuyên truyền tại tất cả các xã, bản về nội dung vệ sinh môi trường, nước sạch.

Trong đó, các cơ sở hội đã tổ chức ít nhất một lần/tháng ra quân tổng vệ sinh môi trường, làm sạch đường thôn, bản, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, mương máng; hướng dẫn người dân đào hố rác, tận dụng những vật liệu sẵn có (tấm lợp, giỏ nhựa, tre, nứa) làm các thùng rác tại các đoạn đường liên thôn để người dân có nơi bỏ rác, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường.

Đồng thời, vận động chị em sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, thực hiện lối sống văn minh, gia đình văn hóa "ăn sạch, ở sạch, uống sạch”.

Qua vận động, chị em đã triển khai tốt tại gia đình, điển hình là xây dựng mô hình trồng rau sạch, cải thiện bữa ăn, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện đã chỉ đạo 14 cơ sở hội và trên 600 cán bộ, hội viên trực tiếp tuyên truyền cho hội viên và nhân dân tham gia tích cực vệ sinh thôn bản, vận động gia đình hội viên có nhà nghỉ thực hiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quảng bá những đặc sản của vùng tới du khách. Do đó, du khách rất hài lòng và ấn tượng khi đến với Mù Cang Chải.

Kiên trì, nhẫn nại, phù hợp với đặc điểm địa phương mà các cấp Hội Phụ nữ huyện Mù Cang Chải đã dần thay đổi nhận thức cho hội viên. Các chị em giờ đã biết vệ sinh, sắp xếp nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, không thả rông gia súc, chuồng gia súc được di dời ra xa nhà.

Nguồn nước, môi trường, khu vực sinh sống được vệ sinh sạch sẽ. Bàn tay người phụ nữ đã góp phần để mỗi gia đình vùng cao ngày càng đổi khác, không ít gia đình đã có ti vi, tủ lạnh, xe máy, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần. Đáng quý hơn, tình trạng bạo lực gia đình, sinh con thứ 3, tỉ lệ học sinh bỏ học và trẻ em vi phạm pháp luật giảm hẳn.

Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm đó, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước sẽ thấm sâu vào cuộc sống, tiếp tục góp phần làm thay đổi vùng cao.

Minh Huyền

Các tin khác
Chị Giang thực hiện công việc quản lý thanh toán vé xổ số bóc biết ngay kết quả theo đúng quy trình.

YBĐT - Đảm trách tốt công tác chuyên môn, trách nhiệm trong công việc, hết lòng với khách hàng, hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội với thành tích xuất sắc và luôn luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao… Với những đóng góp của mình, năm nào chị Nguyễn Thị Hương Giang cũng được Chi hội Phụ nữ khu dân cư bình bầu là hội viên phụ nữ xuất sắc tiêu biểu.

YBĐT - Năm học 2016 - 2017, toàn huyện có 13 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 96 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 114 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, 45 giải cấp tỉnh và 01 giải quốc gia.

Ông Hiên chăm sóc thỏ.

YBĐT - Mô hình nuôi thỏ của ông Nguyễn Anh Hiên ở thôn 3, xã Văn Phú cho thu nhập bình quân hàng năm lên tới 200 triệu đồng.

Ông Vũ Đình Sinh (thứ 2 bên trái) trao đổi việc trồng quế với cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Văn Yên.

YBĐT - Vượt lên thương tật để chiến thắng đói nghèo, trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương với mô hình kinh tế đồi rừng kết hợp với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, đó là ý chí và nghị lực của thương binh hạng 3/4 Vũ Đình Sinh ở thôn Gốc Vối, xã Yên Hưng, Văn Yên. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục