Người cán bộ 4 lần được bầu làm Bí thư Huyện ủy Yên Bình
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/6/2017 | 8:47:53 AM
YBĐT - Đầu tháng 6, nắng như đổ lửa, thời tiết khắc nghiệt là thế nhưng chúng tôi vẫn hào hứng đi Hải Dương, bởi người mà chúng tôi sẽ được gặp là cụ Đặng Cao Đàm, 94 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, giữ cương vị Bí thư Huyện ủy Yên Bình khóa IV, V, VI, VII.
Đồng chí Nguyễn Dũng Giang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình trao đổi tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Bình với nguyên Bí thư Huyện ủy Yên Bình Đặng Cao Đàm.
|
Đây là người cán bộ lão thành mà các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình nói: “Đó là một nhân chứng lịch sử, gắn liền với giai đoạn oanh liệt nhất của huyện Yên Bình”.
Đẩy cánh cửa cũ kỹ, bước vào gian nhà đơn sơ trên đường Nguyễn Thị Duệ, thành phố Hải Dương - nơi cụ Đàm đang sinh sống, hai thế hệ lãnh đạo huyện mừng mừng, tủi tủi. Cụ Đàm thân tình: “Các con khỏe cả chứ! Bố vẫn theo dõi tình hình trên đó, thấy huyện nhà đổi mới phát triển, bố mừng lắm”. Nghe cụ Đàm nói, tôi chắc rằng sẽ có nhiều tư liệu quý cho bài viết của mình.
Sinh ra ở vùng quê có truyền thống cách mạng, mẹ cụ Đàm là đội viên Đội Du kích Hoàng Ngân nổi tiếng. Chàng thanh niên Đặng Cao Đàm sớm giác ngộ cách mạng, tham gia tích cực Phong trào “Thanh niên cứu quốc”, gia nhập đội du kích của xã...
Năm 1947, chàng thanh niên Đặng Cao Đàm đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng và thoát ly gia đình lên Chiến khu Tân Trào (Tuyên Quang) hoạt động cách mạng. Cuối năm 1947, đồng chí Đặng Cao Đàm được Khu ủy cử về Phủ Bình để tham gia thành lập Đảng bộ huyện Yên Bình và giữ chức Thường trực Huyện ủy.
Thời ấy, ở đâu cũng khó khăn vất vả nhưng ở Yên Bình còn vất vả hơn vì là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào công giáo... Thuận lợi lớn nhất của ta là có Đảng, có Bác Hồ. Hơn nữa, cán bộ cách mạng thì ở đâu, bao giờ cũng biết đoàn kết, phấn đấu, vượt khó, vươn lên.
Tôi nhận thấy trong câu chuyện của cụ Đàm có nhắc nhiều tới từ “đoàn kết”, cụ còn nhắc anh em cán bộ lãnh đạo đương nhiệm rằng: “Mọi người vẫn thường nói Yên Bình là mảnh đất bình yên, tươi đẹp. Nói thế chẳng sai, nhưng để có được bình yên, tươi đẹp và cả giàu mạnh, no ấm nữa thì phải xuất phát từ truyền thống quý báu đoàn kết, phấn đấu vươn lên”.
Có lẽ xuất phát từ tinh thần đoàn kết, phấn đấu vượt khó vươn lên mà thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc thời ấy ở huyện Yên Bình đã lập nhiều thành tích trên lĩnh vực xây dựng Đảng, củng cố chính quyền, phát triển phong trào sản xuất, xây dựng đời sống, cũng như chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống thực dân Pháp.
Tại Đại hội lần thứ IV Đại hội Đảng bộ huyện Yên Bình (2/1/1959) đã bầu đồng chí Đặng Cao Đàm giữ chức Bí thư Huyện ủy. Đến tháng 6/1959, đồng chí Đàm được điều động ra tỉnh làm Trưởng ty Công nghiệp. Đến kỳ Đại hội V (tháng 5/1961), Đại hội VI (5/1963) và Đại hội VII (1/1965) đồng chí đều được tín nhiệm bầu là Bí thư Huyện ủy Yên Bình.
Đến đây, tôi mới hiểu thêm câu nói của các đồng chí lãnh huyện Yên Bình rằng: “Cụ Đàm là một nhân chứng lịch sử, người cán bộ lãnh đạo gắn liền với giai đoạn oanh liệt nhất của huyện Yên Bình”.
Thời cụ làm Bí thư, Yên Bình phải thực hiện hai nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là chuyển dân để xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà và chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược khi chúng dùng không quân bắn phá miền Bắc.
Trong đó, công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà và những địa phương lân cận là một trong những mục tiêu đánh phá trọng điểm. Giai đoạn 1961 - 1965, nhân dân các dân tộc Yên Bình cùng với các địa phương khác đang ra sức thi đua đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ IV đi vào cuộc sống; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ nhất đề ra rất nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó củng cố và phát triển phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp một cách mạnh mẽ.
Trong điều kiện hết sức khó khăn ấy nhưng với những giải pháp tốt, cách làm hay, Yên Bình đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với 177 hợp tác xã được thành lập, huy động được 95% số hộ nông dân, 97% công cụ sản xuất vào làm ăn tập thể.
Tính đến năm 1965, toàn huyện có 9.801 mẫu ruộng; 1.968 mẫu hoa màu; tổng sản lượng lương thực đạt 2.100 tấn, bình quân lương thực đầu người 507 kg, trong đó 373 kg thóc; toàn huyện nộp được 3.816 cân thóc thuế. Các lĩnh vực giao thông, thủy lợi giáo dục, y tế... đều đạt nhiều thành tựu. Đặc biệt, Đảng bộ huyện trưởng thành rõ rệt, toàn huyện có 13 chi bộ “4 tốt”, 24 chi bộ khá và 15 chi bộ trung bình, không có chi bộ yếu kém.
Trong nhiệm vụ chuyển dân xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Bà, góp phần quán triệt và thực hiện chủ trương, đường lối công nghiệp hóa của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Yên Bình đều nhận thức rõ về giá trị, lợi ích của công trình thủy điện đối với nền kinh tế quốc dân, từ đó xác định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Cuối năm 1962, cuộc vận động chuyển dân thí điểm lần thứ nhất được triển khai tại hai xã công giáo toàn tòng là Chính Tâm và Tân Thành kết thúc tốt đẹp. 71 hộ dân đã chuyển đến vùng quê mới, mở đầu cho nhiều đợt chuyển dân tại các xã khác.
Sang năm 1964, huyện thực hiện đợt chuyển dân lần hai, toàn đợt đã chuyển được 1.421 hộ. Cuối năm 1966, công tác chuyển dân cơ bản hoàn thành với 2.019 hộ, hơn 11.000 nhân khẩu tiếp tục được chuyển đến vùng quê mới nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Hoàn thành nhiệm vụ chuyển dân cũng là lúc đồng chí Đặng Cao Đàm - Bí thư Huyện ủy Yên Bình nhận nhiệm vụ mới tại Ban Tổ chức Trung ương, chia tay những vùng quê Đại Minh, Yên Bình, Bạch Hà, Cảm Nhân, Mỹ Gia; tạm biệt đồng bào Dao trắng, Dao đỏ, Tày, Nùng thương mến, người cán bộ miền xuôi về Hà Nội công tác nhưng vẫn luôn mang theo khí chất của người cán bộ cách mạng, mang tinh thần đoàn kết, vượt khó, phấn đấu vươn lên từ mảnh đất Yên Bình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cho tới khi hết tuổi về nghỉ hưu nơi quê nhà.
Chia tay cụ Đàm dưới tán phượng già đang rực đỏ màu hoa, cụ ân cần nắm tay từng người: “Tôi luôn tự hào về truyền thống của huyện Yên Bình, luôn tin tưởng vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ phát huy được truyền thống đoàn kết, vượt khó vươn lên; không ngừng xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tích cực học tập và làm theo Bác để Yên Bình giàu mạnh, dân Yên Bình no ấm”.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Chị Lạc Thị Vui, sinh năm 1989, người dân tộc Cao Lan ở thôn Đá Chồng, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình không những làm kinh tế giỏi mà còn là một đảng viên trẻ gương mẫu, một cán bộ Đoàn năng động, nhiệt tình trong các hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở địa phương.
YBĐT - “Năng động, nhiệt tình, xung kích trong công việc cũng như các hoạt động của công đoàn". Đó là những lời nhận xét của đồng nghiệp mỗi khi nhắc đến anh Phùng Anh Ngọc, đoàn viên công đoàn Trung tâm Văn hóa (TTVH) huyện Trấn Yên.
YBĐT - Có chút gì đó như ngại ngần, lại có chút gì đó như dè dặt, Quách Quang Tuấn khác hẳn với hình ảnh rạng ngời tại Lễ tuyên dương Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ VIII năm 2017 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Tuấn đã có 5 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật từ năm 2014 đến nay.
YBĐT - Đảm trách tốt công tác chuyên môn, trách nhiệm trong công việc, hết lòng với khách hàng, hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội với thành tích xuất sắc và luôn luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao… Với những đóng góp của mình, năm nào chị Nguyễn Thị Hương Giang cũng được Chi hội Phụ nữ khu dân cư bình bầu là hội viên phụ nữ xuất sắc tiêu biểu.